Những ngày qua, dư luận không khỏi bàng hoàng, ghê sợ trước vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Kẻ sát nhân máu lạnh đã sát hại cả gia đình người em ruột của mình, như chặt đi chính tay, chân của mình… Tiếng chuông báo động về lòng tham, về đạo đức trong một số con người hiện đã xuống cấp tới mức tột cùng.
Nhiều người đã không dám đọc hết những bài báo, không dám xem hết những video, không dám nhìn cảnh kẻ sát nhân tay nhuốm máu, bình thản ngồi uống nước và lạnh lùng kể lại câu chuyện y đã sát hại gia đình người em ra sao. Tất cả cũng lại vẫn từ chuyện tranh đoạt đất đai, hơn thua nhau trong gia đình. Thật đau xót, chỉ vì 0,5m đất ranh giới đã cướp đi 4 mạng người, một người đang đối diện với mức án nghiêm khắc nhất cùng những nỗi oán hờn khó giải.
Người ta đã từng rùng mình, bàn tán về tội ác của những kẻ thủ ác, máu lạnh đã xuống tay trong những vụ án mạng kinh hoàng như vụ 6 người trong gia đình bị cắt cổ ở Bình Phước, 4 người bị chết thảm ở Nghệ An, vụ thảm án 4 người trong một gia đình ở Lào Cai…Với kẻ thủ ác như Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng ở Bắc Giang năm 2011, giết vợ chồng chủ tiệm vàng cùng đứa con 18 tháng tuổi, người ta cho rằng Luyện còn trẻ người, non dạ, hoa mắt vì vàng, nghĩ suy bồng bột,…hay các vụ án khác có những mâu thuẫn, hoàn cảnh, tình huống khác nhau. Còn như vụ án vừa xảy ra ở thôn Bồng Lai, xã Hồng Hà, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội sáng 1/9 vừa qua thì Nguyễn Văn Đông đã có tuổi (SN 1966), không nghèo, đã có con, có cháu, sao lại nỡ ra tay chém em ruột, vợ em ruột, cháu gái, cháu dâu, cả đứa chắt mới 1 tuổi y cũng không tha?
Hành vi của Nguyễn Văn Đông đã không còn một chút tính người, tình người, chưa nói gì đến tình thân máu mủ. Dã man hơn khi người dân đưa người bị nạn đi cấp cứu, y vẫn lao vào chém tiếp. Vô cảm, lạnh lùng khi y nhơn nhơn kể lại câu chuyện xuống tay giết người. Điều gì đã đẩy kẻ sát nhân đến mức mất hết tính người, gây nên tội ác tột cùng như vậy? Lẽ nào chỉ vì chuyện hơn thua nửa mét đất ranh giới, tranh chấp với gia đình người em?
Nguyên nhân vụ án rồi đây sẽ được cơ quan pháp luật điều tra, làm rõ. Tội ác của Nguyễn Văn Đông sẽ được pháp luật và cả “toà án lương tâm” phán xử. Và rồi dù cho hình phạt với Đông đến mức nào thì cũng không thể lấp được những nỗi đau khôn cùng mà y gây ra cho gia đình, dòng họ, làng xóm và xã hội.
Lâu nay những vụ việc tranh chấp đất đai, tiền bạc dẫn đến án mạng liên tục diễn ra mà vụ án Nguyễn Văn Đông là hồi chuông báo động lớn, bài học đắt giá cảnh tỉnh cho mọi gia đình và xã hội. Lòng tham đã làm mờ mắt, khô kiệt đạo đức, tính thiện của không ít con người, đẩy họ vào vũng bùn tội lỗi. Trách những người như Nguyễn Văn Đông, nhưng cũng phải xem xét, nghiên cứu nguyên nhân dẫn tới phạm tội; điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến các vụ trọng án trên. Đặc biệt là công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động, giải quyết vụ việc.
“Anh em hiền thật là hiền/ Bởi một đồng tiền làm mất lòng nhau”. Từ xưa ông cha ta cũng đã nhắc nhở về cách ứng xử, cách sống của con người với nhau, trong đó có anh em trong gia đình. Ngày nay, mọi cá nhân đều phải sống, tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật, đều bình đẳng trước pháp luật. Nghĩa vụ, quyền lợi của các cá nhân từ trách nhiệm, quyền lợi trong gia đình đều đã được pháp luật quy định. Nếu chuyện trong nhà không dàn xếp, thoả thuận được với nhau thì cần sự phân định của pháp luật, của các cơ quan chức năng.
Gia đình là một xã hội thu nhỏ. Lâu nay cũng không ít gia đình, cá nhân không tuân thủ pháp luật, giải quyết vấn đề, việc trong gia đình theo cảm tính, theo phong tục, hủ tục, dẫn đến phát sinh mâu thuẫn. Không ít gia đình phân chia nghĩa vụ, quyền lợi không công bằng. Không ít gia đình coi con trai hơn con gái, chỉ cho con trai thừa kế tài sản hay cho con trai phần hơn. Những mâu thuẫn dồn nén lâu ngày, phát sinh mâu thuẫn lớn, làm mất đi tình cảm anh em, tình cảm gia đình.
Ở đâu cũng vậy, chỉ khi mọi việc được phân xử công bằng, minh bạch, hài hoà thì tình cảm, hạnh phúc mới bền chặt, dài lâu.
Và rồi, thời nào, lúc nào cũng vậy, con người luôn luôn phải đấu tranh tư tưởng trước khi thực hiện hành vi. Nhiều khi chỉ ở ranh giới mong manh, suy nghĩ bồng bột, không làm chủ được mình là gây tội. Cuộc sống nhiều nỗi lo, lắm ức chế, lòng tham, ý niệm ác dễ nảy nở và phát triển. Con người phải rèn luyện, sống thiện, sống có đạo đức và trước hết là phải tuân thủ pháp luật để đảm bảo cho xã hội, gia đình và trước hết là cho mình có được một cuộc sống yên bình, hạnh phúc.
* Nạn nhân duy nhất sống sót đã qua cơn nguy kịch
Ngày 2/9, lãnh đạo Bệnh viện 198 cho biết, hiện Bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân là chị Đỗ Thị Nhung (24 tuổi- nạn nhân thứ 5 trong vụ thảm án).Tiên lượng tình trạng của bệnh nhân khá nặng. Còn ông Đỗ Xuân Trường (bố đẻ của Đỗ Thị Nhung) cho biết, chị Nhung đã qua cơn nguy kịch và vẫn đang được điều trị. Cùng ngày, ông Nguyễn Đình Đà - Chủ tịch UBND xã Hồng Hà khẳng định, “thông tin Nhung đã tử vong trên mạng là không chính xác. Hiện cháu Nhung đã qua cơn nguy kịch, đang nằm theo dõi ở khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện 198”.
Trước đó, chiều ngày 1/9, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Đông (53 tuổi, trú xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng) về tội “Giết người”.
Theo đó, khoảng 7h15 sáng 1/9, tại cụm 2 xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, do tranh chấp đất đai, Nguyễn Văn Đông (trú xã Hồng Hà) đã cầm dao sang truy sát cả nhà em trai khi nghe tin gia đình người em vừa làm lễ khởi công xây nhà. Đã có 4 nạn nhân tử vong trong vụ thảm án, trong đó, 2 người tử vong tại chỗ là ông Nguyễn Văn Hải (50 tuổi, em ruột của Đông) và con gái ông Hải là Nguyễn Thị Bắc (28 tuổi). Còn bà Doãn Thị Việt (48 tuổi, vợ ông Hải) và cháu Nguyễn Huyền M. (1 tuổi, cháu nội ông Hải) tử vong tại bệnh viện. Chị Đỗ Thị Nhung, con dâu ông Hải bị trọng thương vẫn đang được cấp cứu.
Đại Dương