Ảnh hưởng của Nguyễn Du với văn chương hiện đại

Ngọc Hân - Như Nguyệt 30/10/2015 14:02

Trong những tháng cuối năm 2015, tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, các hoạt động nhằm kỷ niệm 250 năm ngày sinh Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015) đã và sẽ được tổ chức. Trong đó, mới đây, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã tổ chức cuộc hội thảo “Ảnh hưởng của Nguyễn Du với văn chương hiện đại”.

Quang cảnh buổi hội thảo

Hơn 200 năm qua, Nguyễn Du đã ảnh hưởng đến các nhà văn nhà thơ Việt Nam mọi thế hệ bởi nhân cách sống và sự sáng tạo, nhất là văn bản “Truyện Kiều”. Trong hơn 200 năm, số người viết về Nguyễn Du không lúc nào ngừng nghỉ, người ta đọc “Truyện Kiều” ở khắp nơi, từ vua chúa đến các tầng lớp bình dân. Đối với người Việt Nam, Nguyễn Du là đại thi hào, còn “Truyện Kiều” là một kiệt tác.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Liên Hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, vào thế kỷ 18, 19, ở ta xuất hiện vô số truyện Nôm khuyết danh, các truyện này đều đơn tuyến, nhưng Nguyễn Du đã xây dựng tác phẩm và nhân vật theo kiểu phức hợp, chính điều đó ảnh hưởng đến văn chương hiện nay. Thúy Kiều đáng yêu, đáng trọng, đáng thương nhưng cũng đáng giận. Đây là sự đi trước thời đại về xây dựng nhân vật. Chúng ta nói đến văn chương tâm linh, nhưng thời Nguyễn Du đã tâm linh, đồng hiện rồi. Nhiều yếu tố chứng minh “Truyện Kiều” có sức sống và ảnh hưởng đến hiện đại.

“Nói Nguyễn Du ở thời điểm hôm nay, kỷ niệm 250 năm sinh là nói đến những kỷ lục trước và sau ông không ai sánh được”, GS Phong Lê - Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam nêu quan điểm. “Một khối lượng trang viết về ông trên hàng trăm pho sách, hàng chục vạn trang không lúc nào ngưng nghỉ trong ngót 200 năm và càng về sau càng dày, càng nặng. Một số người đọc không thể nào tính hết vì đó là sự cuốn hút khắp mọi tầng lớp cư dân, bất kể mọi địa vị xã hội, mọi thành phần sang hèn, kể từ một ông vua tự nhận là hay chữ đến mọi tầng lớp bình dân chưa hề biết chữ, trong đó không hiếm người có thể thuộc lòng hàng nghìn câu thơ Kiều học có thể đọc ngược nhiều đoạn… Sức sống “Truyện Kiều” còn vượt ra ngoài sự đọc, để tràn sang nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác như sân khấu, ca nhạc, hội họa… Nói “Truyện Kiều” là nói Nguyễn Du, người sáng danh nhất không chỉ trong văn chương Việt Nam trung đại mà là cả lịch sử văn chương Việt… Chính ông là người đầu tiên của văn chương Việt được tôn vinh là Danh nhân Văn hóa thế giới vào năm 1965 nhân kỷ niệm 200 năm sinh do Hội đồng hòa bình thế giới trao tặng. Cũng chính ông, lần thứ hai được tổ chức UNESSCO tôn vinh là Danh nhân Văn hóa thế giới vào năm 2015 sau hai tác giả khác là Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh. Vậy là hai lần Nguyễn Du đi ra đại lộ văn chương thế giới trong tư cách một tác gia văn chương Việt”.

Tượng Đại thi hào Nguyễn Du tại Hà Tĩnh

Thừa nhận rằng “Truyện Kiều đã dạy tôi làm thơ”, nhà thơ Vương Trọng chia sẻ rất chân thành: “Không nhớ được những gì mẹ ru nhưng tôi bắt đầu đọc Kiều từ khi tập đánh vần và chưa hết cấp hai thì đã thuộc trọn vẹn toàn bộ 3.254 câu thơ của tác phẩm này. Với lứa tuổi thiếu nhi của tôi, Truyện Kiều đồng nghĩa với Thơ và Thơ đồng nghĩa với “Truyện Kiều” bởi vì ở vùng quê tôi thời đó, ngoài “Truyện Kiều” ra, khó có thể tìm đâu một tập thơ quốc âm nào khác nên tôi tập làm thơ là làm theo thể thơ lục bát và cố viết làm sao cho giống ngôn ngữ của “Truyện Kiều”. Bây giờ đọc lại những bài thơ hồi đó thấy thật buồn cười cho sự ấu trĩ học theo… Sau này, khi đã tương đối hiểu “Truyện Kiều”, tôi cảm nhận được nhiều cái hay của tuyệt tác này nhưng để vận dụng vào sáng tác của mình thì chỉ được một phần nhỏ”.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, ảnh hưởng của Nguyễn Du không chỉ đối với văn chương Việt Nam mà còn hiện hình trong tất cả các loại hình nghệ thuật trong đó có cả sân khấu, điện ảnh… Thậm chí, thơ của Nguyễn Du còn tác động tới từng cá nhân người đọc. “Chúng ta ai cũng từng đọc “Truyện Kiều” của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, từng lẩy Kiều, bói Kiều, thậm chí nảy ý định tập Kiều, cảm hứng đưa Kiều vào điện ảnh, sân khấu, thi ca, văn chương … Nhưng có lẽ vẫn cất giữ riêng tư “Truyện Kiều” trong sâu thẳm tâm linh để luôn được tự mình chiêm nghiệm Kiều trong suốt cuộc đời dài dặc của từng cá nhân người đọc”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.

Trong khi đó, nhà thơ Đỗ Trung Lai khẳng định “Nguyễn Du, với Truyện Kiều đã trở thành nhà thơ tiếng Việt vĩ đại nhất”. Ông đặt ra giả sử Nguyễn Du chỉ làm thơ chữ Hán: “Thơ chữ Hán của cụ được các nhà thơ đánh giá cao, nhưng dân ta không mấy ai biết tới vì họ không đọc được. Sau này, dù được diễn Nôm hay chuyển quốc ngữ thì căn bản vẫn chỉ được lưu hành trong giới có học mà thôi. Và, ngay cả khi ấy, thơ chữ Hán của cụ vẫn còn bị soi xét, so sánh, bì kè với thơ Đường- Tống và với các nhà thơ chữ Hán khác ở chính nước ta. Nhưng khi đã “Xem Nôm Thúy Kiều” thì từ các bậc Hán học danh gia vọng tộc, các đại thụ trong làng thơ Nôm cho đến dân chúng đều thích thú, thán phục, ngưỡng mộ, say mê, thậm chí là… nghiện”.

Nhà thơ Lê Thành Nghị cũng tâm sự: “Tôi lựa chọn nghề viết văn cũng bắt đầu từ yêu thơ Kiều, song gần như đã đến cuối cuộc đời những gì mình làm được chẳng qua cũng chỉ đáng là con oanh học nói… Qua Nguyễn Du có thể thấy tầm cỡ của một thiên tài được hình thành từ nhiều phía nhưng yếu tố tiên quyết phải chăng là tình yêu thương sâu sắc đối với con người. Đó cũng chính là một phần biểu hiện cái tâm của người nghệ sĩ”.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh thì chia sẻ: “Truyện Kiều, bản thánh kinh của tâm hồn tôi. Tôi đã nói câu ấy khi nhà thơ, nhà phê bình văn học Canada Nguyễn Đức Tùng hỏi tôi đã chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất tác phẩm nào của nhà thơ nào trong suốt hơn 50 năm cầm bút của tôi…”.
Những tham luận, ý kiến tại cuộc hội thảo đã một lần nữa khẳng định tài năng, tầm vóc, vai trò của Đại thi hào Nguyễn Du với tài sản văn chương của dân tộc. Bên cạnh đó, với những tác phẩm xuất sắc của mình, đặc biệt là “Truyện Kiều”, ảnh hưởng của ông tới văn chương đương đại là rất lớn. Trong tâm hồn người Việt luôn có bóng dáng “Truyện Kiều” phủ bóng và soi sáng cho tâm hồn.

Nguyễn Du (1765-1820), tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh tại kinh thành Thăng Long. Cha là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm, làm quan đến chức Tham Tụng (Tể tướng) dưới triều Lê, mẹ là bà Trần Thị Tần quê ở Kinh Bắc. Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn chương bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm. Trong đó, sáng tác chữ Hán gồm: “Thanh Hiên thi tập” (Tập thơ của Thanh Hiên), “Nam trung tạp ngâm”, “Bắc hành tạp lục” (Ghi chép trong chuyến đi sang phương Bắc). Sáng tác chữ Nôm có: “Đoạn trường tân thanh” (Tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột) gồm 3.254 câu thơ theo thể lục bát. Tác phẩm này được biết đến với tên “Truyện Kiều”. “Văn chiêu hồn” có tên là “Văn tế thập loại chúng sinh”, “Thác lời trai phường nón”, “Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ”…
Dự kiến lễ Kỷ niệm 250 năm ngày sinh và vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du được tổ chức tại TP Hà Tĩnh từ ngày 3 đến ngày 5-12.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ảnh hưởng của Nguyễn Du với văn chương hiện đại