Ngôi nhà cổ của ông Phạm Ngọc Tùng (70 tuổi, trú xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc) được khởi dựng từ năm 1810, công trình này nằm cách cổng Tây di sản UNESCO thành nhà Hồ 200 m. Qua gần 200 năm, ngôi nhà này mới trải qua một lần trùng tu vào năm 2002. Theo ông Phạm Ngọc Tùng, ngôi nhà này đã trải qua 7 thế hệ, nguồn gốc của ngôi nhà này là do cụ Bát, giữ chức quan bát phẩm đời nhà Nguyễn khởi dựng vào năm 1810, hoàn thành trong thời gian 7 tháng dưới bàn tay của những người thợ tài hoa nhất vùng Nam Hà (Hà Nam ngày nay) và làng Đạt Tây (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa ngày nay). Ngôi nhà cổ được đặt trên nền địa thế chếch hướng Đông Nam, chiều rộng là hơn 9 m, dài 21,7 m và 8 m là chiều cao. Ngôi nhà 7 gian gồm có 3 gian chính giữa dùng để thờ tự dòng họ Phạm, các gian còn lại dùng để sinh hoạt trong gia đình ông Tùng. Kết cấu trong nhà có 3 chuồng cửa chính với 12 cánh, mỗi chuồng cửa rộng từ 2,8 – 3 m, ngoài ra còn có 2 chuồng cửa phụ. Trong 3 gian thờ tự đặt 8 câu đối làm bằng gỗ, khắc chữ Nho và có ấn điểm của nhà Nguyễn. Họa tiết trang trí trong ngôi nhà này được trình bày hết sức tinh tế và hiếm gặp nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa, thể hiện nét văn hóa độc đáo của thời kỳ nhà Nguyễn mà không phải ngôi nhà nào cũng có được. Mái ngói của ngôi nhà được lợp bằng ngói vẩy, thiết kế theo lối lộn thềm - lối kiến trúc đặc trung của người Việt xưa nhằm tạo nên không gian thông thoáng, rộng rãi. Hoa văn trang trí được chạm trổ rất tinh xảo với các chủ đề sinh động như tứ linh (long, ly, quy, phụng), tứ quý (tùng,cúc, trúc, mai), chữ Thọ cách điệu... Về vật liệu dựng ngôi nhà này, ông Tùng cho biết, nó có kết cấu từ 9 loại gỗ khác nhau và có sẵn tại địa phương như sến, táu, xoan, lác, xà đanh…, trong đó chủ yếu là gỗ xoan. Lần trùng tu năm 2002 đã được các chuyên gia tính toán để giữ được sự nguyên bản, đồng thời xử lý chống mối mọt từ nền nhà đến các họa tiết, kết cấu gỗ ngôi nhà. Dự kiến sau ngày được trùng tu, ngôi nhà này sẽ tồn tại thêm được ít nhất 100 năm nữa. Ở ngôi nhà cổ đã chứng kiến bao thế hệ con cháu trong nhà ông Tùng trưởng thành, thành đạt. Riêng gia đình ông Tùng, đã có 4 người con hiện đã có sự nghiệp vững vàng và cũng đã lập gia đình. Năm 2004, ngôi nhà đã được USNESSCO công nhận là "Nhà cổ dân gian Việt Nam", đạt giải thưởng Danh dự khu vực châu Á - Thái Bình Dương về bảo tồn di sản văn hóa. Sau khi trở thành một điểm du lịch. hằng ngày, gia đình ông Tùng đón hàng chục lượt khách xa gần lui tới thăm quan, tìm hiểu về ngôi nhà này và đều được ông Tùng tận tình giới thiệu. Với việc triển khai ứng dụng quét mã QR Code thuyết minh tự động, không cần đến hướng dẫn viên hay thuyết minh viên tại điểm, du khách đã có thể khám phá thành nhà Hồ và các di sản phụ cận theo cách riêng của mình.