Nghề đóng giày thủ công ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam trước đây được nhiều khách hàng ưa chuộng. Còn bây giờ nghề này khó cạnh tranh với giày công nghiệp đa dạng về mẫu mã, giá thành rẻ. Thế nhưng, vẫn có nhiều người bám trụ nghề này để mưu sinh.
Lần này chúng tôi ghé lại Hội An để tìm hiểu về nghề đóng giày thủ công, một nghề lâu đời ở vùng đất này. Trước đây nghề đóng giày thủ công rất thịnh hành, nhiều gia đình đã ăn nên làm ra từ nghề này, nhưng bây giờ thì như thế nào?
Trong cơ sở đóng giày của mình ở phường Cẩm Nam, TP Hội An, anh Nguyễn Ngọc Châu cùng 10 người thợ đang cần mẫn đóng giày để kịp bàn giao cho khách. Đây là những người thợ rất đam mê với nghề, họ đã gắn bó lâu dài với cơ sở này.
Anh Châu cho hay: “Những anh thợ này đã gắn bó với cơ sở của tôi nhiều năm qua. Còn để làm hoàn thiện một đôi giày phải qua nhiều công đoạn như: đo chân, cắt da, may, ráp đế, dán keo, trong đó công đoạn dán keo quan trọng nhất vì nó quyết định độ bền của đôi giày. Trước khi dán da vào đế dày, keo dán phải được hơ nóng trên lửa và sau đó làm lạnh tráng đều trên lớp đế và áp nhanh da vào đế giày. Nghề này đòi hỏi những người thợ ngoài sự cần mẫn còn phải có tay nghề vững chãi và khéo léo trong công tác đóng giày, mới có được sản phẩm làm hài lòng khách hàng”.
“Mỗi tháng, tiệm của tôi đóng được khoảng 25 đến 30 đôi giày để cung cấp cho các cửa hàng thời trang ở phố cổ Hội An và theo đơn đặt hàng của khách du lịch. Bình quân mỗi đôi giày có giá từ 300 - 500 nghìn đồng. Thu nhập của mỗi người thợ từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng”, anh Châu chia sẻ.
Chia sẻ về nghề này, ông Phạm Công Định, Chủ tịch UBND phường Cẩm Nam cho biết, ở địa phương có khoảng 12 tiệm đóng giày nam, giày bốt nữ. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nghề này khá thịnh hành vì sản phẩm làm ra được nhiều khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên những năm qua, lượng khách du lịch đến Hội An thưa dần nên việc kinh doanh giày giảm mạnh.
Nghề đóng giày truyền thống giảm và ít khách hàng, thực tế thì không chỉ do dịch Covid-19 hoành hành khiến du khách một thời gian vắng đến Hội An, mà còn một lẽ khác, đó là nghề này giờ đây khó cạnh tranh với giày công nghiệp đa dạng về mẫu mã, giá thành rẻ. Thế nhưng đáng trân trọng nhiều người vẫn bám trụ nghề này để mưu sinh.