[ẢNH] Những cụ già 'oằn lưng' trên ruộng muối

Đình Minh 22/05/2023 11:34

Thanh Hóa những ngày này nắng như đổ lửa. Dù thời tiết khiến mọi người khó chịu nhưng trên những cánh đồng muối, những cụ ông, cụ bà ở xã Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc) vẫn rất vui vì nắng lên, có muối để thu hoạch. Cả ngày dài còng lưng, mỏi gối nhưng các cụ vẫn cặm cụi, cần mẫn kiếm sống vì gánh nặng mưu sinh.

Từng là vựa muối lớn nhất xứ Thanh, nhộn nhịp kẻ bán người mua nhưng giờ đồng muối Hòa Lộc chỉ còn vỏn vẹn hơn 40 ha với vài chục hộ dân, chủ yếu là người cao tuổi đeo đẳng với nghề.
Về Hòa Lộc trong một chiều tháng 5, trên đồng những cánh đồng muối Tam Hòa thời tiết nóng hầm hập như trong lò lửa, nhìn những thửa ruộng của diêm dân dần lấp lóa đến nhức mắt.
Trên những sân phơi muối, những cụ già tích cực đẩy nạo thu hoạch mẻ muối đầu tiên trong ngày.
Những bước đi thoăn thoắt, những cú đẩy dứt khoát khiến muối được lu lại thành đống. Cái nghề này, đến cả những cụ cao niên ở đây cũng chẳng nhớ là có tự bao giờ, họ chỉ biết rằng, có được muối là “kết tinh của mồ hôi”.
Những ô muối tinh khiết, trong veo được gom lại trên những khoảnh sân.
Đưa chiếc khăn nhàu nhĩ thấm những giọt mồ hôi đang chảy thành dòng trên khuôn mặt, cụ ông 71 tuổi ở thôn Tam Hòa 1 than thở: Ông đã gắn với ruộng muối gần ngót nửa đời người, đến giờ, đã rất muốn buông bỏ. Nhiều lần, ông bày tỏ nguyện vọng muốn con trai theo nghề nhưng rồi đều không thành vì quá vất vả.
Bà Phạm Thị Loan (71 tuổi) cho biết, gia đình bà có gần 1 mẫu đất làm ruộng muối. Năm nay, giá muối cao hơn năm ngoái khi đạt mức 2.500 đ/kg. Tuy nhiên, đến thời điểm này, lượng thương lái đến mua muối khá ít khiến người dân vô cùng lo lắng. "Nghề muối này có lẽ chỉ còn thế hệ chúng tôi là sẽ làm nữa thôi. Bây giờ, công ty, xí nghiệp nhiều, tụi trẻ nó không muốn làm cái nghề bán mặt cho đất, bán lưng cho trời như thế này nữa. Từ sâu trong lòng, chúng tôi cũng rất tiếc rằng không lưu truyền được nghề cha ông để lại. Tuy vậy, cũng phải chấp nhận thôi vì cuộc sống mỗi ngày một khác", bà Loan trầm tư nói.
Cứ mỗi năm, trên cánh đồng muối Tam Hòa lại dần neo bớt người, ít bớt ruộng. Bà Phạm Thị Mạnh (69 tuổi, thôn Tam Hòa 1) cho biết, đã có những thời điểm 30 năm về trước, cả làng ở đây nô nức đi làm muối, không khí vô cùng náo nhiệt.
Ông Hoàng Sỹ Nông (71 tuổi, trú thôn Tam Hòa 1) chia sẻ rằng, mỗi ngày, 2 vợ chồng làm ra được khoảng 1 tạ muối, cho thu nhập tổng thể khoảng 100 - 200 nghìn đồng. So với mức sống hiện tại, số tiền lao động kiếm được là quá ít. Dẫu vậy, khi tuổi đã già, sức khỏe đã suy giảm thì 2 ông bà cũng đành bám trụ với nghề để có thêm phần nào kinh tế, không phải 'ngửa tay' xin tiền con cháu.
Giữa những ngày hè nắng gắt, nhìn những con người ở cái tuổi xế chiều cần mẫn với công việc dù tuổi già, sức yếu làm ai cũng thấy ngậm ngùi.
Phần đa những người cao tuổi ở trên đồng muối Tam Hòa đều nói rằng, họ đi làm là để tự lo cho bản thân, họ không muốn mình trở thành gánh nặng của con cái.
Màu trắng tinh khiết, độ mặn đặc trưng của muối phơi thủ công trên cát đã làm nên thương hiệu riêng cho muối Tam Hòa.
Nhắc đến muối Tam Hòa, người ta không chỉ nhắc đến một sản phẩm kinh tế, mà còn nhắc đến những giá trị văn hóa cốt lõi hình thành và ăn sâu trong đời sống của cộng đồng dân cư.
Khi chiều dần ngớt những ánh nắng, các tiểu thương ở các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa lại đổ về các kho muối ở Tam Hòa để lấy hàng.
Ông Nguyễn Văn Quang (tiểu thương trú xã Hoằng Kim, Hoằng Hóa) cho biết, mỗi lần thu mua muối tại đây, ông lấy gần 3 tạ để mang về cho vợ bán lẻ tại xã.
Ông Quang cho biết, giá thu mua muối tại đây trong khoảng từ 2.500 - 3.000đ/kg tùy chất lượng muối. Với thâm niên nhiều năm trong nghề, ông Quang cho rằng, nghề muối ở đây đang dần bị mai một, và trong một tương lai không xa, có lẽ sẽ không còn nữa.
Trên chuyến xe cuối ngày, ông Nguyễn Văn Quang chở 5 bao muối (nặng 3 tạ) trên chiếc Drem Tàu cũ nát. Với ông Quang, việc mua muối không chỉ để mang về lợi nhuận cho bản thân mà nó còn có giá trị về tinh thần, tạo động lực giúp bà con Tam Hòa vững tin với nghề.
Từ góc nhìn trên cao có thể thấy, đã có hàng chục ruộng muối bị bỏ hoang, cỏ mục um tùm trong suốt thời gian dài. Bên cạnh các ruộng muối, đó khu vực nuôi trồng thủy hải sản, cho thu nhập cao hơn nhiều so với việc tổ truyền.
Những cánh đồng muối bỏ hoang sau nhiều năm trở thành bãi đất trống, cỏ mọc dày đặc. Một số khu vực ruộng được người dân cho không để các hộ khác vào làm, nhưng ở thời điểm này, gần như chẳng ai còn mặn mà để mở rộng việc làm muối.
Nhiều mảnh ruộng bỏ hoang dẫn đến sân phơi muối cũng bị bong tróc, cỏ mọc kín các ô trống. Nhìn những hình ảnh này, thực không khỏi xót xa về quá khứ huy hoàng khi nghề muối Tam Hòa đã từng là nguồn thu nhập chính nuôi sống người dân Hòa Lộc.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [ẢNH] Những cụ già 'oằn lưng' trên ruộng muối

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO