Trò chuyện với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, ông Vũ Bảo Thắng - Tổng Giám đốc và Sáng lập của Công ty Cổ phần Meta Ecom cho rằng: Xu hướng tăng trưởng của thương mại điện tử gây áp lực đáng kể lên thị trường cho thuê nhà phố tại Hà Nội và TPHCM.
PV: Thưa ông, ông nhận định như thế nào về sự tăng trưởng của thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam trong thời gian tới, và sẽ tác động đến mặt bằng nhà phố ra sao?
Ông Vũ Bảo Thắng: Theo Sách Trắng TMĐT của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) công bố: Năm 2023, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ tại Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2022, nằm trong top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Còn theo khảo sát của Google Temasek Report 2023, gần 60% nhà bán lẻ đã chuyển sang kinh doanh trực tuyến, gây áp lực lớn đến nhu cầu mặt bằng bán lẻ truyền thống.
Sự tăng trưởng của TMĐT không chỉ dựa trên sự tiện lợi mà còn nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng internet và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Báo cáo từ Sách Trắng TMĐT Việt Nam 2023 chỉ ra rằng hơn 80% người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tháng, và tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh nhờ các chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Sự chuyển dịch từ mua sắm truyền thống sang trực tuyến đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ. Nhiều cửa hàng truyền thống phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô do doanh thu giảm, dẫn đến tình trạng nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị bỏ trống.
Số liệu thống kê cho thấy, tỉ lệ mặt bằng trống tại TPHCM tăng gần 12% trong vòng 3 năm qua, một phần do áp lực từ việc chuyển đổi hành vi tiêu dùng sang mua sắm trực tuyến. Đồng thời, gần 30% cửa hàng bán lẻ tại TPHCM đã chuyển đổi hoặc đóng cửa hoàn toàn. Nhiều chuỗi cửa hàng lớn đã phải đóng cửa hoặc giảm quy mô do không còn cạnh tranh được với các nền tảng trực tuyến như Shopee, TikTok Shop...
Ngoài ra chúng ta cũng dễ nhận thấy rằng, một số vị trí đắc địa tại Hà Nội và TPHCM ngày càng khó thu hút khách thuê vì chi phí thuê cao trong khi doanh thu bán lẻ giảm sút nhưng khu vực ngoại ô lại tăng do nhu cầu có sự dịch chuyển với các mặt bằng thuận lợi để kinh doanh online.
TMĐT đã thay đổi đáng kể bản chất của thị trường bán lẻ, thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) chuyển hướng mạnh mẽ sang kênh trực tuyến và đầu tư vào logistics. Các nhà đầu tư cần thích nghi để đạt được hiệu quả cao hơn trong bối cảnh mới.
Nhiều ý kiến cho rằng, bản đồ cho thuê mặt bằng kinh doanh bán lẻ đang và sẽ thay đổi bởi TMĐT?
- Điều này đúng! Sự phát triển của TMĐT là xu hướng tất yếu trong thời đại số, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và nền kinh tế. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra thách thức lớn cho thị trường bất động sản bán lẻ truyền thống vì đã thay đổi bản đồ nhu cầu bất động sản, khiến mặt bằng nhà phố ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM đối đầu với nhiều khó khăn.
Vậy làm sao để giảm tác động tiêu cực của TMĐT đến thị trường bất động sản bán lẻ, thưa ông?
- Để giảm thiểu tác động tiêu cực của TMĐT đến thị trường bất động sản bán lẻ, cần có sự điều chỉnh trong chiến lược kinh doanh. Việc kết hợp giữa kinh doanh trực tuyến và truyền thống (mô hình O2O - Online to Offline) được coi là giải pháp hiệu quả. Ngoài ra, việc nâng cao trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng, cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng và tạo ra các sự kiện thu hút khách hàng cũng là những biện pháp cần thiết.
Tuy nhiên TMĐT cũng không thể thay thế hoàn toàn bán lẻ trực tiếp, đặc biệt ở các lĩnh vực như thực phẩm tươi sống và dịch vụ cao cấp.
- Do vậy đã đến lúc các DN bán lẻ, hay dịch vụ cung cấp mặt bằng bán lẻ cần thích nghi với xu thế tăng trưởng TMĐT. Trong đó, cần tái cấu trúc không gian bán lẻ theo cách chuyển đổi một phần không gian thành kho hàng hoặc điểm giao nhận để hỗ trợ hoạt động TMĐT; Tạo ra các không gian mua sắm độc đáo, tổ chức sự kiện và cung cấp dịch vụ khách hàng chất lượng cao...
Các đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê mặt bằng bán lẻ cũng cần ứng dụng công nghệ, đưa các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo để cải thiện trải nghiệm mua sắm và quản lý hiệu quả tại điểm bán trực tiếp.
Trân trọng cảm ơn ông!