Giáo dục

Áp lực lựa chọn ngành học

LINH PHƯƠNG 14/07/2024 07:59

Các thí sinh vừa dự thi THPT quốc gia 2024 đang trong khoảng thời gian hồi hộp chờ kết quả. Lúc này, việc cân nhắc đăng ký nguyện vọng gì được các em quan tâm, để chuẩn bị “chốt” phương án cuối cùng.

12.jpg
Tư vấn tuyển sinh tại trường đại học.

Chuẩn bị kỹ nguyện vọng xét tuyển

Theo kế hoạch của Bộ GDĐT, thời gian công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT vào 8h ngày 17/7. Đợt đăng ký xét tuyển chính thức sẽ diễn ra từ ngày 18/7 đến ngày 30/7.

TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho biết, đến thời điểm này, tuy chưa công bố điểm chính thức nhưng nỗi thí sinh có thể tự ước lượng phổ điểm của mình. Kinh nghiệm từ những năm trước, các em có phổ điểm dưới 20, nếu quan tâm theo dõi các phương tiện truyền thông đại chúng thì hoàn toàn có thể chọn được một ngành phù hợp. Còn nếu chủ quan, có khi lại không chọn được ngành học như kỳ vọng.

Thực tế hiện nay có ngành phổ biến như ngành Công nghệ phần mềm, có trường nhận thí sinh từ 23 điểm nhưng cũng có trường nhận từ 19 điểm. Đến thời điểm này, nếu thí sinh kiểm tra đáp án của Bộ thấy phổ điểm của mình có thể rơi vào mức dưới 20 điểm thì nên chuẩn bị các phương án, có thể quan tâm đến cả xét tuyển của các trường bằng học bạ…

“Lưu ý, điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT rất thất thường, lý do là rất nhiều trường đã dùng các phương thức xét tuyển khác. Cho nên có những trường sẽ tăng đột biến.

Chính vì thế, từ nay cho đến ngày 17/7, trong thời gian chờ đợi điểm THPT quốc gia chính thức công bố, các em cũng phải chuẩn bị cho mình các phương án để tiến hành đăng ký nguyện vọng từ ngày 18/7. Có sự chuẩn bị chu đáo, tôi tin các em sẽ chọn được một ngành học phù hợp. Thời điểm này các em nên tìm kiếm các thông tin để chuẩn bị cho mình giai đoạn quan trọng” - ông Hải đưa lời khuyên.

ThS Phạm Doãn Nguyên - Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM cũng cho hay: Hiện nay các thí sinh đã có thể áng chừng điểm của mình, để đưa ra quyết định trong giai đoạn quyết định này. Đề thi năm nay tương đồng đề thi năm 2023, có sự phân hóa nên cũng khó có nhiều ngành ở mức điểm 30. Tôi nghĩ rằng, thời điểm này thí sinh cần tập trung theo dõi điểm thi; theo dõi phương thức xét tuyển của trường đại học cũng như các chỉ tiêu của từng phương thức để đưa quyết định đăng ký xét tuyển. Tìm hiểu kỹ thị trường lao động, xu hướng ngành nghề. Đến bây giờ các bạn đã có thể tính toán đến phương thức xét tuyển và lựa chọn ngành nghề phù hợp. Các bạn phải tìm hiểu kỹ về cách đăng ký trên hệ thống chung của Bộ để trúng tuyển ngành học phù hợp nhất.

Tránh mắc sai lầm cũ

Theo ThS Phạm Doãn Nguyên, việc rất quan trọng là tìm hiểu kỹ các trường đại học. Trong đó quan trọng nhất là chọn ngành nào để học? Cần tìm hiểu kỹ về môi trường học tập, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, học phí, hoạt động hỗ trợ sinh viên thế nào…? Đặc biệt cần tìm hiểu kỹ về điểm chuẩn, điểm sàn trúng tuyển của các trường năm trước để khi có điểm rồi đăng ký lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ, hướng đến cơ hội trúng tuyển cao nhất, trúng ngành phù hợp năng lực, sở trường.

Các chuyên gia tư vấn: Ngành học là yếu tố quan trọng quyết định tương lai nghề nghiệp của bất kỳ ai. Tuy nhiên, việc chọn đúng ngành học không hề dễ dàng và nhiều người thường mắc những sai lầm phổ biến khiến họ phải đối mặt với khó khăn về sau.

Ví dụ, nhiều thí sinh mắc phải sai lầm về theo đuổi “ngành hot”, những ngành dẫn đầu về số lượng người học với suy nghĩ rằng ngành đó sẽ mang lại cơ hội việc làm và thu nhập cao. Tuy nhiên, ngành học “hot” không đồng nghĩa với việc nó sẽ phù hợp với tất cả mọi người.

Đôi khi việc chọn ngành theo mong muốn của gia đình hoặc tuân theo truyền thống gia đình lại trở thành một sai lầm phổ biến. Hoặc chọn ngành học không đi kèm với khả năng tài chính gia đình cũng có thể tạo ra những trở ngại đáng kể trong việc chi trả cho quá trình học tập. Kết quả là người học có thể phải giảm bớt các hoạt động học tập hoặc thậm chí phải ngừng học.

Việc chọn ngành học nằm ngoài phạm vi năng lực của mình cũng là một khó khăn mà nhiều sinh viên đối mặt. Khi ngành học bản thân chọn không tương xứng với khả năng, việc dồn lòng đam mê và cố gắng học tập có thể trở nên chông gai, khó khăn.

Chọn ngành học dựa trên sở thích cá nhân mà không xem xét đến triển vọng nghề nghiệp của ngành đó cũng là thiếu sót mà nhiều người mắc phải. Quyết định này có thể dẫn đến những vấn đề trong việc tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp, hoặc thu nhập không đạt như kỳ vọng, khiến cho quãng thời gian đầu tư vào việc học tập trở nên không hiệu quả…

Một chuyên gia đến từ Viện Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ, nhiều thí sinh như lạc mê cung khi phải lựa chọn nghề nghiệp. Ở giai đoạn này, nhiều em cảm thấy choáng ngợp khi đứng trước quá nhiều thông tin về ngành nghề, các ngã rẽ, trong khi bản thân chưa đủ chín chắn, trải nghiệm, chưa hiểu sâu về từng ngành nghề để đưa ra lựa chọn đúng đắn.

Về điều này, TS Nguyễn Thị Huyền - Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội cho rằng: Với lứa tuổi thanh thiếu niên, cha mẹ chính là những người gần gũi nhất nên cần đồng hành, chia sẻ với con cái. Cha mẹ cần chủ động san lấp khoảng cách về tâm lý giữa các thế hệ trong gia đình, không nên áp đặt theo ý kiến của mình.

Cha mẹ cần đồng hành cùng con lựa chọn ngành học, môi trường học tập phù hợp với năng lực và điều kiện để giúp con phát triển và trưởng thành, đạt được thành công trong tương lai.

Cảnh giác với việc “bóc phốt” ngành nghề trên mạng xã hội
Hiện nay, trên mạng xã hội như TikTok, nhiều ngành học đang bị các TikToker rêu rao là “vô dụng”, “học xong thất nghiệp”, “không có tương lai”… và khuyên thí sinh “đừng học”.
Chia sẻ với truyền thông, ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công Thương TPHCM cho rằng, các TikToker có thể nói đúng trong một vài trường hợp chứ không phải đúng cho tất cả, nhưng suy nghĩ của người trẻ hiện nay là "chắc TikToker đã nói là đúng", nên gây ra sự hiểu lầm khi lựa chọn ngành nghề. Ông Sơn lo ngại những clip như vậy sẽ làm cho các bạn trẻ lung lay, thậm chí dẫn tới việc không học, không đi làm việc.
Do vậy, giới chuyên gia giáo dục cho rằng, phụ huynh và các thí sinh cần hết sức tỉnh táo, có phân tích kỹ, tham vấn trước khi quyết định và không “lung lay” trước các “tư vấn” từ những người dùng thiếu tin cậy trên mạng xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực lựa chọn ngành học