Giáo dục

Áp lực tài chính và nguồn thu của đại học

N.Quang 08/01/2024 09:53

Nghị định 97/2023 của Chính phủ về những vấn đề liên quan tài chính và học phí cho giáo dục được cho là tháo gỡ phần nào khó khăn cho các cơ sở giáo dục, nhất là giáo dục đại học (ĐH) và giáo dục nghề nghiệp.

ts-hoang-ngoc-vinh-anh-bai-duoi.jpg
TS Hoàng Ngọc Vinh.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), giáo dục Việt Nam phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mọi người đều có cơ hội tiếp cận nền giáo dục chất lượng, công bằng, bình đẳng.

Ông Vinh cũng cho rằng, học phí thấp từ nhiều năm qua đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo. Bởi lẽ, nhà trường thiếu kinh phí thu hút người tài và giữ chân họ làm giảng viên ĐH, gặp khó khăn trong việc xây dựng cơ sở vật chất, thiếu trang thiết bị phục vụ học tập... Hệ lụy lớn hơn là do nguồn thu từ học phí không đủ, nhiều trường công lập tăng quy mô tuyển sinh, lấy số lượng bù vào chất lượng. Tỷ lệ sinh viên/giảng viên quá cao đã vượt quá khả năng đáp ứng yêu cầu của chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, theo ông Vinh, học phí tăng sẽ kèm theo những thách thức. Trước hết, đó là thách thức với SV và gia đình về gánh nặng tài chính. Nhiều SV sẽ phải vừa lo đi học vừa đi làm để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Áp lực học tập và căng thẳng tài chính do học phí cao hơn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần các em. Ngay cả các giảng viên cũng có thể đối mặt thách thức vì phải làm việc nhiều hơn, dù có thể nhận được thu nhập cao hơn.

Mặt khác, sự minh bạch về tài chính từ nguồn học phí tăng lên là rất quan trọng. Đặc biệt, chất lượng giáo dục phải được nâng cao qua sự hài lòng của người học và cơ hội việc làm sau khi ra trường được cải thiện.

ts-le-dong-phuong-bai-duoi.png
TS Lê Đông Phương.

Trong khi đó, theo TS Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình kinh tế các gia đình chưa khá lên, việc giữ nguyên mức học phí ở mức độ nào đó tạo điều kiện để SV yên tâm đi học. Tuy nhiên, với các trường ĐH lại là vấn đề lớn. Ảnh hưởng xấu từ đại dịch, cộng thêm kinh tế chưa thực sự phục hồi, đồng nghĩa nguồn thu từ học phí thực chất giá trị giảm.

“Nếu không tăng học phí thì Nhà nước nên có một khoản cấp bù. Trước đây, tổng hệ thống giáo dục bình quân mỗi năm được tăng 5% thì nay Nhà nước sẽ bù cho khoản 5% đó. Điều này ở mức độ nào đó sẽ đảm bảo chất lượng tối thiểu như trước, tốt hơn việc không được thu học phí tăng thêm” - ông Phương đề xuất và cho biết ngay Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... trường tư vẫn có thể nhận được khoản hỗ trợ của Nhà nước nếu như không thu học phí quá cao.

Ở nước ta hiện nay với nhiều trường ĐH công, khi được giao tự chủ thì gần như phải chịu hoàn toàn chi phí hoạt động, có nghĩa học phí của người học sẽ là nguồn thu chính. “Đây là bất cập trong quản lý tài chính của giáo dục ĐH Việt Nam” - ông Phương nói.

Đáng chú ý khi ông Phương dẫn chứng, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn đầu ra ngoại ngữ yêu cầu với người có bằng ĐH là năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam. Tuy nhiên, do kinh phí thiếu hụt nên trường không thể bố trí dạy ngoại ngữ cho các em đạt trình độ đó. Vì vậy, SV phải tìm cách có được chứng chỉ từ các cơ sở đào tạo bên ngoài để được công nhận. Hệ quả, SV Việt Nam có năng lực ngoại ngữ kém.

Ông Phương cũng cho biết, hiện tín dụng SV chỉ dành cho con em hộ nghèo, trong khi ở các nước, đã là SV đều có thể vay tiền để đi học. Mặt khác, để thêm nguồn thu cho trường ĐH, Nhà nước cần tăng cường đặt hàng các hoạt động nghiên cứu, sản xuất... như một hình thức hỗ trợ kinh phí. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để trường ĐH có thể bán sản phẩm của mình. Sản phẩm ở đây là sản phẩm hoàn chỉnh, có tính ứng dụng cao.

Cuối cùng là cơ chế thuế. Theo ông Phương, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm nếu có đóng góp cho nhà trường ĐH để làm quỹ học bổng hoặc hỗ trợ cho các hoạt động của trường ĐH thì được khấu trừ thuế trước khi hạch toán. Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta không có cơ chế này nên chưa khuyến khích được xã hội đóng góp cho giáo dục.

Như vậy, cùng với việc tăng học phí, các trường ĐH cũng rất cần được hỗ trợ theo cách “đặt hàng” các nghiên cứu ứng dụng, để trường có thêm nguồn thu.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, với thế mạnh của mình thì các trường ĐH cần chủ động tạo thêm các nguồn thu, không nên trông chờ, dựa dẫm vào Nhà nước cũng như học phí quá nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực tài chính và nguồn thu của đại học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO