Để tăng cơ hội vào đại học, những mùa tuyển sinh gần đây, nhiều thí sinh lựa chọn thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường đại học. Tuy nhiên, phương thức tuyển sinh này đang tạo áp lực lên thí sinh và gia đình.
Số thí sinh đăng ký thi cao kỷ lục
Hơn 95.000 thí sinh ở nhiều địa phương trong cả nước đã tham dự kỳ thi Đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024 của Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức vào ngày 7/4 vừa qua. Đây là đợt thi có lượng thí sinh dự thi cao nhất kể từ lần đầu tiên tổ chức là năm 2018 đến nay.
Đợt 1 kỳ thi được tổ chức tại 24 tỉnh, thành phố, với 51 cụm thi. Như vậy, kỳ thi năm nay mở rộng tổ chức ở thêm 3 địa phương so với năm 2023.
Kỳ thi Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM năm 2024 được tổ chức thành 2 đợt thi. Đợt 2 kỳ thi sẽ diễn ra ngày 2/6 tới tại 12 địa phương.
Là một trong những kỳ thi đánh giá năng lực có quy mô lớn nhất cả nước, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM qua 8 năm tổ chức liên tục tăng về số lượng thí sinh dự thi và số trường sử dụng phương thức xét kết quả kỳ thi này để tuyển sinh.
Năm nay, hiện có 105 trường đại học, cao đẳng đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM để tuyển sinh.
Cùng thời điểm, đợt thi thứ 2 kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đã được diễn ra trong 2 ngày 6 và 7/4 tại 12 điểm thi.
Tổng số thí sinh đăng ký dự thi đợt này là 18.213, số thí sinh có mặt dự thi là 18.069, đạt 99,2%. Theo đánh giá của Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, đây là tỷ lệ thí sinh dự thi cao nhất từ trước đến nay, nhiều điểm thi đạt 100% thí sinh dự thi.
Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành 2 trong tổng số 6 đợt thi HSA năm 2024, số thí sinh đã dự thi là 29.082 chiếm gần 1/3 quy mô kỳ thi HSA năm 2024.
Hiện có 74 trường đại học, học viện sử dụng kết quả kỳ thi HSA của Đại học Quốc gia Hà Nội để làm phương thức xét tuyển.
Tăng áp lực, tăng chi phí
Phương thức xét tuyển dựa vào kết quả của các kỳ thi riêng đang trở thành xu hướng khi ngày càng nhiều các trường tổ chức các kỳ thi này với hàng trăm trường sử dụng chung kết quả và hàng chục nghìn thí sinh tham dự.
Bên cạnh 2 kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, theo ghi nhận, mùa tuyển sinh năm 2024, có thêm nhiều cơ sở giáo dục đại học tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để tuyển sinh. Cách thức tổ chức, phương thức thi, cấu trúc đề thi, số trường sử dụng kết quả các kỳ thi khác nhau.
Phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được xem là tăng thêm cơ hội vào đại học cho thí sinh. Tuy nhiên, việc ngày càng nở rộ các kỳ thi này sẽ dẫn tới tăng áp lực cho thí sinh và phát sinh nhiều chi phí cho các gia đình có con dự các kỳ thi riêng.
Trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2024, tại Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội), thầy và trò nhà trường đang tập trung ôn tập, rà soát, bổ sung phần kiến thức thiếu hụt cho học sinh.
Về các kỳ thi riêng, bà Dương Thị Thu Hà – Phó Hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận, thi đánh giá năng lực vừa tạo cơ hội cho thí sinh nhưng cũng vừa tạo thêm áp lực, khó khăn cho các em.
Theo bà Hà, hiện nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng với cấu trúc đề thi và giới hạn kiến thức cũng khác nhau. Nếu học sinh muốn thi đánh giá năng lực của 2 cơ sở giáo dục đại học tổ chức thì các em sẽ phải trải qua 2 kỳ thi khác nhau. Điều này ít nhiều tạo ra áp lực, vất vả cho học sinh khi tham gia nhiều kỳ thi.
Với học sinh tham gia nhiều kỳ thi riêng, bà Hà lưu ý, các đề thi được xây dựng dựa trên yêu cầu cần đạt của Bộ GDĐT. Muốn tham gia được nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, học sinh phải trang bị kiến thức nền tảng cơ bản, sau đó tìm hiểu cấu trúc, đề thi tham khảo của các trường và thực hiện luyện đề để tăng kỹ năng.
Theo Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, các trường đại học được tự chủ trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, việc nở rộ các kỳ thi riêng sẽ làm mất đi ý nghĩa của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bên cạnh đó, bà Nga cũng nêu thực tế về hiện tượng nở rộ các lò luyện thi đánh giá năng lực để chỉ ra rằng áp lực của thí sinh hiện vô cùng lớn.
Chưa kể, để tham gia mỗi kỳ thi riêng, thí sinh cũng phải đóng các mức lệ phí thi khác nhau, có trường thu đến 450.000 - 500.000 đồng/lượt. Nếu thí sinh đăng ký nhiều kỳ thi của nhiều trường khác nhau đồng nghĩa với việc các em phải chi số tiền lớn hơn.