Ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến hàng triệu người lao động thất nghiệp, bị ngừng việc trong số này có không ít người lao đông chọn giải pháp lĩnh bảo hiểm xã hội một lần. Đáng lo ngại độ tuổi lĩnh bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng trẻ hóa điều này đồng nghĩa với việc khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu sẽ không còn nguồn thu nhập. Như vậy Nhà nước sẽ phải chi trả chính sách trợ cấp xã hội, tạo áp lực cho hệ thống an sinh.
Nhiều địa phương tăng “kỉ lục”
Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, giai đoạn năm 2016 - 2020, số người lao động nhận BHXH một lần tăng khoảng 9% mỗi năm. Riêng trong quý I/2021, cả nước có 226.503 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020. Một số địa phương có số người hưởng BHXH một lần tăng cao như Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Tình trạng người lao động rút BHXH một lần có xu gia tăng theo nhận định của BHXH Việt Nam là do tác động của dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, hoặc phá sản dẫn đến nhiều lao động phải nghỉ việc, mất nguồn thu nhập.
Tại Hà Nội thống kê cho thấy, trong quý I/2021 số lượng NLĐ nhận BHXH 1 lần là 7.704 người, tăng 19.55% so với cùng kỳ quý I/2020.Thống kê của BHXH TP. Hà Nội cũng cho biết, tỷ trọng người thanh toán BHXH một lần ở khu vực tư nhân, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao và tăng dần qua các năm từ 81,18% năm 2016 lên 86,69% năm 2020, đặc biệt năm 2019 tỷ trọng NLĐ khu vực tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến 95,4%.
Theo ông Vũ Đức Thuật – Phó Giám đốc BHXH TP. Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do trong những năm gần đây, lực lượng lao động tham gia BHXH tăng, NLĐ đa phần là lao động phổ thông, trình độ thấp, lao động không ổn định, thời gian làm việc gián đoạn. Bên cạnh đó, đời sống đa phần công nhân, NLĐ còn nhiều khó khăn, tuy có hiểu biết về chính sách xã hội, lợi ích của việc tham gia BHXH lâu dài để hưởng lương hưu, nhưng do công việc còn chưa ổn định, gián đoạn, đời sống khó khăn, tuổi đời còn trẻ, còn có thời gian lao động đóng BHXH nên đã thanh toán thời gian đã đóng BHXH. Số người thanh toán BHXH một lần dưới 40 tuổi chiếm tỷ lệ lớn, đa phần là lực lượng lao động còn trẻ, nên chưa nhận thức đầy đủ lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH mang lại khi hết tuổi lao động được nghỉ hưu; một phần do NLĐ thực sự khó khăn do việc mưu sinh cần số tiền trước mắt để trang trải cuộc sống.
Sẽ “siết:” điều kiện hưởng BHXH 1 lần?
Trước thực trạng trên tại dự thảo tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, Bộ LĐTB&XH đã đề xuất nhiều quy định nhằm “siết” quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần từ đó khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu.
Theo đề xuất của Bộ LĐTB&XH, tới đây quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ được điều chỉnh theo hướng tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp. Trừ những trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng thấp hơn.
Trước đề xuất này của Bộ LĐTB&XH nhiều chuyên gia cho rằng, việc siết chặt quy định nhận BHXH một lần là cần thiết bởi khi lĩnh BHXH một lần không chỉ người lao động chịu rủi ro mà áp lực an sinh xã hội của Nhà nước rất lớn. Trao đổi với báo chí, ông Phạm Minh Huân nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, thực tế tại điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã có quy định để hạn chế hưởng bảo hiểm xã hội một lần chứ không phải bây giờ vấn đề này mới được bàn đến. Tuy nhiên, thời điểm đó do người lao động chưa hiểu rõ chính sách nên đã phản ứng khiến Quốc hội phải ban hành nghị quyết dừng thi hành.
“Bảo hiểm hưu trí nên đóng khi còn sức, có thu nhập để sau này nếu không còn khả năng lao động thì được hưởng. Nói như vậy không có nghĩa là không cho nhận bảo hiểm xã hội một lần, mà nên hạn chế, trừ một số trường hợp đặc biệt trong điều 60 như mắc bệnh hiểm nghèo, đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng hoặc ra nước ngoài định cư…”, ông Huân phân tích.