Từ đầu quý III đến nay, áp lực tỷ giá đã hạ nhiệt. Tỷ giá VND/USD giảm góp phần hỗ trợ nhiều nhóm doanh nghiệp và sẽ giúp giảm áp lực tăng mặt bằng lãi suất, có thể kích cầu tiêu dùng của người dân.
Doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí
Tỷ giá VND/USD đã liên tục giảm sâu trong những ngày gần đây. Ngày 21/8, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giao dịch ở mức là 24.246 đồng/USD. Cùng với đó giá bán USD tại một số ngân hàng thương mại lớn điều chỉnh hạ xuống không đều nhau. Trên thị trường thế giới, chỉ số USD Index (DXY) là 101,41 điểm.
Còn tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá cũng đang có biến động trái chiều. Tại ngân hàng Vietcombank, tỷ giá USD sáng 21/8 tăng 10 đồng cả hai chiều so với phiên trước, nâng tỷ giá lên mức 24.720 - 25.090 đồng/USD mua vào và bán ra.
Tại ngân hàng BIDV, tỷ giá đổi USD sang VND về mốc 24.740 - 25.080 đồng/USD. Cùng thời điểm, Techcombank giữ nguyên tỷ giá ở mức 24.670 - 25.180 đồng/USD.
Tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do cũng ở mức 25.320 - 25.420 đồng/USD. Đây là mức giá thấp nhất kể từ tháng 3. Tỷ giá tự do bắt đầu rơi mạnh trong hơn một tháng gần đây, đặc biệt trong nửa đầu tháng 8. So với mức đỉnh gần 26.000 đồng xác lập cuối tháng 6, giá USD tự do hiện thấp hơn 600 đồng, tương đương giảm khoảng 2,3%.
Nhiều dự đoán được cho rằng, áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 25.300 – 25.700 VND/USD trong thời gian còn lại năm 2024 dưới những yếu tố tích cực như: thặng dư thương mại tích cực (7 tháng thặng dư hơn 14 tỷ USD), FDI giải ngân đạt hơn 12,5 tỷ USD (mức cao nhất từ trước tới nay) và du lịch phục hồi mạnh mẽ.
Với 10 triệu khách quốc tế trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam ghi nhận tốc độ phục hồi trở về thời kỳ tăng trưởng mạnh 2009 và có khả năng sẽ đạt và vượt mục tiêu 18-19 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, đồng bạc xanh sẽ nằm trong xu hướng giảm từ nay đến năm 2027, NHNN cũng sẽ có nhiều biện pháp để ổn định giá trị VND. Vì vậy, đầu tư vào USD không phải là lựa chọn tốt. Tỷ giá giảm, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu có thể giảm nguồn thu, nhưng sự hạ nhiệt của tỷ giá đã giúp gia tăng sản xuất trong nước và góp phần kiểm soát lạm phát.
Đại diện Công ty Đầu tư thương mại công nghiệp Hà Nội - DN chuyên sản xuất khuôn và linh kiện cho biết, hiện công ty đang cung ứng khoảng 600 sản phẩm cho các hãng sản xuất ô tô, xe máy trong và ngoài nước. Nhập khẩu phải dùng ngoại tệ là USD, mỗi tháng tiền mua nguyên liệu vào khoảng 8 tỷ đồng, là phần chi phí lớn nhất của sản phẩm.
Với việc tỷ giá đang có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, ông Trịnh Bá Ngọc - Giám đốc Công ty Đầu tư thương mại công nghiệp Hà Nội chia sẻ: Tỷ giá mà thấp xuống chỉ một chút thôi, DN cũng đã tiết kiệm được vài chục đến cả trăm triệu đồng, từ đó tăng tính cạnh tranh về giá.
Tương tự, Công ty cổ phần EMIN Việt Nam cho biết, mỗi tháng DN cần nhập 11 tỷ đồng tiền hàng, toàn bộ giao dịch được thanh toán bằng ngoại tệ. Nhờ tỷ giá VND/USD giảm trong thời gian gần đây nên chi phí mỗi đơn hàng đều giảm từ 2 - 4% so với lúc cao điểm.
"Thời điểm hiện tại, tỷ giá USD đã giảm dẫn đến chi phí đầu vào của các đơn hàng thấp hơn, có lợi cho người tiêu dùng và DN. Sản phẩm đầu ra bán rẻ hơn, từ đó cũng gia tăng được doanh thu cho DN do bán được nhiều hàng hơn" - ông Tống Minh Phương - Quản lý Mua hàng quốc tế, Công ty cổ phần EMIN Việt Nam thông tin.
Lãi suất tiếp tục tăng
Thực tế, khi tỷ giá hạ nhiệt, cơ quan quản lý sẽ có nhiều dư địa hơn để nới lỏng chính sách tiền tệ. Gần đây các ngân hàng thương mại đã mạnh dạn tăng lãi suất thêm khoảng 0,2-0,7% và theo dự báo sẽ còn tăng nhẹ trong thời gian tới. Hiện lãi suất huy động ở một vài ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên. Với kỳ hạn từ 6-12 tháng dao động từ 4-5%/năm; dưới 6 tháng từ 2-4%/năm.
Lãi suất tiết kiệm tăng với mục tiêu hút tiền gửi cư dân. Số liệu đưa ra từ NHNN, tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế đến tháng 6 ước đạt 13,575 triệu tỷ đồng, tăng 1,5% so với cuối năm 2023.
Báo cáo tài chính quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm nay của các ngân hàng cũng cho thấy, tiền gửi từ người dân vẫn tiếp tục gia tăng. Xét về giá trị tuyệt đối, 4 ngân hàng quốc doanh vẫn dẫn đầu về việc thu hút tiền gửi tiết kiệm.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, nguyên nhân khiến lãi suất tăng đến từ 3 yếu tố: Lạm phát, tỷ giá, giá vàng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế thì mức tăng lãi suất huy động trong thời gian gần đây chỉ ở mức độ vừa phải, tạo cảm giác cho người gửi tiết kiệm đỡ thiệt thòi, không hàm ý đảo chiều chính sách tiền tệ.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TPHCM cũng nhận định, tốc độ tăng lãi suất huy động hiện nay phù hợp với diễn biến thị trường. Điều này sẽ giúp kênh tiền gửi tiết kiệm trở nên hấp dẫn hơn và nhà đầu tư quay lại kênh tiền gửi tiết kiệm nhiều hơn, nhất là trong bối cảnh các kênh đầu tư khác rủi ro lớn, không phù hợp với số đông người dân.
Mới đây, chia sẻ với báo chí đưa ra quan điểm đầu tư, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, giai đoạn này nên dựa trên 2 tiêu chí an toàn và thanh khoản để lựa chọn phân bổ dòng tiền. Cụ thể, ưu tiên gửi tiền vào ngân hàng với tỷ trọng lên tới 50% vì lãi suất tiền gửi đang tăng và có độ an toàn, thanh khoản rất cao.
Ngoài ra vị chuyên gia này cũng chia sẻ nên phân bổ một phần tiền vào kênh đầu tư bất động sản (BĐS)và chứng khoán. Ông Hiếu đánh giá đây là 2 kênh đầu tư có dấu hiệu phục hồi. Riêng với kênh đầu tư vàng, ông Hiếu cho rằng kênh đầu tư này có rủi ro lớn.
Dòng tiền mạnh chảy vào bất động sản?
Vừa chốt được một mảnh đất 90m2 có giá 4,4 tỷ đồng ở Bát Khối, Long Biên, Hà Nội anh Nguyễn Quang Tân (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, đang có dư khoản tiền thì đầu tư vào bất động sản là an toàn nhất. Khi lợi nhuận đủ kỳ vọng sẽ bán, mà không bán được thì để xây nhà.
Không chỉ anh Tân, nhiều cá nhân cũng nói rằng rất muốn rót tiền vào nhà đất vì diễn biến giá nhà đất có xu hướng tăng.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch BHS Group phân tích, khi 3 bộ luật mới là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực, thị trường sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, mặt bằng giá các sản phẩm BĐS sẽ tăng cao. Vì vậy, hiện nay dòng tiền đã bắt đầu chảy vào những sản phẩm đã hoàn thiện về pháp lý và có giá phù hợp.
"Hiện BĐS thấp tầng pháp lý sạch và đất đấu giá tại các tỉnh đang là những sản phẩm được nhà đầu tư nhắm tới như một kênh tích sản an toàn. Phần lớn nhà đầu tư đếu muốn mua lúc này để có lợi thế về mức giá lẫn cơ hội tăng giá sau này" - ông Tuyển cho hay.
Còn ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc đầu tư Công ty DKRA Group cho rằng về trung và dài hạn, các luật này sẽ giúp cho thị trường minh bạch hơn, bảo vệ nhà đầu tư và giúp thị trường phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, ông Thắng dự báo trong ngắn hạn rất khó để có thể có sự tăng trưởng đột biến về giá cũng như cung trong thị trường. “Các bộ luật cần 6-12 tháng mới thực sự thẩm thấu vào thị trường” - ông Thắng đánh giá và cho rằng, hiện tâm lý thị trường đang chia ra làm hai thái cực. Một là các nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính từ chu kỳ trước vẫn tiếp tục có xu hướng gồng lãi chờ cơ hội. Hai là một số nhà đầu tư giữ lượng tiền mặt lớn đang có xu hướng tiếp tục nghe ngóng những diễn biến tiếp theo của thị trường. "Trong bối cảnh thị trường còn khó đoán định, phân khúc nhà ở chung cư vừa túi tiền vẫn sẽ giữ đà phục hồi và dẫn dắt thị trường" - đại diện Công ty DKRA Group nhận định.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital cho rằng, nhà đầu tư nên gia tăng tỷ trọng tiền gửi ngân hàng, thận trọng với vàng. Lãi suất trên thị trường dân cư đã có xu hướng tăng trở lại sau các biện pháp nhằm ổn định tỷ giá của NHNN. Tôi nghĩ rằng, từ giờ đến cuối năm, sẽ còn nhiều cơ hội và chúng ta cần chuẩn bị sẵn một lượng tiền để chuẩn bị gia tăng các lớp tài sản khác. Đối với vàng, về lý thuyết, giá vàng trên thế giới vẫn đang được hỗ trợ, đặc biệt là khả năng USD giảm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, NHNN đã bày tỏ quyết tâm và nỗ lực bình ổn thị trường vàng.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, trong các kênh đầu tư, tiền gửi tiết kiệm vẫn duy trì được sự hấp dẫn riêng. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện ở mức 5-6%/năm vẫn đảm bảo cho nhà đầu tư không quá thiệt thòi, thanh khoản và an toàn cao. Thực tế, tiền gửi của cá nhân vẫn tiếp tục chảy vào hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, BĐS và chứng khoán cũng đang là những kênh đầu tư đáng chú ý.