Từ ngày 19/8, sản phẩm phân bón nhập khẩu DAP và MAP sẽ chính thức được áp thuế tự vệ với mức thuế tạm thời là 1.855.790 VND/tấn. Quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đã được Bộ Công thương đưa ra trong bối cảnh nguồn phân bón nhập khẩu ngày càng gia tăng vào thị trường nội địa, gây khó khăn đối với sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, việc áp thuế này có thể khiến cho sản phẩm phân bón đến tay người nông dân bị đẩy giá, cuối cùng nông dân lại là đối tượng chịu thiệt nhất.
Nhiều ý kiến cho rằng, áp thuế tự vệ giá phân bón trong nước sẽ bị đẩy lên cao.
Hàng ngoại quại hàng nội
Theo nhận định của Bộ Công thương cho hay, biện pháp tự vệ tạm thời đối với hai sản phẩm phân bón nhập khẩu DAP và MAP được áp dụng trong khoảng thời gian không quá 200 ngày kể từ ngày có hiệu lực.
Biện pháp này sẽ chấm dứt hiệu lực sau ngày ngày 6/3/2018 hoặc Bộ Công thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2016 Việt Nam nhập khẩu 4,15 triệu tấn phân bón, tương ứng 1,1 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu phân bón các loại đạt 2,34 triệu tấn, trị giá 628 triệu USD, tăng 23,7% về khối lượng và tăng 17,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu trong 6 tháng đầu năm 2017 đến từ Trung Quốc. Theo Bộ Công thương, phân bón nhập khẩu không ngừng gia tăng vào thị trường nội địa đã gây khó khăn cho sản xuất trong nước.
Năm 2016, sản lượng sản xuất của ngành giảm gần 47% so với năm 2015, trong khi lượng nhập khẩu chỉ giảm 11,6%, từ 1,2 triệu tấn năm 2015 xuống khoảng gần 1,1 triệu tấn năm 2016.
Động thái trên của Bộ Công thương được khá nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ vì cho rằng, bảo vệ sản xuất trong nước trong bối cảnh hàng nhập ngày càng gia tăng là điều cần thiết.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương), việc áp thuế tự vệ sẽ có lợi cho phân bón trong nước. Các DN trong nước sẽ chủ động được nguồn cung, không phụ thuộc vào nguồn DAP và MAP nhập khẩu.
“Một quốc gia khi chủ động được nguồn cung sẽ không bị động trong việc sản xuất, phụ thuộc vào nhập khẩu. Và nếu sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ rất bất ổn” – ông Thanh nhận định.
Với sản xuất trong nước, đây cũng là cơ hội tốt cho các DN vươn lên chiếm lĩnh thị trường. Áp thuế tự vệ là có lợi vào thời điểm này, sẽ cung ứng kịp thời lượng phân bón cho thị trường. Việc áp thuế sẽ tạo điều kiện vực dậy các DN sản xuất DAP (Xơ sợi Đình Vũ, DAP 2 Lào Cai) đang thua lỗ. Ngoài ra, về bình ổn cơ cấu sản xuất trong nước, Việt Nam cũng phải có đối trọng để kìm hãm việc nhập khẩu phân bón đang gia tăng...
Có quản được giá?
Nhiều ý kiến cho cũng cho rằng, khi áp dụng phòng vệ thương mại sẽ đảm bảo việc chống bán phá giá của nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là từ phía Trung Quốc, giúp phần nào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước.
Việc áp thuế này có thể khiến cho sản phẩm phân bón đến tay người nông dân bị đẩy giá.
Tuy nhiên, sử dụng biện pháp này chỉ là giải pháp tình thế, và về cơ bản không thể giải quyết những vướng mắc, khó khăn của ngành phân bón và các DN.
Bởi dù muốn hay không thì nông dân phải mua phân bón, đó là nhu cầu, mà nguồn hàng cung ứng, ngoài sự chủ động từ phía DN trong nước, còn phần nhiều vẫn đến từ hàng nhập khẩu.
Do đó, áp thuế đối với sản phẩm phân bón nhập khẩu sẽ khó tránh tình trạng giá bị đẩy lên cao, lúc đó, người phải chịu gánh nặng đẩy giá lại chính là nông dân.
Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Quỹ Chống hàng giả Việt Nam cho rằng, khi áp thuế tự vệ , các nhà sản xuất trong nước sẽ được hưởng lợi, còn với nhà nhập khẩu đương nhiên là gặp khó khăn vì giá thành nhập đầu vào sẽ bị cao hơn. “Nhưng đối tượng cần quan tâm nhất là người nông dân, họ có được hưởng lợi không, hay sẽ là người chịu thiệt thòi?”, ông Hùng nhận định.
Bởi vậy, theo vị chuyên gia này, để việc áp thuế không gây ảnh hưởng lớn đến người nông dân, các nhà sản xuất khi được Chính phủ hỗ trợ về cơ chế chống bán phá giá cần phải giữ nguyên giá thành hoặc hạ giá cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng bày tỏ lo ngại, khi áp dụng tự vệ chính thức, nếu nhà quản lý không xác định mọi khía cạnh tác động thì sẽ dẫn đến nguy cơ nhu cầu thị trường xuất hiện khan hàng và các nhà sản xuất sẽ tranh thủ để đẩy giá lên.
Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, áp thuế tự vệ thương mại là tình thế, có tác dụng lớn với các doanh nghiệp như Đình Vũ và Lào Cai. Trong khi đó, áp thuế sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất NPK và người nhập khẩu. Giá nhập khẩu tăng thì DN phải bán giá tăng lên.
Theo Hiệp hội phân bón, với công suất thiết kế khoảng 660.000 tấn DAP/năm thì DN Việt cung cấp được khoảng 80% nhu cầu. Nhưng hiện nay công nghệ sản xuất còn chưa tiên tiến, đồng bộ, nên khi sản xuất ra thì không đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế là trên 62% hàm lượng dinh dưỡng, mà chỉ đạt dưới 60%.
Trong khi nguồn DAP nhập khẩu từ nước ngoài như của Mỹ, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật... có chất lượng cao hơn.