Cuối tháng 7, nước Đức đã hứng chịu hàng loạt các vụ tấn công bạo lực mang tính khủng bố, mà 3 trong số đó được thực hiện bởi những người tị nạn. Kéo theo các sự kiện đó là nhiều chỉ trích nhằm vào chính sách của Thủ tướng Angela Merkel, liệu điều đó có nghĩa rằng bà đang “đi trên dây”?
Chính phủ lung lay?
Thực tế ở nước Đức cũng cho thấy, kể từ sau hàng loạt các vụ tấn công liên tiếp xảy ra ở nước này, “Bà Merkel đi trên dây” đã trở thành tiêu đề xuất hiện trên nhiều tờ báo uy tín của quốc tế; nhiều bài bình luận còn đặt ra câu hỏi rằng liệu có phải vị trí Thủ tướng của nữ lãnh đạo quyền lực nhất thế giới đang bị đe dọa?
Nhưng bất kỳ ai quan tâm đến sự việc này cũng phải biết một thực tế khác là, tất cả những bài viết trên đều được đăng tải bởi các tờ báo, hãng tin tiếng Anh, được thực hiện bởi các nhà báo bên ngoài nước Đức.
Trường hợp gần đây nhất là một đoạn video chiếu cảnh những người cực đoan cánh hữu đang biểu tình rầm rộ ngay tại thủ đô Berlin của nước Đức được đăng tải bởi một kênh truyền hình của Nga, trong đó đặt dấu chấm hỏi về khả năng chính phủ nước này sẽ sớm sụp đổ vì thất bại trong chính sách nhập cư. Đoạn video không hề đưa ra các dữ liệu, thống kê, không chứng cứ, mà chỉ có cảnh biểu tình… Người ta không thể đổ lỗi cho giới truyền thông nước ngoài vì đã đăng tải những thước phim đó, bởi nếu nhìn vào từ bên ngoài thì dường như ai cũng có cảm giác như tình hình ở Berlin đang rất căng thẳng và vị trí của bà Merkel đang lung lay.
Những ai thạo tin đều biết được rằng, chính sách nhập cư phóng khoáng mà bà Merkel áp dụng với nước Đức đã cho phép quốc gia này tiếp nhận hơn 1 triệu người di cư đến từ Trung Đông- nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trong cộng đồng Liên minh châu Âu (EU). Vào thời điểm hồi năm ngoái, điều này đã giúp nước Đức, và bản thân bà Merkel, tạo nên một hình ảnh nhân văn cảm động. Nhưng chỉ một năm sau đó, các vụ tấn công thực hiện bởi những người nhập cư bắt đầu nổ ra…
Hồi tháng 7, một thiếu niên từ Afghanistan đã dùng rìu tấn công khiến 5 người bị thương trên tàu ở Wuerzburg trước khi bị cảnh sát bắn chết. Cũng trong tháng này, một người từ Syria bị từ chối khi xin tị nạn, đã cho nổ bom và tự sát bên ngoài lễ hội âm nhạc ở Ansbach làm 15 người bị thương. Tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm cả hai vụ tấn công này.
Nước Đức cần bà Merkel
Sau tất cả, người ta có lý do để tin rằng chính phủ của bà Merkel đang gặp rắc rối.
Nhưng vấn đề ở chỗ, câu chuyện bên trong nước Đức lại khác hẳn. Có đến 70% người dân Đức không cho rằng chính sách nhập cư của Thủ tướng Merkel đã góp phần gây nên các vụ tấn công đó, và tình trạng bạo lực diễn ra ở nước này không ảnh hưởng gì tới sự ủng hộ của người dân đối với đảng của bà. Điều này khiến cho khả năng có ai đó thay thế bà dẫn dắt chính phủ là gần như bằng con số không, chứ chưa nói đến thay toàn bộ Nội các hiện tại.
Kể từ sau loạt vụ tấn công, tỷ lệ ủng hộ bà Merkel thực tế là đã suy giảm, nhưng gần một nửa cử tri Đức vẫn nói rằng họ muốn bà là Thủ tướng của họ. Thực tế, bà Merkel hiện nay cũng không có một đối thủ xứng tầm khi phe đối lập cánh tả còn nhỏ lẻ trong khi đảng mới nổi Sự lựa chọn khác cho nước Đức có tư tưởng phản đối người nhập cư lại bị rạn nứt vì đấu đá nội bộ.
Trước đây, trong những thời điểm bất ổn, lịch sử đã cho thấy rằng “người đàn bà thép” Angela Merkel vẫn luôn điềm tĩnh giải quyết mọi chuyện. Cứ mỗi lần khủng hoảng ập tới là mỗi lần bà Merkel bị các nhà bình luận chỉ trích, lên án; nhưng lạ lùng thay, bà luôn bật dậy ngay sau đó. Trải qua khủng hoảng di cư, sự kiện Brexit cho tới sự hỗn loạn trong khối Eurozone…bà Merkel luôn chứng tỏ bản thân là một “vòng tay an toàn”.
Thậm chí ngay cả sau khi xảy ra các vụ tấn công gần đây cũng vậy, nhiều người đã chỉ trích bà Merkel vì phản ứng quá chậm trễ. Ngay sau vụ xả súng ở Munich, trong đó 10 người thiệt mạng, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã lập tức lên án vụ việc mà ông gọi là hành động tàn ác của khủng bố Hồi giáo. Nhiều người đưa ra câu hỏi: “Tại sao lãnh đạo Pháp lại nói về vụ tấn công ở Đức?”.
Nhưng sau đó, hóa ra vụ việc này lại không có liên quan gì tới những kẻ khủng bố Hồi giáo cả- mà chỉ là một vụ xả súng “kiểu Mỹ”, được thực hiện bởi một thiếu niên Đức bị ám ảnh bởi các vụ xả súng hàng loạt.
Điểm mấu chốt ở đây là: Dù có phải hứng chịu những lời phê bình ghê gớm nhất, nhưng không giống như Pháp, nước Đức chưa từng hứng chịu một vụ tấn công khủng bố Hồi giáo nào lớn cả. Trong cả 2 vụ tấn công gần đây được thực hiện bởi những người tị nạn, mà sau đó được IS tuyên bố nhận trách nhiệm, không có nạn nhân nào thiệt mạng.
Thống kê của báo giới Đức cho thấy người dân nước này
vẫn mong muốn bà Merkel lãnh đạo.
Vẫn chỉ là tranh luận
Nhiều đề xuất chống khủng bố Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere hôm 11/8 đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch cấm phụ nữ đeo khăn trùm đầu Hồi giáo, là một phần của hàng loạt biện pháp chống khủng bố, theo truyền thông nước này. Ông de Maiziere cũng đề nghị rút ngắn quy trình trục xuất tội phạm và nới lỏng quy định về bảo mật thông tin bệnh nhân của các bác sỹ. |
Nhưng dù vậy, người ta cũng không thể phớt lờ những cuộc tranh luận nảy lửa về chính sách nhập cư của Berlin, và nước Đức đang chia rẽ. Người dân Đức ngày càng tỏ ra lo sợ hơn về các vụ tấn công và cảm thấy khó chấp nhận người nhập cư hơn. Trong bối cảnh nước này sắp tổ chức bầu cử Quốc hội trong năm tới, bà Merkel đương nhiên chịu sức ép ghê gớm từ các đối thủ của bà- cả ở cánh tả và cánh hữu.
Hiện nay đã có nhiều lời kêu gọi đề ra các biện pháp kiểm soát người nhập cư chặt chẽ hơn. Nhiều người nói rằng những người không được cấp diện tị nạn ở Đức cần phải bị trục xuất về nước, dù là họ đến từ vùng chiến sự hay không. Trên mạng xã hội, những lời chỉ trích bà Merkel cũng tỏ ra rất hằn học.
Tuy nhiên không có một vị chính trị gia nào ở nước này đề xuất rằng Đức nên ngừng tiếp nhận những người đang cố thoát khỏi chiến tranh; nhiều chính trị gia – chủ yếu đến từ đảng cánh tả- thậm chí còn chỉ trích bà Merkel vì chưa làm đủ để giúp đỡ những người di cư.
Cuộc tranh luận trên các tờ báo chính thống ở Đức, trong khi đó, lại rất trái ngược nhau. Tờ Bild, tờ báo bán chạy nhất ở nước Đức, đã tự nhận mình là người bảo vệ quyền cho người tị nạn, trong khi giới chức Đức liên tục cảnh báo về việc bêu xấu người nhập cư kể từ sau các vụ tấn công.
Thêm tình trạng bạo lực, hoặc một vụ tấn công khủng bố lớn mà IS gây ra, có thể khiến cho hướng tiếp cận hiện nay của chính phủ Đức trở nên cực kỳ nguy hiểm. Dư luận Đức có lúc còn đặt ra câu hỏi rằng liệu họ có phải trả giá khi tỏ ra quá nhân đạo với người nhập cư- mà trong số này có thể ẩn náu những kẻ chiến binh thánh chiến của IS. Nhưng giới chính trị gia ở nước Đức lại đưa ra một câu hỏi sâu sắc hơn: Trách nhiệm của một chính phủ là gì? Họ nên dẫn dắt người dân hay lúc nào cũng chỉ biết làm theo ý kiến của người dân?
Ý tưởng của bà Angela Merkel luôn vững chắc: Chính phủ đưa ra quyết định và hãy tin tưởng ở chúng tôi. Trong một giai đoạn mà thế giới liên tiếp chứng kiến các cuộc trưng cầu dân ý, hay nghiêng về mạng xã hội, thì bà Merkel vẫn giữ vững quan điểm của mình, và bà luôn là người ở vị trí dẫn dắt. Không phải ai cũng đồng tình với bà, và cách tiếp cận của bà cũng không phải không có rủi ro. Nhưng dù sao, ở thời điểm hiện tại, bà Merkel vẫn đang làm đúng những gì mà người dân Đức mong đợi.