Hơn hai tháng nằm bờ, ngư dân các địa phương “vùng xanh” tại Bà Rịa-Vũng Tàu không khỏi phấn khởi khi được chính quyền cho phép “mở” biển.
Liên lạc với ngư dân Trần Văn Đức, ngụ xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, ông cho biết, ngay sau khi có thông tin được hoạt động lại, ngày 19/9 đã dong chiếc thuyền thúng mở biển sau hơn hai tháng không đụng đến chài lưới. Chuyến biển đầu tiên sau dịch, ông Đức đánh bắt được gần 1 tạ cá, thu về khoảng 3 triệu đồng. “Chưa bao giờ thấy nhớ nghề biển như lúc này. Dịch ập đến, tàu phải nằm bờ, kéo theo bao nhiêu khó khăn. Khi hay tin được mở biển trở lại, mừng quá trời”, ông Đức xúc động.
Qua nắm bắt thông tin từ Hội Nông dân, UBND các huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, đa số ngư dân đều rất phấn khởi vì được chính quyền cho phép ra khơi.
Tại huyện Xuyên Mộc, địa phương này đã có kế hoạch phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Ban Quản lý cảng cá thông tin đến bà con ngư dân về việc tuân thủ các quy định đi biển bảo đảm công tác phòng chống dịch.
Theo tìm hiểu của phóng viên, huyện Xuyên Mộc có khoảng 550 phương tiện tàu thuyền đánh bắt hải sản gần bờ, tập trung chủ yếu ở thị trấn Phước Bửu và các xã Bình Châu, Phước Thuận, Bưng Riềng.
Lãnh đạo huyện Xuyên Mộc cho biết, để ngư dân hoạt động trở lại là việc làm cần thiết nhưng phải đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, những ngư dân được phép đánh bắt hải sản gần bờ phải có hộ khẩu thường trú trên địa bàn huyện hoặc là ngư dân đăng ký danh sách đánh bắt hải sản tại địa phương, ký cam kết và được xác nhận của địa phương.
Huyện quy định khu vực khai thác hải sản của ngư dân chỉ được nằm trong phạm vi từ 6 hải lý trở vào thuộc vùng biển của địa phương. Huyện sẽ cấp giấy đi biển luân phiên cho các phương tiện và chỉ cho phép đánh bắt hải sản gần bờ đi về trong ngày theo thời gian đăng ký và cam kết với chính quyền địa phương, bảo đảm đúng quy định về phòng, chống dịch. Các xã, thị trấn bảo đảm quản lý chặt tiểu thương, đầu nậu thu mua hải sản gồm họ tên, địa chỉ, điện thoại, nơi bán…
Trước khi xuất bến UBND các địa phương vùng biển có nhiệm vụ kiểm tra giấy xác nhận đi biển của ngư dân và thống kê số lượng phương tiện để thông báo cho Đồn Biên phòng Bình Châu, Phước Thuận. Cùng với đó, Trạm Thanh tra thủy sản Xuyên Mộc phối hợp các Đồn Biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của phương tiện đánh bắt hải sản gần bờ tại bến đò, bãi ngang, cảng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.
Còn tại huyện Đất Đỏ, từ ngày 19/9, ngư dân nghề thúng, đò, nan tại thị trấn Phước Hải đã được ra biển đánh bắt hải sản. Trước đó, lãnh đạo thị trấn đã có buổi gặp gỡ để lắng nghe các nguyên vọng, đề xuất của ngư dân. Lực lượng chức năng cũng đã hướng dẫn ngư dân tuân thủ các phương án ra khơi đánh bắt của UBND huyện, bảo đảm thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch Covid-19. Phương châm là “sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng dịch”, ông Trần Thanh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đất Đỏ cho hay.
Toàn thị trấn Phước Hải có trên 600 phương tiện với khoảng 1.000 ngư dân chủ yếu làm nghề thúng, đò nan gần bờ. Dựa vào tình hình thực tế số lượng phương tiện, ngư dân, phương thức đánh bắt, tiêu thụ thủy, hải sản cũng như nắm bắt tâm tư nguyện vọng của ngư dân, huyện đã xây dựng phương án, kế hoạch nhằm tạo điều kiện cho ngư dân ra biển đánh bắt gần bờ, bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Huyện Đất Đỏ cho biết, những ngư dân đánh bắt gần bờ được xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Việc khai thác tiêu thụ phải thống nhất theo tỉ lệ 1:1 đó là một điểm thu mua và một điểm tiêu thụ. Huyện bố trí một điểm thu mua hải sản duy nhất có lực lượng quản lý tránh việc tụ tập đông người. Hải sản của ngư dân sau đánh bắt sẽ được tiêu thụ ngay tại huyện chứ không chở đi nơi khác. “Không chỉ ngư dân mà các tiểu thương chuyên thu mua hải sản đều rất vui mừng, phấn khởi khi nghề biển được hoạt động lại ”, một lãnh đạo huyện Đất Đỏ cho hay.
TP Vũng Tàu là một trong những địa phương có số lượng tàu cá lớn nhất tỉnh với gần 2.200 phương tiện, trong đó trên 830 tàu cá đánh bắt xa bờ, trên 110 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện địa phương này cũng đang lên phương án để cho các phương tiện được hoạt động trở lại với lộ trình cụ thể: từ 20/9 sẽ tạo điều kiện cho 72 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá xuất bến để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhiên liệu cho số phương tiện đang khai thác trên biển. Từ 30/9 sẽ xem xét cho một số tàu cá ra khơi đảm bảo các phương án phòng chống dịch, đồng thời xuất bến theo từng đợt và phải được kiểm soát chặt theo quy định.