Việc kiểm tra Kết luận 01/KL-ĐCT nhằm nắm bắt tình hình chung về công tác dân tộc, trên cơ sở thực hiện 5 nhiệm vụ mà Kết luận 01 đề ra. Trên cơ sở đó, làm rõ thêm những cách thức, phương thức triển khai của Mặt trận cơ sở, qua đó tiếp thu những kiến nghị, ý kiến trong công tác dân tộc, nhất là các huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Sáng ngày 16/8, tiếp tục chuyến công tác tại Nghệ An, đoàn công tác Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có buổi làm việc với Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An để kiểm tra việc thực hiện Kết luận 01 của Đoàn Chủ tịch về “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc”.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, công tác dân tộc luôn có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng Việt Nam. Do đó, kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đến nay, Đảng ta luôn qua tâm, dành nhiều chủ trương ưu tiên, đầu tư phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh… đối với vùng dân tộc và miền núi.
Đối với Mặt trận, thực hiện chủ trương của Đảng về công tác dân tộc, góp phần xây dựng củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Kết luận 01/KL-ĐCT về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc.
“Việc kiểm tra Kết luận 01/KL-ĐCT nhằm nắm bắt tình hình chung về công tác dân tộc, trên cơ sở thực hiện 5 nhiệm vụ mà Kết luận 01 đề ra. Trên cơ sở đó, làm rõ thêm những cách thức, phương thức triển khai của Mặt trận cơ sở, qua đó tiếp thu những kiến nghị, ý kiến trong công tác dân tộc, nhất là các huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tiếp thu những kinh nghiệm cách làm hay của các tổ chức, đơn vị đang thực hiện công tác dân tộc thiểu số nhằm phát huy nhân rộng cho các địa phương khác”, bà Ánh cho biết.
Tại buổi kiểm tra, theo ông Lê Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An cho biết, trong hơn 7 năm thực hiện Kết luận 01, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nghệ An đã bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác dân tộc; sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và của cấp ủy, chính quyền các địa phương.
“Đồng thời, đã cụ thể hóa thành các nhiệm vụ và giải pháp phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế trong công tác dân tộc. Tăng cường công tác phối hợp với các ngành, các cấp; phát huy được vai trò của người uy tín trong công tác tuyên truyền, đoàn kết đồng bào dân tộc thiểu số; giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số...”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Ngọc, qua 7 năm thực hiện, tỉnh Nghệ An đạt được những kết quả quan trọng. Trước hết, phải khẳng định là công tác tuyên truyền, trong thời gian qua, Mặt trận tỉnh đã hướng dẫn MTTQ các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập các trang mạng xã hội như Zalo, facebook, fanpage để tuyên truyền..., qua đó góp phần chuyển tải kịp thời các thông tin đến với người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo số liệu thống kê, từ 2015 đến nay, MTTQ các cấp đã tổ chức 4.638 cuộc thăm hỏi, tiếp xúc, trao quà giá trị gần 4 tỷ đồng, tổ chức 369 hội nghị biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số với 5.576 lượt người được biểu dương.
Trong phối hợp triển khai, thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ 2015 đến nay, Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã hiến tặng hàng chục ngàn mét vuông đất, hàng trăm ngàn ngày công, kinh phí để xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần xây dựng 02 xã biên giới, 36 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số về đích nông thôn mới.
Đặc biệt, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” các cấp và các nguồn hỗ trợ khác, MTTQ các huyện miền núi đã hỗ trợ cho hơn 900 hộ nghèo, cận nghèo khu vực dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện mô hình sinh kế, thoát nghèo bền vững. Các hoạt động chăm lo cho người nghèo đón Tết.
Từ Chương trình “Tết Vì người nghèo”, 07 năm qua, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm quyên góp, hỗ trợ hơn 311 tỷ đồng, để phân bổ cho 100% người nghèo, hơn 60% hộ cận nghèo và các đối tượng khác, trong đó tất cả các hộ nghèo, hộ khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi đều có quà tết. Ngoài ra, với trách nhiệm của mình, MTTQ tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện hiệu quả việc hướng dẫn, giúp 115 xã miền Tây Nghệ An đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 310 tỷ đồng.
Đối với công tác giám sát và phån biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách về dân tộc và công tác dân tộc. Từ năm 2015 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã của tỉnh Nghệ An tổ chức 9.896 cuộc giám sát về triển khai, thực hiện các chính sách pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số liên quan đến các lĩnh vực đất đai, nước sạch, chính sách về dân tộc, phòng, chống dịch Covid-19…
Cùng với đó, MTTQ các cấp tổ chức 4.996 hội nghị phản biện xã hội đối với các dự thảo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các văn bản pháp luật quan trọng.
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thường xuyên phôi hop voi Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện tốt việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới và an ninh quốc gia. Phối hợp thực hiện, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu, nâng cao năng lực cán bộ Mặt trận vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cũng tại buổi kiểm tra, nhiều ý kiến của đoàn công tác cũng yêu cầu làm rõ, sau 7 năm thực hiện Kết luận 01, đến nay còn có những khó khăn vướng mắc gì, đồng bào dân tộc thiểu số có hài lòng không? Công tác giám sát như thế nào? Có tình trạng vi phạm pháp luật không? Việc thực hiện này có làm vai trò Mặt trận tăng lên không?...
Tại buổi kiểm tra, nhiều ý kiến cho rằng trong thời gian qua công tác dân tộc trên địa bàn luôn được quan tâm, trên cơ sở những quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đề nghị Mặt trận Trung ương có đề xuất với Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện các đề án phát triển kinh tế-xã hội của đồng bào vùng dân tộc như trợ khắc phục thiên tai, kè sạt lở, cầu dân sinh…quan tâm hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, phân luồng lao động đối với con em đồng bào dân tộc nhằm có thu nhập giảm nghèo bền vững.
Theo bà Lô Thị Kim Ngân, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Nghệ An cho rằng, công tác dân tộc luôn được tỉnh Nghệ An triển khai chủ động, do đó thời gian qua đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nâng lên rất nhiều.
Tuy nhiên, qua buổi làm việc này, chúng tôi mong muốn Mặt trận trung ương có kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ khó khăn của một số dự án liên quan đến công tác dân tộc. Bên cạnh đó, cần phối hợp rõ giữa cơ quan chủ trì và các cơ quan liên quan. Đồng thời, quân tâm đến người làm công tác dân tộc của đội ngũ Mặt trận, cũng như các cơ quan khác thực hiện chương trình công tác dân tộc.
Góp thêm ý kiến tại buổi kiểm tra, ông Lê Văn Ngọc, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Nghệ An cho rằng, ngoài những khó khăn, vướng mắc, tồn tại cần tháo gỡ thì nên quan tâm đến kinh phí trong việc hoạt động, có cơ chế chủ động cho kinh phí giám sát… cho công tác dân tộc nói riêng và các lĩnh vực nói chung, bởi lâu nay kinh phí giám sát thường lồng ghép với các chương trình khác, dân đến hiệu quả không cao.
Trong khi đó, ông Ngọc Kim Nam, Trưởng ban Dân vận tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, dù khó khăn nhưng việc triển khai nhiệm vụ công tác dân tộc luôn được Nghệ An quan tâm sát sao, đời sống đồng bào nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, qua đây thay mặt tỉnh Nghệ An, chúng tôi kiến nghị với Mặt trận Trung ương, các ban ngành Trung ương cần có cơ chế về nguồn kinh phí, cơ chế chính sách thu hút dự án cho đồng bào dân tộc, vùng biên giới còn khó khăn, chế độ đãi ngộ cho cán bộ Mặt trận, đoàn thể trong việc thực hiện công tác dân tộc, hỗ trợ chính sách các dự án cho đồng bào đa dạng hơn nữa, bởi thực tế còn manh mún, chưa đồng bộ.
Kết luận tại buổi kiểm tra, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao những chính sách đầu tư để phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua, nhất là việc thực hiện Kết luận 01 của Đoàn Chủ tịch của MTTQ các cấp.
“Qua các ý kiến, chúng tôi nhận thấy tỉnh Nghệ An có nhiều đặc thù trong việc thực hiện công tác dân tộc. Tuy nhiên, vượt lên tất cả các địa phương của tỉnh Nghệ An đã thực hiện tốt 5 nội dung của Kết luận 01 nhất là nâng cao đời sống của bà con so với trước khi kết luận này ra đời. quá trình thực hiện đã có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các cấp, ngành. Riêng những đề nghị chúng tôi ghi nhận, sẽ tổng hợp bằng văn bản đề nghị các ban ngành của Trung ương nhằm hoàn thiện hơn nữa việc triển khai các chương trình cho người dân tộc thiểu số như kinh phí, cơ chế chính sách, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, đề án cho đồng bào dân tộc, miền núi”, bà Ánh nhấn mạnh.