Mới đây, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường - Quốc hội đã đi kiểm tra tình hình tiêu thụ vải ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.
Vải thiều Bắc Giang nức tiếng thơm ngon.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, năm nay, Bắc Giang đã có bước chủ động tốt trong đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ vải tại Trung Quốc và trong nước. Sản lượng tăng cao và đến nay chúng ta đã có được giá bán tốt.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, vải đang ở thời điểm chính vụ mà Bắc Giang có tỷ trọng vải chính vụ lớn nên cần tiếp tục chăm sóc vườn cây để đảm bảo chất lượng quả. Quan trọng nhất hiện nay vẫn là vấn đề tiêu thụ. Vì thế, huyện Lục Ngạn cần tập trung vào các nhóm giải pháp từ các loại dịch vụ hỗ trợ như: nước đá, hộp xốp, giao thông, an ninh... để đảm bảo việc tiêu thụ thông suốt, vải được mùa, được giá, đảm bảo thu nhập cho nông dân.
Ông Đinh Cao Khuê, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao đánh giá, năm nay chất lượng vải của Bắc Giang rất tốt, tỷ lệ sâu đầu rất thấp chỉ 1-2%, thậm chí không có. Dự kiến doanh nghiệp sẽ tiêu thụ khoảng 10.000 tấn vải cho huyện Lục Ngạn; trong đó, có 4.000 tấn xuất khẩu sang Nhật Bản...
Những năm gần đây, sản lượng vải thiều Lục Ngạn được tiêu thụ tương đối thuận lợi ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2017 có 47,6% sản lượng vải thiều được xuất khẩu, còn lại tiêu thụ tại thị trường nội địa. Do vậy, huyện đã tập trung cả thị trường trong nước và xuất khẩu; quan tâm khai thác tối đa thị trường truyền thống, đồng thời tìm kiếm, mở rộng một số thị trường mới. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, năm nay có đến 50% sản lượng vải của huyện được xuất khẩu. Để chuẩn bị cho tiêu thụ vải, huyện Lục Ngạn đã phối hợp tổ chức thành công hội nghị xúc tiến thương mại, tiêu thụ vải thiều tại Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc (thị trường xuất khẩu lớn của vải thiều Lục Ngạn, chiếm trên 90% tỷ trọng xuất khẩu) đã thu hút được đông đảo doanh nhân phía Trung Quốc. Đồng thời, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn về một số thủ tục hành chính như: đăng ký mã vùng trồng, hải quan, thông quan, kiểm dịch, kho vận...
Cùng với đó, huyện cũng tập trung vào các trung tâm đầu mới lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh miền Trung; chủ động làm việc với các nhà phân phối để phân phối vào hệ thống các siêu thị lớn.
Ông Đinh Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xuất khẩu Hùng Thảo đánh giá, năm nay vải được mùa, sản lượng lớn nhưng đến thời điểm này việc tiêu thụ khá tốt. Công ty có kế hoạch thu mua khoảng 8.000 tấn để tiêu thụ các hệ thống bán lẻ, đặc biệt là Co.opmart tại TP Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Trung Quốc. Anh Hùng dự đoán, thời gian tới giá vải sẽ tăng do Trung Quốc kết thúc mùa vải. Hiện doanh nghiệp đang thu mua từ 20-23.000 đồng/kg.
Hiện nay, toàn huyện Lục Ngạn có 15.290 ha vải thiều. Năm 2018 cũng là năm thứ hai huyện thực hiện việc cấp giấy chứng nhận diện tích sản xuất vải thiều đã áp dụng theo quy trịnh VietGAP cho 23.000 hộ với 1.423 ha; hỗ trợ các doanh nghiệp là các hợp tác xã sản xuất vải thiều 50% giá trị tem truy xuất sản phẩm.
Để tăng cường liên kết, hỗ trợ nhân dân trong sản xuất, tiêu thụ vải thiều, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn thành lập 375 tổ liên kết, tổ hợp tác với 2.700 thành viên; thành lập 30 chi hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều tại 30 xã, thị trấn. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu trên các thông tin đại chúng.