Bắc Kạn đẩy mạnh chuyển đổi số

An Chi 17/08/2023 16:00

Bằng những mục tiêu, giải pháp cụ thể, tỉnh Bắc Kạn đang từng bước cụ thể hóa các quan điểm, nhiệm vụ và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm tạo đột phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Với quyết tâm đổi mới và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Bắc Kạn xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Nhìn nhận thực tế trong điều kiện tỉnh không có đường sắt, không có đường hàng không, không có đường thủy kết nối với các tỉnh khác; đường bộ chủ yếu là các tuyến đường cũ, tốc độ di chuyển thấp, thì chuyển đổi số chính là một "con đường cao tốc" để Bắc Kạn rút ngắn khoảng cách phát triển và tiến kịp với các tỉnh/thành phố trong cả nước.

Thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai các hoạt động/nhiệm vụ liên quan đến bảo đảm ATTT của tỉnh, gồm: Xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC); giám sát an toàn thông tin các website của tỉnh; kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn và diễn tập thực chiến bảo đảm ATTT mạng; đưa ra cảnh báo, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục các nguy cơ, sự cố gây mất ATTT có thể xảy ra.

Đồng thời, giao Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí của tỉnh tuyên truyền về các kênh chính thức của doanh nghiệp viễn thông di động trong quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao. Chỉ đạo Công an tỉnh rà soát, phát hiện 3 cơ quan, doanh nghiệp có 4 máy vi tính đồng bộ 53 tài khoản, mật khẩu đăng nhập (trong đó có 15 tài khoản công vụ) trên các trình duyệt; 6 Trang/Cổng thông tin điện tử của UBND các huyện Chợ Đồn, Pác Nặm, Na Rì bị tin tặc xâm nhập…

"Tủ báo điện tử Thanh niên" xã Bằng Phúc (Chợ Đồn) góp phần từng bước thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử vì dân phục vụ.

Xác định được tầm quan trọng của công tác này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kết luận về chuyển đổi số với sự kỳ vọng và quyết tâm cao, thể hiện bằng những mục tiêu rõ ràng, cụ thể để cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo, triển khai hoạt động chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cụ thể hóa các nhiệm vụ nêu trên, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030 và danh mục dự án chuyển đổi số ưu tiên cần triển khai thực hiện.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường hiệu quả sử dụng các nền tảng, hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, kết quả đạt bao gồm: 100% cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể ở cả 3 cấp sử dụng hiệu quả phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 90,6%; 132 đơn vị sử dụng hệ thống "Một cửa điện tử", "Một cửa điện tử liên thông" và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ cao; Cấp 7.000 tài khoản sử dụng Hệ thống thư điện tử công vụ; tỷ lệ sử dụng hòm thư trung bình trong tháng đạt trên 85%; 100% các Trang/cổng thông tin điện tử cơ quan nhà nước cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố duy trì hoạt động ổn định và đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng…

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình, hiện, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục duy trì, cập nhật dữ liệu cho các cơ sở dữ liệu đã triển khai, như: Số hóa tài liệu; cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng, đất đai, môi trường, quản lý giấy phép lái xe, hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử người dân, công chứng...

Trong năm 2023, Bắc Kạn đẩy mạnh tập trung xây dựng và phát triển dữ liệu, bảo đảm an toàn thông tin, hướng tới mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số một cách tổng thể, toàn diện, phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, việc chuyển đổi số tại tỉnh Bắc Kạn vẫn còn tồn tại, hạn chế. Trong đó có các vấn đề như kinh phí dành cho thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của một số đơn vị chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, đặc biệt là đối với các đơn vị cấp xã; Việc xây dựng hồ sơ đề xuất cấp độ ATTT của một số đơn vị, địa phương còn lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu; Dữ liệu hiện có của tỉnh là các dữ liệu chuyên ngành, còn rải rác ở các ngành, chưa được tích hợp, quản lý thống nhất để hỗ trợ việc ra quyết định do tỉnh chưa xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP). Dữ liệu các ngành hiện chưa đầy đủ, còn thiếu sót, có sự sai lệch, thiếu tính chuẩn xác, phân tán; các hệ thống dữ liệu không kết nối với nhau, chưa có tính đối soát để kiểm chứng dữ liệu.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn cho hay, để khắc phục những hạn chế này, thời gian tới, tỉnh chỉ đạo nhiệm vụ chuyển đổi số cần được các sở, ngành, địa phương thực hiện phù hợp với nhu cầu của người dân và điều kiện của tỉnh; nỗ lực đóng góp vào việc nâng cao các chỉ số xếp hạng chuyển đổi số một cách thực chất.

Việc triển khai các giải pháp cụ thể để nâng cao tỷ lệ dịch vụ công thông tin (DVCTT) và tỷ lệ hồ sơ DVCTT cũng được xem là giải pháp hữu hiệu. Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ công nghệ thông tin thông qua các hình thức đặt hàng đào tạo, tổ chức đào tạo, thông tin rộng rãi về công tác tuyển dụng. Tổ chức kiểm tra hoạt động chuyển đổi số tại một số đơn vị, địa phương; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Ngày Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bắc Kạn đẩy mạnh chuyển đổi số