Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa là nhu cầu phổ biến của người tiêu dùng hiện nay, do đó, doanh nghiệp, HTX nắm bắt xu hướng, quan tâm đầu tư truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giải pháp để sản xuất, kinh doanh bền vững.
Xuất hiện tình trạng "được mùa, rớt giá"
Có thể nhận thấy, nông sản được coi là thế mạnh, sản phẩm chủ yếu góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế tỉnh Bắc Kạn và kinh tế hộ gia đình. Thế nhưng nhiều năm nay, các loại nông sản này luôn trong tình trạng "được mùa, rớt giá", phải kêu gọi cộng đồng “giải cứu”.
Thực tế cho thấy, việc “giải cứu” đã làm mất đi nhuệ khí, thậm chí mất đi tinh thần tự do của sản xuất kinh tế thị trường; lợi ích cuối cùng chỉ rơi vào tay một số ít tư thương, còn người dân "thiệt đơn, thiệt kép"...
Vấn đề “được mùa, rớt giá”, nông sản bỏ đống lăn lóc vệ đường, thậm chí người dân không muốn thu hoạch vì tiền bán không đủ trả tiền công, đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Chừng nào nông sản phải “giải cứu” thì đời sống của người dân còn vất vả, nền kinh tế nông nghiệp vẫn bấp bênh.
Ông Quách Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại, Sở Công thương Bắc Kạn cho rằng: Để tiêu thụ được nhiều mặt hàng, đặc biệt là nông sản rất cần sự đổi mới, đa dạng hóa phương thức kinh doanh, thúc đẩy hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản, xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại nông sản đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, đa dạng hóa tiêu thụ nông sản qua các kênh phân phối hiện đại, thương mại điện tử và thúc đẩy, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt. Khuyến khích các hình thức thương mại dựa trên nền tảng công nghệ mới, nền tảng số hóa, coi thương mại điện tử là công cụ quan trọng để hiện đại hóa thương mại.
Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường.
Xây dựng thương hiệu
Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản đang được triển khai khá rầm rộ tại tất cả các địa phương trong cả nước. Ở cấp độ địa phương, hoạt động phát triển thương hiệu được tập trung ở việc đăng ký sở hữu trí tuệ và tiến hành truyền thông giới thiệu sản phẩm trong khoảng thời gian gắn với thời vụ sản phẩm.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, sự tham gia của cộng đồng bản địa vào các nỗ lực phát triển thương hiệu còn chưa cao, tình trạng gian lận thương mại, trà trộn sản phẩm không đúng xuất xứ, chất lượng thấp bán cùng những sản phẩm đặc sản địa phương có nguy cơ làm xấu hình ảnh thương hiệu các đặc sản.
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm nông sản hàng hoá thì tiêu thụ sản phẩm là khâu đặc biệt quan trọng. Chủ động tiếp cận thị trường, đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản đang là hướng đi của nhiều nông dân, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tỉnh Bắc Kạn.
Bên cạnh đó, góp phần tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử cho các hộ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số, và hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn này để thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng trên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh, Giảng viên cao cấp Đại học Thương mại: Phát triển thương hiệu, điều quan trọng nhất vẫn là xây dựng cho được một quy chế chặt chẽ quản lý chất lượng sản phẩm với những tiêu chuẩn chất lượng nhất định và quá trình cung ứng sản phẩm ra thị trường. Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, quá trình cung ứng cần được trao quyền cho tổ chức tập thể những người có quyền lợi liên quan, trực tiếp khai thác và sử dụng thương hiệu. Chính quyền và các cơ quan chức năng sẽ đóng vai trò định hướng, quy hoạch, hỗ trợ và kiểm soát từ bên ngoài theo chức năng quản lý nhà nước.