Những ngày qua, hàng trăm người dân sinh sống ven kênh 18, thuộc ấp 18, ấp 19 và một số tuyến nội đồng thuộc địa bàn xã Vĩnh Bình, huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu bức xúc trước tình trạng nước ở dòng kênh bị ô nhiễm trầm trọng kéo dài, bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, người dân phải “cầu cứu’ khắp nơi.
Ghi nhận phản ánh của người dân ấp 18, ấp 19 xã Vĩnh Bình huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu, phóng viên Đại đoàn kết có mặt tại khu vực ô nhiễm nguồn nước, theo những người dân ở đây cho biết, tình trạng ô nhiễm diễn ra khoảng hơn 3 tuần qua đến nay, họ phải chứng kiến tình trạng dòng kênh, là nguồn nước tưới tiêu chính cho sản xuất nông nghiệp bỗng nhiên bị bốc mùi hôi thối, ô nhiễm khiến sản xuất của bà con bị đình trệ.
Ghi nhận ở đây cho thấy, nước kênh màu đen xì, bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp hàng trăm ha lúa Đông Xuân. Nghiêm trọng hơn đoạn kênh ở ấp 18 dài hơn 2 km nguồn nước bị ô nhiễm những ngày qua khiến cho nhiều hộ trồng màu, trồng lúa lo lắng như ngồi trên đống lửa vì đã xuất hiện tình trạng lấy nước tưới khiến hoa màu héo úa hàng loạt.
Nói về nguyên nhân nước dòng kênh bị ô nhiễm, nhiều người dân cho rằng do cơ sở sơ chế tôm Huyền Trân ở ấp 18 xã Vĩnh Bình xả chất thải xuống kênh.
Tỏ ra bức xúc khi chứng kiến nước kênh đen bất thường, bốc mùi hôi thối khó chịu, ông Nguyễn Văn Thanh ở ấp 18 cho biết, “Tình trạng này xảy ra từ khi có cơ sở chế biến tôm Huyền Trân hoạt động hơn 1 năm nay, chứ trước giờ nước sông ở đây không hề bị ô nhiễm. Người dân không bơm nước lên trồng trọt được, chăn nuôi cũng không được làm thất thu của người dân rất lớn. Tình trạng ô nhiễm này đã xảy ra hơn 1 năm nay nhưng nghiêm trọng nhất là hơn 1 tháng trở đây. Người dân chúng tôi mong chính quyền địa phương sớm giải quyết dứt điểm để bà con có một môi trường sống không bị ô nhiễm".
Đáng lo ngại là những ngày qua, nhiều hộ dân trồng lúa tại hai ấp 18, ấp 19 lo lắng đến mất ăn mất ngủ khi nguồn nước ô nhiễm chảy từ kênh nhuộm đen các nhánh kênh nội đồng khiến nhiều diện tích lúa héo quắt, chết dần chết mòn.
Anh Phạm Thế Anh nông dân ở ấp 18, xã Vĩnh Bình cho hay, hơn 1 tuần trước anh bơm nước sông lên ruộng lúa khiến cho hơn 1,5 ha lúa Đông Xuân đang trổ bông bị chết mòn, héo hắt. Anh Thế Anh khẳng định, lúa tôi đang trổ bông nhưng bị nguồn nước ô nhiễm khiến lúa cháy lá, chết thân.
Cạnh ruộng lúa của anh Phạm Thế Anh, hơn 2 công màu trồng ớt của anh Đinh Văn Đua cũng đang rủ lá, hư trái do lấy nguồn nước ô nhiễm từ kênh 18 lên tưới. “Giờ ớt đang gần thu hoạch mà khô lá, chết dần, tôi không dám lấy nước tưới lên nữa vì quá hôi thối ô nhiễm. Bao nhiêu công sức giờ như đổ sông đổ biển, khổ quá”, anh Đua ngậm ngùi nói.
Tương tự trường hợp anh Đua, gần 1 công rẫy trồng rau má của ông Trần Văn Việt ở ấp 18 đang xanh tốt khi lấy nước kênh lên tưới liền bị héo chết dần dần. “Mong chính quyền làm sao cho nguồn nước không bị ô nhiễm cho người dân canh tác, bao nhiêu công sức đổ ra mà không thu hoạch gì được”, ông Việt bức xúc nói.
“Nguồn nước này quá ô nhiễm làm sao sản xuất nông nghiệp được. Cống không xả nước thải ô nhiễm, khiến nước ứ đọng ở đây trong khi nhiều tháng nay tại đây không có mưa làm ô nhiễm càng nghiêm trọng, ảnh hưởng cả khu vực sản xuất rộng lớn. Tôi không biết nên bơm nước lên, làm lúa lém hạt hết. Chúng tôi yêu cầu dứt khoát không cho cơ sở chế biến tôm Huyền Trân hoạt động nữa ảnh hưởng không chỉ người dân trong ấp 18 mà nhiều ấp khác, người dân ở đây sao sống nỗi, lúa thu hoạch xong không ai dám bơm nước lên xạ lại, tưới màu còn không dám tưới nữa, ô nhiễm vậy sau dân chịu nỗi”, lão nông Phạm Văn Hùng ấp 18 bức xúc trình bày.
Theo người dân ở đây, khi chứng kiến một khúc kênh bị ô nhiễm, người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay các ngành chức năng vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm và hướng xử lí cụ thể.
Trao đổi về vấn đề trên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình Nguyễn Văn Nguyên cho biết, “khi người dân phản ảnh chúng tôi đã vô khảo sát thực tế, lấy mẫu nước xét nghiệm và đã vào làm việc với chủ cơ sở chế biến tôm Huyền Trân yêu cầu ngừng hoạt động khoảng 3 tuần nay để cơ quan chức năng vào cuộc xác định đúng sai lúc đó có hướng xử lý”.
Còn ông Văn Hoàng Nam, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường(TN&MT) huyện Hoà Bình tỉnh Bạc Liêu cho biết: "Khi có dư luận của người dân, chúng tôi đã lập đoàn xác minh, lập biên bản kiểm tra yêu cầu ngưng hoạt động vì chưa đảm bảo giấy phép về môi trường. Nước oử kênh hôi thối không chỉ có riêng tuyến kênh ở ấp 18 mà nhiều tuyến khác trong khu vực đó cũng bị ô nhiễm. Ngoài ra còn có lý do lục bình ở kênh chết cũng là nguyên nhân gây bốc mùi. Riêng đoạn kênh ở ấp 18 thì ô nhiễm nghiêm trọng hơn, hiện nay chúng tôi đã lấy mẫu nguồn nước gửi Sở TN&MT để xác định nguyên nhân ô nhiễm..."
“Cơ sở chế biến tôm Huyền Trân có giấy phép kinh doanh nhưng chưa có giấy phép về đánh giá tác động môi trường. Hiện nay cơ sở này đang thuê tư vấn làm thủ tục đánh giá tác động môi trường. Điều kiện đăng ký kinh doanh phải đủ các thủ tục về giấy phép, khai báo thuế, đánh giá tác động môi trường. Khi có dư luận người dân phản ánh, chúng tôi vào kiểm tra ngay ngày cơ sở không hoạt động, đoàn cũng đã đề nghị tạm ngưng hoạt động chừng nào hoàn chỉnh giấy phép mới cho hoạt động”, ông Văn Hoàng Nam, Trưởng Phòng TN&MT huyện Hoà Bình cho biết thêm...