Những năm qua, đặc biệt là những năm gần đây giáo dục vùng dân tộc thiểu số ở Bạc Liêu có rất nhiều khởi sắc. Mạng lưới, quy mô trường lớp được củng cố, phát triển đáp ứng được nhu cầu học tập của con em đồng bào người dân tộc thiểu số.
Ngày 24/11, Đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do bà Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu khảo sát về tình hình triển khai, kết quả thực hiện một số chính sách giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết, Bạc Liêu có dân số trên 900 nghìn người, với 3 dân tộc chủ yếu gồm: Kinh, Hoa, Khmer (trong đó dân tộc Khmer chiếm gần 8,51%, dân tộc Hoa chiếm 3%). Các dân tộc thiểu số sống cộng cư cùng với cộng đồng người Kinh ở khắp các địa bàn trên toàn tỉnh, nhưng tập trung đông ở các xã thuộc thành phố Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình và Hồng Dân.
Thời gian qua, công tác dân tộc và việc thực hiện các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu quan tâm và tăng cường chỉ đạo thực hiện nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, phát triển kinh tế, giảm nghèo. Trong đó, giáo dục vùng dân tộc thiểu số đã nhận được sự quan tâm đặc biệt thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển. Các chính sách về giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục ngày càng cao, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tỉnh đã hoàn thành xây dựng trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh thành trường phổ thông dân tộc nội trú có 2 cấp học (trung học cơ sở và trung học phổ thông) và đã tuyển sinh từ năm học 2020-2021.
Việc triển khai đầy đủ các chính sách giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Kết quả hằng năm, đối với bậc tiểu học, số học sinh hoàn thành chương trình lớp học, hoàn thành chương trình tiểu học đều đạt trên 96%, học sinh xếp loại mức đạt trở lên về năng lực và phẩm chất đạt trên 99%; Bậc Trung học cơ sở có số học sinh có hạnh kiểm xếp loại khá, tốt chiếm tỉ lệ 99,74%, không có học sinh xếp loại yếu; học sinh có học lực xếp loại khá, giỏi chiếm tỉ lệ 58,05 %; xếp loại yếu, kém chiếm tỉ lệ 2,6%. Bậc Trung học phổ thông có số học sinh có hạnh kiểm xếp loại khá, tốt chiếm tỉ lệ 99,32%, xếp loại yếu chiếm tỉ lệ 0,07%; học sinh có học lực xếp loại khá, giỏi chiếm ti lệ 66,28 %; xếp loại yếu chiếm tỉ lệ 1,36%.
Tỉnh Bạc Liêu đề xuất, Hội đồng Dân tộc tiếp tục quan tâm kiến nghị những cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên cho các trường học vùng dân tộc thiểu số; kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số chính sách đã ban hành nhưng không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay.. Kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí để tỉnh Bạc Liêu trang bị hạ tầng kĩ thuật, thiết bị phục vụ chuyển đổi số; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kĩ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ nhà giáo tại các đơn vị có đông đồng bào dân tộc thiểu số...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry nhấn mạnh, đợt khảo sát lần này nhằm đánh giá một cách khách quan tình hình triển khai, tổ chức thực hiện chính sách giáo dục, đào tạo đối với học sinh dân tộc thiểu số; làm rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu, cơ quan, đơn vị, các cơ sở giáo dục trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách giáo dục, đào tạo.
Bà Trần Thị Hoa Ry đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Bạc Liêu đạt được trong triển khai thực hiện các chính sách dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời mong muốn, UBND tỉnh Bạc Liêu tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Sở Giáo dục – Khoa học và Công nghệ tỉnh triển khai thực hiện tốt hơn nữa các chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Trong đó, cần quan tâm mở rộng qui mô trường lớp, đào tạo đội ngũ giáo viên đạt chuẩn theo qui định cũng như từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo kịp mặt bằng chung giáo dục toàn tỉnh.