Sức khỏe

Bác sĩ cảnh báo nguy cơ mắc liên cầu lợn từ món ăn ‘vạn người mê’

Hoàng Chiến 27/06/2024 18:16

Liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều trường hợp nguy kịch, thậm chí tử vong do mắc liên cầu lợn được ghi nhận…

Mới đây, ngày 26/6, thông tin từ Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận và điều trị cho người bệnh N.B.K. (42 tuổi, trú tại xã Minh Đài, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) nguy kịch do nhiễm liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh.

Trước khi vào viện 3 ngày, người bệnh có ăn tiết canh lợn và uống rượu. Sau ăn, xuất hiện mảng bầm tím vùng đùi trái và nhiều mảng bầm tím ở vùng ngực và được người nhà đưa vào TTYT Thanh Sơn khám, điều trị.

Các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc chẩn đoán trường hợp này bị nhiễm liên cầu lợn, rối loạn chuyển hóa lipid, xơ gan, lạm dụng rượu. Sau 5 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh ổn định.

Ngày 17/6, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam, 57 tuổi (ở Yên Bái) được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái chuyển đến với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn theo dõi do liên cầu lợn.

Chỉ sau khi mổ lợn 3 tiếng, bệnh nhân có xuất hiện sốt, mệt mỏi, sau đó kèm theo có đau bụng, nôn nhiều. Bệnh nhân nhập cơ sở y tế gần nhà và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn theo dõi liên cầu lợn.

Ngày 7/6, Sở Y tế Yên Bái cũng thông tin về trường hợp một bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái khám vì sốt cách ngày không rõ nguyên nhân, kèm đau lưng, nóng rát thượng vị, ợ hơi, ợ chua nhiều. Ba ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân có ăn nem chua, nem nắm mua tại quán bia.

Kết quả chọc dịch não tủy nuôi cấy vi khuẩn và định danh hệ thống tự động cho thấy bệnh nhân dương tính với liên cầu lợn. Các bác sĩ cho rằng nem sống có thể là nguồn truyền khuẩn.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, BS Lê Văn Thiệu (Khoa nhiễm khuẩn tổng hợp - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho hay, mắc liên cầu lợn không chỉ do ăn các món tái, sống, tiết canh mà còn có thể lây truyền thông qua các tổn thương, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín.

BS Thiệu cho biết, trong thời gian qua cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp nguy kịch, thậm chí tử vong do mắc liên cầu lợn. Nhiều trường hợp sau điều trị vẫn để lại nhiều di chứng.

Thông tin thêm, BS Thiệu cho hay, nhiễm liên cầu lợn có nhiều thể bệnh nhưng có 2 thể chính là: Thể nhiễm trùng huyết và viêm màng não.

Trong đó, với thể nhiễm trùng huyết, bệnh sẽ diễn biến rất nhanh và nặng. Bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng rối loạn đa cơ quan. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.

Thể thứ hai là viêm màng não, thường tiên lượng điều trị sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ có những biến chứng về lâu dài như liệt, các di chứng về mặt thần kinh.

Do đó, bác sĩ nhấn mạnh, người dân tuyệt đối không nên ăn tiết canh lợn, trong trường hợp thích ăn tiết canh có thể chuyển sang hấp chín để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, trong quá trình tham gia giết mổ lợn, người dân cần thực hiện các biện pháp bảo hộ an toàn như đeo găng tay, hạn chế tối đa các trầy xước trên da,... để tránh nhiễm bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bác sĩ cảnh báo nguy cơ mắc liên cầu lợn từ món ăn ‘vạn người mê’