Bác sĩ kê thuốc gan cho bệnh nhân thận, kháng sinh không rõ mục đích điều trị?

Hoàng Sa 13/12/2022 18:48

Kê thuốc gan cho bệnh nhân thận, kê thuốc kháng sinh không rõ mục đích điều trị, thuốc trong danh mục được hưởng BHYT nhưng lại chỉ định bệnh nhân tự túc mua,… là những sai sót của bác sỹ tại Bệnh viện Bạch Mai được xác định khi có những phản ánh của bệnh nhân.

Bệnh nhân B.T.D. (66 tuổi, trú tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) được các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán sỏi thận phải (P), teo thận trái (T). Được chỉ định tán sỏi thận phải, đặt JJ (P). Một tháng sau tán sỏi, bệnh nhân D. tới bệnh viện rút Sonde JJ theo lời dặn của bác sĩ.

Ngày 28/9/2022, bệnh nhân D. tới Bệnh viện Bạch Mai và được chỉ định khám, làm một số xét nghiệm để rút Sonde JJ. Những chi phí khám lại, làm xét nghiệm của bệnh nhân được tính toán hưởng theo chế độ % theo BHYT.

Tuy nhiên, bệnh nhân D. lại được bác sĩ Cù Trung Kiên (Phòng khám chuyên khoa Ngoại tổng hợp) kê đơn và chỉ định đơn thuốc “tự túc” với 3 loại thuốc: Direntab 400 – US 400 mg (30 viên, ngày uống 2 lần, mỗi lần 1); Ocehepa 3000 mg (30 gói, ngày bôi 2 lần, mỗi lần 1); Ultracet 37,5 mg/325 mg (10 viên, ngày uống 2 lần, mỗi lần 1).

Đơn thuốc sai, ảnh hưởng tới sức khỏe và quyền lợi người bệnh.

Người nhà bệnh nhân D. bày tỏ: Vấn đề các bác sĩ chỉ định bệnh nhân làm một số xét nghiệm trước khi rút Sonde JJ được bệnh nhân hiểu là cần cho quá trình thực hiện nên không thắc mắc vì cũng được tính một phần chi phí nhờ có BHYT. Tuy nhiên, khi bác sĩ Kiên kê đơn thuốc tự túc thì phía bệnh nhân không dám bày tỏ ý kiến thắc mắc về việc có được hưởng chế độ thuốc BHYT hay không. Chỉ đến khi mua thuốc về nhà xem lại đơn thuốc với hướng dẫn, chỉ dẫn dùng thuốc thì mới khó hiểu và hoang mang khi loại thuốc Ocehepa 3000 mg được cho là thuốc điều trị bệnh về gan (chống chỉ định với những bệnh nhân mắc bệnh về thận, dùng cho đường uống) nhưng trong đơn lại được chỉ dẫn dùng cho đường bôi.

Người thân của bệnh nhân D. có gọi điện theo số điện thoại của bác sĩ Kiên để thắc mắc nhưng nhiều lần không thấy bác sĩ Kiên nghe máy. Qua tìm hiểu, tham vấn ý kiến của các chuyên gia mới được biết việc kê đơn, chỉ định dùng thuốc của bác sĩ Kiên có vấn đề, ảnh hưởng xấu tới tình trạng bệnh thận…

Thông tin về những phản ánh của bệnh nhân với PV, bác sĩ Kiên cho rằng: Những chỉ định sử dụng trong đơn thuốc là do phần mềm điện tử dẫn đến sự nhầm lẫn chỉ dẫn với các bệnh nhân. Bác sĩ Kiên là phẫu thuật viên tiêu hóa (mổ dạ dày, đại tràng, thoát vị bẹn) và vì lượng bệnh nhân đông (bình quân mỗi ngày khám chữa cho 50 bệnh nhân) nên không tránh khỏi những nhầm lẫn, đề nghị liên hệ làm việc với bệnh viện…

Ngày 25/10/2022, PV đã liên hệ và xin ý kiến bệnh viện về những vấn đề liên quan nhưng phải đến gần một tháng sau Bệnh viện Bạch Mai mới có thông tin phản hồi với lý do phải xác minh thông tin của bệnh nhân và đợi đến đợt “bình bệnh án, bình đơn thuốc” của bệnh viện.

Bệnh viện cần kiểm tra, rà soát lại những dấu hiệu sai phạm trong việc thực hiện chế độ BHYT, thuốc BHYT đối với bệnh nhân

Thông tin về vấn đề này, ngày 24/11/2022, Đại diện Bệnh viện Bạch Mai – BSCKII Trần Thái Sơn (PTP Kế hoạch tổng hợp) cho biết: Quy trình khám chữa bệnh của bệnh viện được ban hành theo quy trình, quy định theo tiêu chuẩn ISO, căn cứ theo các quy định của Bộ Y tế và các đơn vị sẽ căn cứ vào đó để thực hiện. Những bất cập hay những vấn đề chưa phù hợp đều có những đánh giá hàng năm về sự phù hợp trong quy trình mà bệnh viện đã ban hành. Có những năm các phòng ban của bệnh viện, bệnh viện tự đánh giá, có những năm bệnh viện sẽ mời đơn vị đánh giá độc lập (các đơn vị được cấp phép để tham gia giám sát và đánh giá trong lĩnh vực y tế). Việc kê đơn thuốc cho người bệnh đến khám chữa bệnh được thực hiện theo các thông tư, văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế. Bản thân bệnh viện cũng có những công văn, chỉ đạo cho các đơn vị thực hiện triển khai. Việc kê đơn thuốc phải đảm bảo tuân thủ theo hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị. Mỗi thành phần thuốc phải phù hợp với hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị cũng như tờ hướng dẫn sử dụng của từng sản phẩm thuốc được Bộ Y tế cấp phép.

Theo ông Sơn cho biết: Chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Cù Trung Kiên đã được Bộ Y tế cấp phép (ngày 29/9/2017) với phạm vi hoạt động chuyên môn là “Khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa Ngoại”. Việc bác sĩ Kiên khám bệnh cho bệnh nhân D. là phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trên chứng chỉ hành nghề.

Trước câu hỏi về chứng chỉ hành nghề và chuyên môn nghiệp vụ của bác sĩ Kiên có thể khám, chữa bệnh và kê đơn thuốc đối với bệnh nhân thận là được phép hay không, ông Sơn không khẳng định mà lý giải rằng: Thận cũng thuộc chuyên khoa Ngoại. Còn theo phạm vi hoạt động chuyên môn sẽ được đối chiếu với Thông tư số 35 (Thông tư số 35/2019/TT-BYT ngày 30/12/2019 của Bộ Y tế Quy định phạm vi hoạt động chuyên môn đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh) là đảm bảo và phù hợp. Việc bác sĩ Kiên khám, kê đơn thuốc cho bệnh nhân “không trái với chứng chỉ hành nghề được cấp”.

Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp – TS. Triệu Văn Trường không nhớ bác sĩ Kiên về làm việc tại bệnh viện từ khi nào nhưng cho biết: bác sĩ Kiên tốt nghiệp đại học và được đào tạo là bác sĩ đa khoa, sau đó học thạc sỹ về Ngoại khoa, làm việc trong môi trường khoa Ngoại tổng hợp. Trong Khoa ngoại tổng hợp có nhiều mặt bệnh và các bác sĩ phải cùng nhau làm việc, cả về niệu, ngoại tiêu hóa và ngoại niệu khoa. Ngoài chuyên môn là mổ còn phải khám bệnh, vì vậy các bác sĩ đều phải thực hiện các nhiệm vụ là khám. Về giấy tờ, bằng cấp bác sĩ Kiên đủ điều kiện để khám cho bệnh nhân. Bác sĩ Kiên được phân công làm về tiêu hóa, một phần nhỏ về tiết niệu. Tiết niệu là liên quan đến nhiều vấn đề chứ không chỉ liên quan đến thận. Bác sĩ Kiên có thế mạnh làm về tiêu hóa một phần và phần nhỏ tiết niệu.

Theo ông Sơn, phản ánh liên quan tới việc bác sĩ Kiên kê đơn thuốc cho bệnh nhân D. đã được Hội đồng bình bệnh án, bình đơn thuốc (Hội đồng) của bệnh viện đưa ra sau khi xem xét bệnh án, việc khám và kê đơn thuốc của bác sĩ Kiên đối với bệnh nhân. Hội đồng đánh giá:

Việc chẩn đoán là chưa rõ ràng vì “rút Sonde JJ” chỉ là kỹ thuật chứ không phải là một bệnh nên không thể là chẩn đoán và chưa thực sự phù hợp. Bệnh nhân đã được làm các xét nghiệm trước đó rồi, đáng lẽ có thể chẩn đoán là bệnh nhân có bị suy thận, không suy thận hay như thế nào… mới được gọi là chẩn đoán.

Việc điều trị cũng có nhiều thiếu sót khi bác sĩ Kiên kê cho bệnh nhân 3 loại thuốc thì thuốc Direntab 400 – US 400 mg và thuốc Ultracet 37,5 mg/325 mg là hoàn toàn có thể cấp phát cho bệnh nhân theo BHYT nhưng không hiểu vì lý do gì lại chỉ định bệnh nhân ra ngoài mua.

Việc chỉ định đơn phải có số lượng thuốc dùng trong ngày, số lượng dùng cho 1 lần và thời gian dùng. Tuy nhiên đơn của bác sĩ Kiên kê cho bệnh nhân lại không cụ thể số lượng dùng cho 1 lần và không thể hiện cụ thể hóa thời gian dùng thuốc. Bên cạnh đó, thuốc Ocehepa 3000 mg lại chỉ định đường dùng không chính xác (vì đường dùng là uống nhưng lại được chỉ định là bôi).

Việc sử dụng kháng sinh (thuốc Direntab 400 – US 400 mg) kéo dài 15 ngày, không rõ cho mục đích là dự phòng hay điều trị nhiễm khuẩn nào, nếu cho mục đích đường tiểu cũng không đúng vì kháng sinh này không khuyến cáo cho nhiễm trùng đường tiểu. Thuốc Ocehepa 3000 mg là thuốc bổ gan được chỉ định cho bệnh nhân là không phù hợp vì bệnh nhân có suy thận với Creatinin máu là 132 µmol/l, thuốc này lại được chỉ định dùng đường bôi là không phù hợp với thông tin trên sản phẩm và mục đích sử dụng thuốc. Tuy nhiên, theo ông Sơn thì việc bệnh nhân dùng những thuốc theo đơn này có những nguy, cơ hậu quả và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe ra sao thì chưa được Hội đồng đề cập tới. Biên bản bình bệnh án, bình đơn thuốc của Hội đồng không thể cung cấp vì liên quan tới nhiều trường hợp và vấn đề khác.

Ông Sơn cho biết, bác sĩ Kiên đã vi phạm nội quy, quy trình, quy chế khám chữa bệnh; vi phạm quy chế chuyên môn, chẩn đoán và kê đơn. Kết luận của Hội đồng đưa ra đã được cơ quan tham mưu, đề xuất áp dụng hình thức kỷ luật: Ngừng khám chữa bệnh trong vòng 12 tháng, kỷ luật cảnh cáo toàn bệnh viện, cắt 6 tháng thu nhập tăng thêm đối với bác sĩ Kiên; cắt mọi thi đua khen thưởng của bệnh viện đối với Khoa ngoại tổng hợp trong năm 2022.

Ông Sơn khẳng định, Bệnh viện sẽ cố gắng ban hành những quy trình ISO để các đơn vị thực hiện. Bệnh viện có phòng quản lý chất lượng riêng, có kiểm tra, giám sát; có đường dây nóng và tiếp nhận những kênh phản ánh và luôn xem xét nghiêm túc những phản ánh để kiểm soát tốt nhất những hoạt động của bệnh viện. Việc phản ánh tới bệnh viện từ bệnh nhân và những người dân rất thường xuyên. Tuy nhiên, cũng có những phản ánh đúng và cũng có những phản ánh thực sự chưa đúng. Bệnh viện luôn tiếp thu, tiếp nhận, xem xét cụ thể và thông tin lại với những phản ánh. Bệnh viện sẽ liên hệ, mời bệnh nhân D. xuống khám, kiểm tra để có thể đánh giá lại tình trạng sức khỏe.

Gia đình bệnh nhân cho biết, phía bệnh viện đã gọi điện mời bệnh nhân xuống khám lại vào ngày 7/12/2022 nhưng bệnh nhân D. và gia đình e ngại, không muốn vì cho là có thể do chính bác sĩ Kiên khám hoặc có thể là bác sĩ khác. Tuy nhiên, trao đổi về thông tin này, ông Sơn khẳng định: Dù chưa có quyết định chính thức nhưng hiện nay bác sĩ Kiên đang bị đình chỉ. Việc khám lại cho bệnh nhân sẽ được thực hiện bởi bác sĩ khác…

Qua sự việc, có thể thấy một số vấn đề về việc chỉ định khám chữa bệnh, thực hiện các chế độ về hưởng BHYT, thuốc BHYT của Bệnh viện Bạch Mai cũng cần được rà soát, kiểm tra, kiểm soát đảm bảo quy định, tránh thất thoát, tiêu cực; cần được chấn chỉnh, đảm bảo quyền lợi, sức khỏe, tính mạng và niềm tin với bệnh nhân. Bệnh nhân cũng cần tự trang bị cho mình những hiểu biết để có thể rà soát lại những sai sót, nhầm lẫn và kịp thời phản hồi tới các bác sĩ, tránh những rủi ro, tổn hại tới sức khỏe, tính mạng và quyền lợi được hưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bác sĩ kê thuốc gan cho bệnh nhân thận, kháng sinh không rõ mục đích điều trị?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO