Bài 2: Không khoan nhượng trong tinh giản biên chế

Lục Bình (thực hiện) 03/11/2017 08:35

Chúng ta đã thực hiện tinh giản biên chế từ nhiều năm nay nhưng rất tiếc biên chế vẫn phình ra. Nghị quyết số 18-NQ/TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả vừa mới được ban hành cũng có nhiều giải pháp để tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ. Tuy nhiên phải kiên quyết, không khoan nhượng trong tinh giản biên chế mới có nền hành chính hiệu lực, hiệu quả. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đã khẳng định như vậy với Đại Đoàn K


Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.

Nhà nước vẫn ôm đồm

PV: Cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chồng chéo, kém hiệu lực, hiệu quả là nhận định của nhiều người về bộ máy hành chính nhà nước, vì sao lại xảy ra tình trạng này thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Chúng ta đã thực hiện nhiều cuộc cải cách để xử lý những hạn chế liên quan đến tổ chức bộ máy. Trong các chương trình tổng thể cải cách nền hành chính nhà nước, chúng ta cũng chỉ rõ thực trạng này và có giải pháp khắc phục. Tiếc là thực hiện rồi mà hiệu quả chưa cao.

Nguyên nhân của thực trạng này chính là do nhận thức, tổ chức thực hiện còn yếu. Dù chúng ta đều biết bộ máy cồng kềnh, nhưng không có tỉnh nào, bộ ngành nào không xin tăng thêm biên chế, không thành lập tổng cục, không có cấp phòng trong các vụ. Rõ ràng trong ý thức của các Bộ ngành, địa phương vẫn chưa thay đổi, vẫn cho rằng bộ ngành mình nhiều việc quá, phải có bộ máy, biên chế như vậy mới đáp ứng yêu cầu công việc.

Một nguyên nhân nữa khiến bộ máy nhà nước cồng kềnh đó là hiện Nhà nước nắm rất nhiều việc, quản quá nhiều việc. Muốn nắm nhiều việc đương nhiên phải có tổ chức bộ máy, đội ngũ phải đông. Các bộ ngành có thể lý sự rằng tôi thực hiện nhiều việc như vậy phải có tổ chức, đội ngũ tương ứng mới làm được. Gốc vấn đề ở đây là chưa thiết kế được tổ chức bộ máy thế nào đảm bảo sự thông suốt, thống nhất, hiệu lực hiệu quả.

Do đó, trong quá trình cải cách phải nói rõ Nhà nước làm gì, quản gì, nắm cái gì. Theo tôi cái gì tư nhân làm được thì Nhà nước nên chuyển giao cho các tổ chức xã hội, tư nhân. Cái gì cũng muốn quản thì bộ máy phải phình to. Ngay cả bộ máy dịch vụ công dù xã hội hóa rồi nhưng còn nhiều lĩnh vực, dịch vụ công kể cả dịch vụ hành chính công, sự nghiệp công, dịch vụ công ích vẫn có yếu tố nhà nước.Cứ ôm đồm như vậy sao bộ máy chẳng cồng kềnh.

Vấn đề gộp các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ trùng nhau thì sao thưa ông?

- Đây cũng là một giải pháp góp phần tinh gọn bộ máy, vấn đề này cũng đã được đặt ra. Mới đây, Bộ Nội vụ cũng đề xuất gộp một số ngành có chức năng tương tự nhau như gộp sở Kế hoạch và đầu tư với Tài chính, Giao thông vận tải với Xây dựng, điều này có thể thực hiện được để gọn bộ máy. Nhưng khi nói đến việc gộp các sở này thì các Bộ chịu tác động lại phản đối.

Nhất thể hóa, chọn người đủ năng lực thì không “nặng gánh”

Hiện một số địa phương đã thí điểm nhất thể hóa mô hình bí thư kiêm chủ tịch HĐND, bí thư kiêm chủ tịch UBND, ông đánh giá thế nào vấn đề này?

- Mô hình thí điểm “bí thư kiêm chủ tịch” là chủ trương của Đảng theo Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2/2/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Qua thí điểm cho thấy, khi bí thư kiêm nhiệm chủ tịch, các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời hơn, tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của UBND.

Tuy nhiên, khó khăn trong quá trình thực hiện thí điểm nhất thể hóa là do chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức đảng, HĐND và UBND cấp xã hiện nay được quy định khá rộng, chưa phù hợp với thực tế và khả năng tổ chức thực hiện, công tác cải cách hành chính còn nhiều hạn chế. Vì vậy dễ dẫn đến tình trạng độc đoán, chuyên quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong trong lãnh đạo, điều hành công việc.

Theo tôi, không thể vì những vướng mắc mà chúng ta “né” việc nghiên cứu, thực hiện. Vấn đề là đang trong giai đoạn thí điểm thì hành lang pháp lý còn hổng, còn khi thực hiện thống nhất, những lỗ hổng này phải được khắc phục.

Nghị quyết Trung ương 6 ghi rõ, việc nhất thể hóa thực hiện ở những nơi “có điều kiện” chúng ta hiểu vấn đề này thế nào, thưa ông?

- Điều kiện ở đây trước hết phải là về con người, bí thư kiêm chủ tịch UBND, tức là hợp nhất giữa Đảng với hành pháp thì công việc rất nhiều, đòi hỏi con người phải có đủ năng lực thực hiện, không thì rất khó. Chọn người có đủ năng lực đảm trách thì việc dồn việc không dẫn tới “nặng gánh”, đảm bảo thông suốt. Điều kiện thứ hai là nơi đó cần có sự đồng thuận và nhất trí cao trong cấp uỷ và chính quyền, trong đội ngũ cán bộ, thống nhất cao sẽ làm được. Nơi nào còn hiện tượng bè cánh, đấu đá, muốn tranh việc, chia việc thì sẽ khó thành công. Là vị trí “2 trong 1” nên quan trọng nhất vẫn là con người.

Đảng ta đã nói nhiều về các biện pháp kiểm soát quyền lực kể cả lúc chưa nhất thể hoá vì mỗi vị trí đều có quyền lực cụ thể. Nhưng nhất thể hoá thì quyền lực tập trung hơn, nếu chọn người không đúng, lại là người thiếu tu dưỡng, rèn luyện, năng lực không đáp ứng yêu cầu lại lạm dụng quyền lực thì sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, điều quan trọng khi có quyền lực trong tay, phải có sự giám sát, phải có chế tài kiểm soát, tăng cường dân chủ hoá, tăng cường kiểm tra giám sát.

Ông có kỳ vọng Nghị quyết 18 được ban hành sẽ giúp nền hành chính hiệu lực, hiệu quả thông suốt?

- Trung ương cũng có nhiều nghị quyết về vấn đề này rồi, quy định đều đã có, vấn đề là khâu tổ chức thực hiện thôi. Tôi cho rằng vẫn phải là những giải pháp kinh điển, phải thống nhất về nhận thức, ý chí. Thống nhất rồi nhưng áp vào từng ngành, địa phương thì kiên quyết làm chứ cứ nói ngành tôi đặc thù thế nọ, thế kia là không được. Phải kiên quyết từ dưới lên trên. Thứ trưởng nhiều quá mức quy định có lỗi của các bộ trình nhưng cũng có trách nhiệm của Ban Bí thư. Nếu cấp trên không đồng ý sao có chuyện thừa thứ trưởng. Tôi cho rằng phải kiên quyết không khoan nhượng trong tinh giản biên chế. Nếu nơi nào vi phạm phải xử lý nghiêm.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 2: Không khoan nhượng trong tinh giản biên chế