Nợ đọng BHXH, câu chuyện không mới. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn là vấn đề nóng, bởi con số nợ tiền BHXH hàng năm vẫn cán mốc nghìn tỷ.
Người lao động trước nguy cơ mất trắng vì DN quỵt nợ BHXH. (Ảnh: H.Túy).
Nản lòng vì nợ đọng
Nản lòng, ngán ngẩm không còn là trạng thái cảm xúc của riêng NLĐ mà còn là “tâm tư” của ngành BHXH trước sự chây ỳ nợ đọng tiền BHXH của các doanh nghiệp. Xử phạt hành chính, kiện ra tòa…đều đã được ngành BHXH thực hiện triệt để, song con số nợ đọng vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Nếu như năm 2007 số nợ BHXH, BHYT là 1.734 tỉ đồng thì đến năm 2014 con số này lên tới 7.200 tỉ đồng.
Tính đến hết tháng 6/2015 tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN tại tỉnh Nghệ An lên tới 248,8 tỷ đồng. Trong số này, số nợ BHXH là 167,492 tỉ, nợ BHTN là 6,032 tỷ, nợ BHYT là 75,276 tỷ. Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, cơ quan BHXH tỉnh Nghệ An đã nỗ lực triển khai các giải pháp, trong đó có giải pháp được xem là mạnh tay nhất là khởi kiện. Chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, cơ quan BHXH đã tiến hành khởi kiện 15 đơn vị. Tuy nhiên tình trạng nợ đọng BHXH vẫn không giảm.
Tương tự tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, nợ BHXH ở TP HCM đã là 2.081 tỉ đồng. Ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. HCM cho biết, ở thành phố có rất nhiều doanh nghiệp nợ BHXH, cơ quan bảo hiểm kiện doanh nghiệp ra Tòa, Tòa tuyên án nhưng không thi hành án được vì doanh nghiệp không có tiền.
Liên quan tới vấn đề này, đại diện cơ quan BHXH Việt Nam thừa nhận, hiện cơ quan quản lý BHXH còn gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp nợ BHXH không xác nhận nợ với cơ quan quản lý nên cơ quan BHXH không hoàn thiện được hồ sơ khởi kiện. Trong khi đó khi đã khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng, việc thi hành án lại không thực hiện được. Do đó, số tiền thu hồi được sau khởi kiện cũng không lớn”.
Loay hoay tìm giải pháp
Làm thế nào để xử lý tình trạng nợ đọng BHXH? Theo Luật BHXH 2014 thì cơ quan BHXH đã được trao thêm chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, quy định này được ví như trao thêm “gậy” để cơ quan BHXH có thêm quyền lực để xử lý những DN cố tình chây ỳ nợ BHXH.
Dù vậy, công tác thanh tra sẽ không dễ dàng vì hiện tượng trốn đóng, nợ đọng BHXH hiện nay rất phức tạp. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tẩu tán tài sản bỏ trốn về nước ngoài. Hậu quả là hàng trăm nghìn LĐ rơi vào cảnh mất trắng vì DN bỏ trốn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó trưởng ban pháp chế BHXH Việt Nam cho biết, hiện nay dựa trên đề xuất của BHXH Việt Nam và Bộ LĐTB&XH, ba tội danh gồm gian lận BHXH, gian lận BHYT và trốn đóng BHXH, BHYT đã được đưa vào dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi để lấy ý kiến công khai.
Tuy mới chỉ là dự thảo, song đây được kỳ vọng là giải pháp mạnh hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH.