Quốc hội

Bãi bỏ thủ tục hành chính không hợp lý

Việt Thắng 25/03/2024 20:00

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, HĐND cần tiến hành tổng rà soát thủ tục hành chính do tỉnh tạo ra. Cái gì không hợp lý thì bãi bỏ, và tăng cường phân cấp, tạo ra nguồn lực để phát triển, thúc đẩy đầu tư công.

Chiều 25/3, phát biểu bế mạc hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, năm 2023 có thời cơ, thuận lợi, thách thức, khó khăn đan xen, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn dự báo nhưng đất nước đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Trong thành tích chung đó có đóng góp rất quan trọng của Quốc hội và cơ quan dân cử ở địa phương.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hội nghị năm 2022 đã nhận định có làn gió tươi mới trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan dân cử ở địa phương, đến hội nghị lần này càng khẳng định nhận định trên là đúng. Qua đó cho thấy “làn gió tươi mới” đã có phạm vi rộng hơn, tác động lan tỏa hơn, kết quả tốt hơn và đồng đều hơn năm trước.

Chủ tịch Quốc hội tính toán, khối lượng công tác HĐND năm qua là rất lớn. Theo đó HĐND các tỉnh thành đã tổ chức 357 kỳ họp, trung bình mỗi tỉnh tổ chức 5,6 kỳ họp/năm, trong đó có nhiều kỳ họp chuyên đề và kỳ họp bất thường.

Với số lượng lớn các kỳ họp được tổ chức như vậy, GS. TS Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội đánh giá số lượng nghị quyết được ban hành cũng ở mức kỷ lục với 6377 nghị quyết, trong đó có 1.681 nghị quyết có chưa quy phạm pháp luật. Điều đó cho thấy công tác lập pháp, lập quy của HĐND là rất lớn.

Về giám sát, theo Chủ tịch Quốc hội, có đến 1.322 đoàn giám sát ở 63 tỉnh/thành, qua đó phát hiện 13.273 vấn đề vướng mắc và bất cập. Năm 2023 cũng tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh ở cấp tỉnh và cấp huyện.

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá, hoạt động của HĐND ngày càng hiệu quả, sát thực, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ chung của địa phương. Thực tiễn đã chứng minh, những nơi HĐND hoạt động tích cực và hiệu quả, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, cấp ủy và sự chung tay của chính quyền địa phương thì đều có sự phát triển, có tốc độ tăng trưởng và thu ngân sách đạt khá. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của cơ quan dân cử. Các tỉnh đều có nhiều nỗ lực cố gắng, làn gió tươi mới lan tỏa ở các tỉnh thành đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ.

Trong năm 2024, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, tiếp tục tăng cường thực hiện chức năng của cơ quan dân cử ở địa phương. Trong đó, tập trung rà sát hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, tháo gỡ vướng mắc, khai thác tối đa nguồn lực. Căn cứ các luật, nghị quyết được ban hành đề có kế hoạch triển khai sâu sát đối với dự án Luật như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Căn cước, Luật Tài nguyên nước với nhiều nhiệm vụ được giao cho chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Quốc hội cũng yêu cầu tiến hành tổng rà soát thủ tục hành chính do tỉnh tạo ra, cái gì không hợp lý thì bãi bỏ, và tăng cường phân cấp, tạo ra nguồn lực để phát triển, thúc đẩy đầu tư công. Đổi mới toàn diện các hoạt động của HĐND bao gồm đổi mới kỳ họp HĐND cấp tỉnh, trọng tâm là kỳ họp HĐND cấp huyện. Tăng cường công tác dân nguyện tại địa phương, tăng cường tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tổ cáo, đổi mới tiếp xúc cử tri. Quan tâm thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đồng thời các cấp cần quan tâm quy hoạch đội ngũ cán bộ, đại biểu HĐND các cấp, giới thiệu nhân sự để tiến tới Đại hội Đảng các cấp, đóng góp tích cực xây dựng chính sách và sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bãi bỏ thủ tục hành chính không hợp lý

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO