Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức khép lại nhiệm kỳ cuối cùng của ông tại Nhà Trắng trong ngày hôm nay, bằng một bài phát biểu tạm biệt tổ chức tại Chicago, xuất phát điểm của ông, với mong muốn vực dậy tinh thần của những người ủng hộ mình sau chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Chuyến công du cuối cùng của ông Obama trên chiếc Không lực Một sẽ là chuyến hành hương về quê nhà của ông, nơi ông có bài phát biểu vào khoảng 21h00 ngày 10/1 (khoảng 9h00 sáng ngày 11/1 giờ VN) tại một địa điểm rất gần nơi mà ông từng chấp nhận đề cử vị trí Tổng thống cách đây 8 năm.
Những người ủng hộ ông - phần lớn là người Mỹ gốc Phi - trước đó đã bất chấp cái lạnh đóng băng ở thành phố chicago để tới nhận những tấm vé mời miễn phí, giờ được bán trên Internet với giá khoảng 1.000 USD mỗi chiếc. Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, Phó Tổng thống Joe Biden cùng phu nhân Jill Biden cũng đồng hành cùng ông.
Chuyến hành trình xuyên đất nước của ông Obama dường như trở thành một sự kiện đáng nhớ hơn do ông sắp phải có một kỳ chuyển giao quyền lực đầy khó khăn. Tổng thống đắc cử Donald Trump từng tuyên bố sẽ hủy bỏ di sản của ông Obama và phá vỡ mọi truyền thống trong chính trường Mỹ.
Kỳ bầu cử Tổng thống 2016 vừa qua đã làm dấy liên nhiều câu hỏi đáng quan ngại về khả năng phục hồi của nền dân chủ Mỹ. Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, cộng đồng tình báo Mỹ mới đây đã cáo buộc Moscow can thiệp bầu cử để gây ảnh hưởng có lợi cho ông Trump. Đảng Dân chủ Mỹ dường như tan tác sau khi để thua cả cuộc đua vào Nhà Trắng, Thượng viện lẫn Hạ viện… và đang vất vả tìm cách xốc lại lực lượng.
Hiện nay, với tỷ lệ ủng hộ lên tới 55%, ông Obama hy vọng rằng ông sẽ truyền cảm hứng cho các thành viên đảng Dân chủ để họ sẵn sàng cho các cuộc đấu tranh mới.
Người soạn diễn văn chính của ông Obama, ông Cody Keenan, hé lộ rằng bài phát biểu sẽ nói về viễn cảnh của ông Obama về hướng đi mà nước Mỹ lựa chọn, thay vì công kích ông Trump.
Kế hoạch đảo lộn
Kiểu chính trị được cho là không chính thống của ông Donald Trump đã đẩy quá trình chuyển giao quyền lực và các kế hoạch sau khi hết nhiệm kỳ của ông Obama vào chỗ rối loạn. Obama, người từng tuyên bố sẽ có một kỳ chuyển giao suôn sẻ, đã tự nhận thấy rằng bản thân ông ngày càng chỉ trích ông Trump nhiều hơn khi gần ngày rời Nhà Trắng.
Đương nhiên ông Obama vẫn giữ nguyên kế hoạch tổ chức một kỳ nghỉ dài và viết tự truyện sau khi hết nhiệm kỳ, nhưng không thể tránh khỏi việc bị kéo vào một cuộc đấu đá chính trị mới nếu như Trump thực hiện điều mà ông từng tuyên bố trước đây: Cấm người Hồi giáo tới Mỹ, hay xây bức tường ngăn với Mexico…
Đã từng tuyên bố sẽ rút lui vào hậu trường chính trị, nhưng ông Obama khó có thể trở thành công như một trong người tiền nhiệm của mình trước đây, Tổng thống Jimmy Carter - người thậm chí còn nổi tiếng hơn với tư cách một nhà diễn thuyết có tiếng nói sau khi hết nhiệm kỳ.
Nhiều cố vấn của ông Obama, những người đã lên sẵn kế hoạch đi nghỉ dài hạn sau khi ông Obama rời Nhà Trắng, cũng phải xem xét lại kế hoạch của mình vì lo ngại trước ông Trump. Ngay cả tổ chức của ông Obama cũng đã được chuyển đổi để đóng vai trò chính trị nhiều hơn - giới thiệu những người trẻ tuổi ưu tú để phục vụ cộng đồng, trở thành các chính trị gia tương lai.
Vì sao ông Obama lựa chọn Chicago?
Các đời Tổng thống Mỹ kể từ Tổng thống George Washington đã có truyền thống phát biểu tạm biệt khi hết nhiệm kỳ. Thông điệp gồm 7.641 từ mà Tổng thống Washington đưa ra - đến nay vẫn được đọc mỗi lần một năm ở Thượng viện như một truyền thống - bao gồm cả những lời cảnh báo về chủ nghĩa bè phái và sự can thiệp của các thế lực nước ngoài.
Tuy nhiên, mỗi đời Tổng thống lại có cách đưa ra bài phát biểu theo cách riêng của họ: Tổng thống George W. Bush và Bill Clinton có bài phát biểu ngay tại Nhà Trắng, Tổng thống George H.W Bush thì tới West Point để đưa ra bài phát biểu phần lớn nói về chính sách ngoại giao…
Theo ông Keenan, chuyến đi của ông Obama tới Chicago và lựa chọn nơi này để đưa ra bài phát biểu cuối cùng với tư cách Tổng thống không chỉ đơn thuần là một nỗi nhớ quê hương.
“Tư tưởng đã chạy xuyên suốt sự nghiệp của ông ấy từ những ngày ông còn là một nhà tổ chức cộng đồng, cho tới khi vào Nhà Trắng, là; Nếu như bạn tập hợp những người dân với nhau và phổ biến cho họ, làm cho họ trở nên mạnh mẽ, hướng cho họ hoạt động nào đó, thì điều tốt đẹp sẽ xảy ra” - ông Keenan nói.
“Đối với ông Obama, người khởi điểm là một nhà tổ chức cộng đồng, người có chiến dịch thành công nhờ những con người trẻ tuổi, những người bình thường, chúng tôi tôi quyết định rằng sẽ trở về Chicago” - ông Keenan nói thêm, nhấn mạnh rằng Chicago chính là nơi vun vén cho sự nghiệp của ông Obama.