Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương đã làm hơn 30 người thiệt mạng. Ngoài ra còn có hàng chục nạn nhân bị thương vẫn đang được điều trị tại các bệnh viện. Trong những năm qua, đã có những vụ việc thảm khốc tương tự, khiến nhiều người thương vong.
Kinh hoàng các vụ cháy quán karaoke
Tới 4h sáng ngày 7/9, lực lượng cứu hộ đã phát hiện những thi thể nạn nhân đầu tiên và đưa ra ngoài. Con số thương vong liên tục tăng sau đó. Tới sáng 8/9, theo thông tin từ Công an tỉnh Bình Dương cho biết tại họp báo về vụ cháy cơ sở kinh doanh Karaoke An phú (Phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), vụ cháy đã làm thiệt mạng 32 người (bước đầu xác định tung tích nạn nhân gồm 15 nữ, 17 nam). Ngoài ra còn hàng chục người bị thương...
Quán karaoke bị cháy cao 3 tầng, 29 phòng, có diện tích sàn xây dựng khoảng 1.500 m2, trong đó diện tích cháy khoảng 400 m2, nằm ở khu vực tầng 2, 3. Quán chứa nhiều vật liệu trang trí nội thất và gỗ khiến ngọn lửa bùng phát nhanh và mạnh, dẫn đến hậu quả đau lòng.
Cũng tại cuộc họp báo sáng 8/9, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết vụ cháy xuất phát từ sự cố chập điện từ vách cách âm của quán. Nguồn nhiệt phát sinh nhanh sau đó gây cháy diện rộng.
Mới cách đây mấy tháng, câu chuyện đau lòng tương tự cũng đã diễn ra. Khoảng 13h30 ngày 1/8, quán karaoke số 231 phố Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) xảy ra cháy lớn. Khu vực xuất phát cháy tại tầng 3, cháy lan lên các tầng trên và lan xuống các tầng bên dưới của tòa nhà.
Hàng chục chiến sĩ cảnh sát PCCC ngay sau đó đã có mặt, với tinh thần dũng cảm không quản ngại khó khăn nguy hiểm để dập tắt đám cháy.
Không may, 3 cán bộ, chiến sĩ gồm Trung tá Đặng Anh Quân (Đội trưởng Đội PCCC&CNCH), Trung uý Đỗ Đức Việt (binh nhì), Nguyễn Đình Phúc (chiến sĩ nghĩa vụ), đều thuộc Công an quận Cầu Giấy khi lên tới tầng 4 thì cầu thang bị sập, ngăn đứt đường vòi chữa cháy, trần nhà bất ngờ sập xuống đè vào người khiến các anh hy sinh.
Trước khi hy sinh, 3 cán bộ, chiến sĩ đã triển khai tổ chức chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, hướng dẫn đưa 8 người ra ngoài an toàn.
Cũng một vụ cháy nữa chúng ta có thể nhớ lại, là vụ cháy xảy ra ở quán karaoke 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy) vào cuối năm 2016, làm 13 người thiệt mạng.
Một vụ cháy quán karaoke khác ở Giảng Võ (Đống Đa, Hà Nội) cách đây 8 năm khiến 5 người tử vong cũng trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân sinh sống quanh khu vực này.
Vụ cháy xảy tại quán karaoke Nhật Thực ở số 4B, ngõ 43 Giảng Võ khi quán này đang hoạt động vào trưa 3/5/2014. Ngôi nhà dùng làm quán karaoke này có 4 tầng và một tum nằm trên diện tích đất rộng khoảng 100 m2. Đám cháy khiến toàn bộ quầy bar cùng tầng 1 của ngôi nhà, biển quảng cáo phía trước bị ngọn lửa thiêu rụi.
Lực lượng phòng chữa cháy đã cấp cứu các nạn nhân ngay trên tầng thượng. Có 5 người đã tử vong gồm 2 nạn nhân tử vong tại tầng 2 và 3 nạn nhân tử vong tại tầng 3. Trong số này, có 1 phụ nữ chết ngạt trong phòng vệ sinh.
Vì lợi nhuận nên hoạt động bất chấp quy định PCCC
Đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy cho rằng: Hầu hết các trường hợp hỏa hoạn xảy ra với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đều để lại những hậu quả hết sức đau lòng.
“Nguy cơ cháy nổ đối với loại hình kinh doanh dịch vụ này rất cao bởi cả hai yếu tố chính là chất cháy và nguồn nhiệt” - Đại tá Xiêm nhận định.
Cụ thể, theo vị chuyên gia này, chất cháy tại các quán karaoke hiện nay đều có tải trọng rất lớn, bao gồm gỗ, xốp, lớp phủ trang trí vật liệu bằng nhựa. Đây đều là những chất dễ bắt lửa; đồng thời tỏa ra lượng khí lớn và rất độc hại cho sức khỏe con người.
“Theo nghiên cứu của chúng tôi trước đây, yếu tố tác động nguy hiểm nhất trong một vụ hỏa hoạn đầu tiên là khói. Bên trong đó có những loại khí cực độc mà chỉ cần 10 - 30mlg/m3 đã rất đáng sợ, có khả năng gây mất cảm giác, ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh con người. Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh karaoke để phục vụ kinh doanh đều làm hệ thống cách âm rất kín, bịt mọi lỗ thông ra bên ngoài bằng các vật liệu dễ cháy. Hầu hết các vụ hỏa hoạn, phần lớn các nạn nhân tử vong do ngạt khi hút phải khói” - Đại tá Xiêm phân tích.
Đồng tình với quan điểm này, theo nhận định của một cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Hà Nội, thực tế cho thấy, cơ sở kinh doanh karaoke có đặc điểm kiến trúc thường rất kín để tránh tiếng ồn sang nhà lân cận, mặt trước công trình hầu như bị che chắn để làm biển hiệu quảng cáo; điều kiện thông gió gần như không có, khi xảy cháy sẽ xảy ra hiện tượng tụ khói.
“Đây cũng là nơi tồn chứa nhiều chất dễ cháy như bàn ghế, phông rèm, cách âm, thảm nền bằng mút, xốp, cao su, bông vải sợi…, do đó khi cháy có tốc độ cháy lan cực nhanh, tỏa nhiều khói, khí độc”, vị cán bộ bổ sung thêm.
Yếu tố nguy cơ thứ hai phải kể tới theo Đại tá Xiêm là nguồn nhiệt, mà chủ yếu trong số đó là nhiệt điện. Theo nguyên Phó Giám đốc trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, chủ các cơ sở kinh doanh karaoke chưa tuân thủ các quy định an toàn.
“Khi trình để xin cấp phép, hệ thống điện bao gồm loại dây, công suất tiêu thụ đều rất chuẩn, nhưng trong quá trình sử dụng, chủ các cơ sở lại tự ý cải tạo, nâng cấp và lắp thêm các thiết bị tiêu thụ điện khác dẫn tới tình trạng quá tải, vượt xa lúc thẩm định.
Họ tìm mọi cách đều giấu kín việc này khiến cơ quan chức năng rất khó khăn để phát hiện và xử lý. Chưa kể có những cơ sở kinh doanh đến 20 năm nhưng vẫn sử dụng hệ thống điện cũ. Điều này rất nguy hiểm và gây ra nguy cơ cao” - Đại tá Xiêm chia sẻ.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết, khi Quốc hội khóa 14 giám sát tối cao về phòng cháy chữa cháy, đã có Nghị quyết yêu cầu Chính phủ, Bộ Công an, địa phương rà soát, hoàn thiện pháp luật, thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ, đầu tư cho con người và phương tiện phòng cháy.
"Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ở quán karaoke An Phú là bài học đau xót. Cơ quan chức năng sẽ điều tra và tìm nguyên nhân, song một phần lỗi phải từ công tác quản lý nhà nước, thể hiện sự yếu kém" - ông Nhưỡng nói.
Về vấn đề xử lý trách nhiệm chính quyền địa phương, ông Nhưỡng cho rằng phải xem lại toàn diện các quy trình, quy định. Người đứng đầu đương nhiên phải chịu trách nhiệm toàn diện, nhưng cần xem xét từng khâu, từng lĩnh vực quản lý chuyên môn để truy trách nhiệm cụ thể.
"Bởi vậy, việc tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường nên được tiến hành thường xuyên chứ không phải sau mỗi vụ hoả hoạn chết người. Cần cương quyết dẹp bỏ những cơ sở không đủ điều kiện hoạt động, bổ sung thêm những biện pháp đảm bảo an toàn cho khách hát. Nếu không, câu chuyện đau lòng sẽ chưa dừng ở đây…" - ông Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm.