Việc có người Việt Nam bị chết trong chiếc container đông lạnh ở Anh đang là vấn đề quan tâm của cả nước. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an, UBND các tỉnh, các địa phương, cơ quan liên quan khẩn trương xác minh, làm rõ, có xử lý phù hợp, theo pháp luật Việt Nam, quốc tế. Đặc biệt điều tra, phát hiện các vụ việc đưa công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, xử lý nghiêm vi phạm. Từ đây cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm của các cơ quan quản lý địa phương và các ngành liên quan.
Xung quanh sự vụ nói trên, các cơ quan chức năng ở Anh, quốc tế và Việt Nam đang tích cực làm rõ. Các địa phương liên quan, nhất là các gia đình có con em đi nước ngoài nghi bị chết cũng đang trình báo, cung cấp các dữ liệu nhân thân, để có các kết luận chính xác và cách giải quyết phù hợp. Rồi đây những vấn đề cụ thể như các cá nhân người Việt ấy đã ra đi như thế nào, hợp pháp hay không, hoặc đường dây nào đã đưa xuất cảnh trái phép…sẽ phải được điều tra, làm rõ như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời phải được xử lý nghiêm minh để làm gương.
Pháp luật hình sự Việt Nam đã quy định rõ về các hành vi xuất cảnh trái phép, nhất là việc tổ chức xuất cảnh trái phép. Điều 120 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài, dù mới chuẩn bị phạm tội cũng bị phạt tù từ 1-5 năm. Trường hợp tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân còn bị phạt tù từ 5-15 năm; trường hợp đặc biệt nghiêm trọng còn bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.
Chuyện về pháp luật hình sự xin để cho các nhà chuyên môn phân tích. Ở đây chỉ xin bàn đôi chút về trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan liên quan, nơi có những người là nạn nhân bị lừa đảo, dụ dỗ ra nước ngoài, trốn ở lại nước ngoài làm việc. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhất là công an nơi người cư trú có biết, có hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ, tuyên truyền các công dân theo quy định? Các cơ quan pháp luật địa phương có phát hiện, ngăn chặn các cá nhân, đơn vị có hành vi trái phép, lừa đảo, lôi kéo người dân?
Trên thực tế, quy định, ở cơ sở, mọi hoạt động, sinh hoạt của mỗi công dân, gia đình, các đơn vị đều chịu sự quản lý rất chặt chẽ của cả hệ thống con người, giấy tờ. Nói về cá nhân, mỗi người dân đều phải đăng ký thường trú, tạm trú, với sự hỗ trợ, quản lý của công an khu vực. Các cán bộ xã, phường, thôn, tổ đều được yêu cầu sâu sát đến từng người dân, đơn vị từ quyền lợi đến nghĩa vụ thuế, nước, vệ sinh môi trường…Chưa nói đến sự quan tâm của các đoàn thể như Mặt trận, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh... Có thể nói mọi biến động của mỗi cá nhân, tổ chức đều được dễ dàng xác định… đặc biệt trong thời đại 4.0 hiện nay.
Thế nhưng những năm gần đây đã xảy ra không ít vụ việc mà nguyên nhân là do sự tắc trách, thiếu quan tâm của chính quyền, công an, các đoàn thể địa phương. Ô nhiễm môi trường do các công ty, nhà máy xả ra; chặt phá rừng, xây nhà lấn chiếm, lừa đảo, hụi họ…người dân phản ánh đến báo chí, báo chí chất vấn cán bộ địa phương, nhưng cán bộ địa phương thì lại nói không rõ. Cũng không ít vụ việc, hành vi vi phạm của các đơn vị, cá nhân lại ở ngay, ở gần trụ sở của chính quyền, công an…Lại không ít chuyện đầu gấu, người lạ ở nơi khác bỗng dưng đến hành hung đe doạ người dân địa phương, nhưng không được kịp thời can thiệp, hỗ trợ…
Những câu chuyện về sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của cán bộ, chính quyền, cơ quan chức năng ở đâu cũng có. Như chuyện cậu em tôi, đã tham gia lực lượng Công an nhân dân mấy năm nay. Vừa qua, gia đình bỗng nhận được giấy khám nghĩa vụ quân sự. Trên giấy triệu tập ghi rất rõ tên tuổi, địa chỉ, và các quy định nghiêm ngặt. Gia đình tá hoả gọi điện. Bạn bè thì đùa rằng yêu cầu lực lượng công an “biệt phái” sang “quân đội”, rằng sẽ được ăn hai lương…Như vậy, cũng chẳng lạ khi không ít cá nhân, trụ sở đơn vị bỗng dưng mất tích, hay đi khỏi địa phương, nếu dân không phản ánh thì cán bộ chính quyền, công an cũng vô cảm, không hay…
Với không ít vụ việc, vấn đề xảy ra ở địa phương, hoặc là người có trách nhiệm không rõ, không biết, hoặc biết mà làm ngơ. Một việc như cá nhân người dân đi ra nước ngoài, đi khỏi địa phương trái pháp luật; hay tổ chức, cá nhân hoạt động trái pháp luật dụ dỗ, lôi kéo người dân...nhưng các cơ quan, cán bộ quản lý như chính quyền, công an đều không biết, hay làm ngơ thì không thể chấp nhận được.
Chuyện rằng, dù “mất bò mới lo làm chuồng”, sau những vụ việc xảy ra, các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan đều phải khẩn trương rà soát, khắc phục, rút kinh nghiệm. Với nhưng vụ việc như vụ chết người Việt ở bên Anh, cần phải điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh cá nhân, tổ chức từ pháp luật hình sự đến hành chính, để tránh các bài học hậu quả đau đớn như đã xảy ra.