Bài toán khó tạo nguồn nhân lực điện ảnh

Minh Quân 17/10/2023 06:40

Sự phát triển điện ảnh đang đòi hỏi một nguồn nhân lực không chỉ giỏi về nghề mà còn nắm bắt được các ứng dụng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ sở đào tạo điện ảnh trong nước chưa đủ điều kiện để tạo ra nguồn nhân lực theo yêu cầu.

Làm quen với công việc. Ảnh: Đặng Thuyên.

Nỗi lo tụt hậu

Ngoài Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và TPHCM, cả nước hiện có gần 10 cơ sở chính quy đào tạo các chuyên ngành về điện ảnh, như các trường: Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Văn Lang, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM... Bên cạnh đó, các cơ sở, tổ chức tư nhân cũng có các lớp, chương trình đào tạo ngắn hạn. Nếu so sánh với các chuyên ngành đào tạo văn hóa, nghệ thuật khác thì điện ảnh đang có rất nhiều lợi thế, và luôn là lĩnh vực “hot” trong mỗi mùa tuyển sinh.

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là việc đào tạo điện ảnh trong nước vẫn “giậm chân tại chỗ” so với xu hướng phát triển chung. Nhiều cơ sở đào tạo điện ảnh vẫn đang dạy và học trong tình trạng thiếu sự đồng bộ, hiện đại trong hệ thống giáo trình. Bên cạnh đó, các phương tiện, trang thiết bị cần thiết cho việc đào tạo mang nhiều tính ứng dụng đa ngành nghề còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu đào tạo công nghệ điện ảnh hiện đại.

Không những vậy, nguồn nhân lực điện ảnh chất lượng cao đang cạn kiệt dần do không được tiếp tục đào tạo ở nước ngoài, còn đào tạo trong nước, trên nhiều phương diện, chưa đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng và cũng chưa bắt kịp thị trường. Nhiều người được đào tạo chính quy nhưng không làm nghề; ngược lại, nhiều người làm nghề nhưng không được đào tạo. Một vấn đề khác liên quan tới xu hướng chọn lựa ngành học, khi trong nước, nhiều thí sinh đăng ký thi tuyển vào các trường đào tạo điện ảnh chủ yếu lựa chọn khoa đạo diễn hay diễn viên. Trong khi đó đa số người đi học nước ngoài đều muốn học làm đạo diễn, ít chọn học ngành nghề khác; và Nhà nước khi xây dựng, phê duyệt chỉ tiêu lại chủ yếu căn cứ theo đề xuất của bộ chủ quản, thông qua các cơ sở đào tạo.

Theo PGS.TS Vũ Ngọc Thanh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, điện ảnh là ngành nghệ thuật tổng hợp, trong khi ở nhiều cơ sở đào tạo chưa đào tạo được những ê kíp giỏi theo cơ chế liên tài với nhau. Với loại hình nghệ thuật điện ảnh, không phải chỉ có đạo diễn là giải quyết được tất cả các vấn đề nghệ thuật và kỹ thuật. Có đạo diễn giỏi nhưng kịch bản, quay phim, diễn xuất, hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo… không đạt yêu cầu sẽ ảnh hưởng nhiều mặt tới chất lượng chung của tác phẩm. Trong khi để tạo ra một bộ phim hay cần phải có chất lượng đồng bộ, tương ứng, toàn diện ở tất cả các khâu. Chưa kể càng ngày, nhiều ngành học như quay phim, dựng phim, kỹ xảo, đạo diễn âm thanh… càng xác lập vị trí vững chắc trong “đầu ra” trong bảng ngành nghề đào tạo điện ảnh đương đại.

Thí sinh tham dự kỳ thi năng khiếu sân khấu điện ảnh của Trường Đại học Văn Lang. Ảnh: Nhật Huy.

Học phải đi đôi với hành

Có thể nói, sự thành công của mỗi nền điện ảnh có được qua hành trình phát triển của nhiều thế hệ, của các chuyên ngành từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, họa sĩ thiết kế, lý luận phê bình, nhạc sĩ, nhà sản xuất... Do đó, để nguồn nhân lực điện ảnh của Việt Nam có cơ hội “tỏa sáng” cần có sự cân đối, đồng bộ trong đào tạo và hợp tác, cộng hưởng từ tất cả các ngành nghề, từ chính các cơ sở đào tạo của loại hình nghệ thuật tổng hợp này, đặc biệt là sự hợp tác từ các cơ sở đào tạo công lập và tư thục. Mặt khác, có một nghịch lý trong bối cảnh truyền hình phát triển mạnh mẽ, nhiều học viên được đào tạo cho điện ảnh có xu hướng làm việc cho truyền hình, trong khi nguồn lực trẻ bổ sung cho điện ảnh hạn chế hoặc hầu như không có.

Nhà sản xuất kiêm đạo diễn Charlie Nguyễn bày tỏ, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần được quan tâm. Việt Nam chưa có được những trường lớp thực thế để đào tạo người làm nghề hiệu quả. Ở nước ngoài, họ có nhiều hiệp hội với luật lao động cụ thể, ràng buộc nhau để tạo nên đội ngũ chuyên nghiệp. Vì vậy, muốn có sự phát triển bền vững, cần một đội ngũ chuyên nghiệp đồng bộ ở tất cả các khâu. Một đoàn phim là sự quy tụ của rất nhiều khâu từ đạo diễn, diễn viên, biên kịch, ánh sáng… Hiện Việt Nam mới chỉ làm tốt một số khâu, một số khâu còn lại chưa ổn, dẫn đến tình trạng chênh lệch, thiếu tính đồng bộ trong một đoàn làm phim.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Luân Kim - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao cạn kiệt dần do không được tiếp tục đào tạo ở nước ngoài, còn đào tạo trong nước chưa đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng. Hiện việc giáo dục không đi kịp thị trường, không cập nhật được xu thế, thiếu và yếu, đặc biệt những khâu quan trọng như biên kịch. Mỗi quốc gia ở mỗi thời điểm có cách thức riêng trong tiến trình phát triển một lĩnh vực nào đó. Tuy nhiên, điện ảnh Việt Nam trong quá trình xây dựng công nghiệp hóa cần thiết nhất hiện vẫn là đào tạo nguồn nhân lực trước khi từng bước giải phóng các vướng mắc khác để đi xa hơn.

“Cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp cụ thể, thực hiện chiến lược đào tạo ngắn hạn và dài hạn ở trong cũng như ngoài nước. Công tác đào tạo cần chú trọng hiệu quả thông qua cải cách giáo dục chuyên ngành. Nhà nước cần mạnh dạn cung cấp nguồn kinh phí tương hợp, cử sinh viên được tuyển chọn kỹ lưỡng đi du học ở các nước có nền điện ảnh phát triển” - ông Kim nói.

Theo TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, muốn phát triển nhân lực điện ảnh phải đáp ứng được yêu cầu của 4 mắt xích là: Sáng tạo; Sản xuất ra tác phẩm (phim); Phát hành và phổ biến phim để phát triển thị trường điện ảnh, tạo nguồn kinh phí tái sản xuất; Bảo vệ thành quả sáng tạo - nghĩa là bảo vệ bản quyền tác phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài toán khó tạo nguồn nhân lực điện ảnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO