Bài toán nào cho quy hoạch phát triển đô thị ở TP HCM

Thái Đoàn 13/07/2018 19:27

Vấn đề quy hoạch trong phát triển đô thị TP HCM đang là thực tế “nan giải” không thể giải quyết trong “một sớm, một chiều”. Đây là thực trạng mà chính quyền, các nhà khoa học và nhân dân đang quan tâm và đưa ra bài toán như thế nào để phát triển bền vững lâu dài phù hợp với sự phát triển của kinh tế xã hội và sự gia tăng dân số tại đô thị lớn này.

Bài toán nào cho quy hoạch phát triển đô thị ở TP HCM

Ảnh minh họa.

Đau đầu về tình trạng chống ngập khu Nam thành phố

Trong buổi họp về kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2018, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ ra những bất cập trong công tác quy hoạch trong thời gian qua, đáng chú ý là quy hoạch phát triển đô thị.

Ông Phong cho biết, những năm qua, thành phố đầu tư thuê nhiều nhà tư vấn, quy hoạch có tên tuổi trên thế giới thực hiện nhiều đồ án quy hoạch như: Đồ án phát triển khu Nam của đơn vị tư vấn SOM (Mỹ); Đồ án quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm của tư vấn Sasaki (Mỹ); Đồ án quy hoạch bờ Tây sông Sài Gòn của nhà tư vấn Nikkenkei (Nhật Bản)…

Hầu hết các đồ án quy hoạch xây dựng này đều nằm ở khu vực phía Nam thành phố.

Nhiều khu đô thị mới hiện đại, có quy mô lớn đã xây dựng như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7), Thủ Thiêm (Q.2). Dọc theo những tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Lương Bằng, Huỳnh Tất Phát. Hàng loạt cao ốc, nhà cao tầng xen kín.

Thực tế cho thấy, hiện nay khu Nam Sài Gòn tọa lạc ngay trên khu vực vùng trũng - nơi trước đây từng là những hồ tự nhiên chứa nước của thành phố.

Thêm nữa, toàn bộ khu Nhà Bè, quận 7 - cửa thoát nước chính của Sài Gòn cũng đang bị đô thị hóa mạnh mẽ, mà hệ quả của nó là tình trạng san lấp kênh rạch vô tội vạ.

Tình trạng ngập nước ngày càng trầm trọng, không chỉ cục bộ khu vực mà ảnh hưởng trên diện rộng.

Có nên phát triển đô thị về phía Tây Bắc thành phố?

Quy hoạch phát triển đô thị theo hướng nào sẽ là sự lựa chọn phương án nào với sự phát triển của thành phố.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, khu vực Tây Bắc thuộc Củ Chi, Hóc Môn có địa hình cao, địa chất tốt, thuận lợi cho việc phát triển đô thị.

Đây là nóc nhà của thành phố. Phần lớn diện tích đất của Củ Chi cao hơn mực nước biển từ 8 đến 10 m.

Ngoài yếu tố lợi thế địa hình, địa chất thuận lợi để phát triển đô thị khu vực này còn có quỹ đất lớn.

Riêng Củ Chi có diện tích trên 43.000 ha. Đất đai chủ yếu là vườn cây, trang trại nên thuận tiện cho việc quy hoạch phát triển đô thị hiện đại.

Theo GS TS Nguyễn Trọng Hòa - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM đã cảnh báo.

Khu Nam đã và đang đối mặt với tình trạng ngập nước, kẹt xe.

Trên bình diện rộng hơn, thành phố đang đối mặt với rất nhiều tồn tại như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sạch,…

Theo các chuyên gia bất động sản, với độ cao gần 10 m so với mực nước biển và điều kiện địa chất tốt, khu vực Tây bắc không chỉ loại bỏ được những bất lợi của vùng đất ngập nước mà thuận lợi cho phát triển, xây dựng đô thị hiện đại.

Giá thành đầu tư hạ tầng đường xá đến nhà ở thấp hơn.

Thực tế, người dân xây dựng căn nhà ở vùng đất cao giảm được 20-30% giá thành xây dựng công trình so với khu vực vùng trũng, khu Nam thành phố.

Bên cạnh đó, đây cũng là bài toán giản dân để phát triển kinh tế về phía Tây Bắc và giảm bớt “gánh nặng” về thực trạng kẹt xe như hiện nay.

Với lợi thế của địa hình cao, địa chất tốt, khu vực Tây Bắc còn có hệ thống giao thông đường bộ nối kết, bao quanh bởi sông Sài Gòn đang là lợi thế tiềm năng đang thu hút nhiều nhà đầu tư địa ốc tìm cơ hội đầu tư. Nhiều khu dự án nhà ở mới đã ra đời.

Để phát huy tác dụng, rất cần những nhà quy hoạch phải đi trước một bước.

Vùng Tây Bắc nói chung và Củ Chi nói riêng sẽ là những khu đô thị hiện đại trong tương lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài toán nào cho quy hoạch phát triển đô thị ở TP HCM