Việc cấm xe gắn máy 2-3 bánh vào các quận trung tâm TP Hồ Chí Minh có thể sẽ được thực hiện từ năm 2025-2030.
Đó là nội dung trong Đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông ở TP HCM” do Sở Giao thông Vận tải vừa trình Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM phản biện, trước khi Đề án trình Thường trực Thành ủy và HĐND TP thông qua. Nếu đề án được thông qua, TP HCM sẽ hạn chế và tiến tới ngưng hoạt động xe môtô và xe gắn máy 2 - 3 bánh tại một số khu vực trung tâm quận 1, 3, 5, 10... vào giai đoạn 2025-2030.
Cùng với việc hạn chế và tiến tới cấm xe máy, TP HCM sẽ thu phí ôtô lưu thông vào khu vực trung tâm TP thông qua việc bổ sung phí ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường vào danh mục các loại phí, lệ phí là cơ sở thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Dự kiến, để thực hiện Đề án, nguồn lực từ ngân sách sẽ dành ưu tiên cho phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, khoảng 52.550 tỉ đồng. Các nguồn lực khác từ xã hội hóa đầu tư hoặc vốn ODA sẽ phát triển các tuyến vận tải hành hành khách khối lượng lớn, hệ thống thu phí ôtô cá nhân vào trung tâm khoảng 323.000 tỉ đồng.
Đề án khi được triển khai đồng bộ các giải pháp kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, tiết kiệm chi phí chung cho xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng hình ảnh TP văn minh, hiện đại, phát triển bền vững. Đồng thời, việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ chỉ triển khai khi hệ thống giao thông công cộng cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Trước đó, vào tháng 8/2018, Sở GTVT cũng trình UBND TP HCM đề án “Tăng cường vận tải giao thông công cộng, kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới giao thông ở TP HCM”. Mục tiêu hạn chế xe máy tại trung tâm TP theo 3 giai đoạn và tiến tới cấm hẳn vào năm 2030.
Theo thống kê, tính đến tháng 3/2018, TP HCM đang quản lý gần 7,3 triệu xe máy và gần 640.000 ôtô, chưa tính khoảng 1 triệu xe mang biển số các tỉnh đang lưu thông ở TP. Mỗi ngày có thêm khoảng 1.000 ôtô và xe máy đăng ký mới.
Cũng cần phải nói rằng, để phục vụ nhu cầu của người dân, trong khi nhiều nước trên thế giới đã hạn chế xe máy từ lâu thì Việt Nam lại cho xây dựng các nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy, nhập khẩu xe máy vào nội địa. Việc này gây ra hiệu ứng ngược về kinh tế, môi trường, xã hội. Chính vì thế số lượng xe máy ở nước ta là rất lớn, đặc biệt tại các thành phố lớn. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn tới ùn tắc giao thông đô thị và ô nhiễm môi trường nói chung.
Việc hạn chế xe máy, nhất là tại các thành phố lớn đã từng được một số nơi đặt ra. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, vì rằng ở ta số người sử dụng xe máy như một phương tiện đi lại duy nhất khá phổ biến. Không phải người dân không ủng hộ chủ trương hạn chế xe máy, nhưng điều đó đòi hỏi phải có lộ trình và đặc biệt phương tiện giao thông công cộng phải thực sự phát triển, tiện lợi. Cũng chính vì thế, khi chủ trương hạn chế xe máy, cấm xe máy đi vào khu vực trung tâm thành phố nhận được sự quan tâm của người dân.
Nhiều người lo ngại, cấm vào đường chính thì người dân đi đường phụ, tình trạng kẹt xe càng lớn, đặc biệt là tại TP HCM khi mà dân số đông, số xe máy, ôtô nhiều, người các địa phương tới đông. Trong lúc cơ sở giao thông công cộng còn yếu kém, tốc độ xây dựng đường mới, cải tạo mở rộng các tuyến đường cũ, cũng như phương tiện giao thông công cộng phát triển rất chậm như thời gian qua.
Vì thế, có ý kiến cho rằng, tại TP HCM, khi nào các tuyến đường đều thường xuyên có xe buýt phục vụ 24/24 thì hãy nghĩ đến chuyện cấm xe máy. Cũng có ý kiến đề xuất, cùng với việc nghiên cứu cấm xe máy, hãy nghiên cứu làm sao phát triển hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, khoa học rồi từ từ người dân sẽ tự bỏ xe máy mới là giải pháp hay. Bởi thực tế ở TP HCM mới cấm thử 1, 2 tuyển đường để làm phố đi bộ mà những con đường quanh nó đã ùn ùn tắc, những bãi giữ xe tha hồ tăng giá khi lượng xe phải gửi nhiều.
Nếu hạ tầng chưa đồng bộ, cấm xe máy, người dân thay thế bằng xe ôtô cá nhân, trong khi một chiếc ôtô chiếm diện tích hơn 4 chiếc xe máy, mà trên ôtô có khi chỉ 1 người hoặc 2 người, thì tình trạng kẹt xe còn tệ hại hơn nữa.
Xin nhắc lại, người dân không phản đối việc hạn chế xe máy, cấm xe máy lưu thông tại những khu vực đông đúc trong nội đô (tất nhiên phải có lộ trình); nhưng người dân cũng rất mong muốn thành phố phát triển mạnh hệ thống phương tiện giao thông công cộng cũng như xây dựng các tuyến đường tốt hơn. Chỉ có như vậy mới hạn chế được tình trạng kẹt xe khu vực nội đô và môi trường xanh sạch mới trở lại.