Văn hóa

Bài trừ mê tín 'khoác áo' tâm linh

Phạm Sỹ (thực hiện) 28/02/2024 07:03

Đầu xuân, nhiều người thường có thói quen đi xem bói, xin quẻ khi đi lễ chùa để xem vận hạn trong năm ra sao, công danh sự nghiệp thế nào... Trong số đó có không ít người trẻ. Đã có nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười đã xảy ra vì tin vào bói toán. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

anhcover.jpg
Để những lễ hội đầu xuân diễn ra an toàn, vui tươi, lành mạnh, mỗi người dân cần phân biệt giữa tín ngưỡng, tôn giáo với các hoạt động mê tín dị đoan (Trong ảnh: Lễ hội Rước pháo Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh). Ảnh: Quang Vinh.

PV: Mỗi dịp đầu Xuân mới, người dân thường vì quan tâm, tò mò muốn biết vận mệnh, tình duyên, công danh, sự nghiệp nên tìm đến xem bói, xin quẻ khi đi lễ chùa… Ông nhận định như vào về vấn đề này?

anh-nho.jpg
PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đầu năm mới là dịp phù hợp để nhiều người đi xem bói dự đoán vận mệnh tương lai, công danh, sự nghiệp, sức khỏe khi mà đây là giai đoạn khởi đầu một năm. Có thể có người tin, nhưng cũng có những người nửa tin, nửa ngờ. Bên cạnh đó, khi đi lễ đầu năm, đến với các đình, đền, chùa và các lễ hội, những nơi đậm chất tín ngưỡng tâm linh, nhiều hoạt động liên quan đến bói toán như xem tử vi, xóc thẻ, cầu may diễn ra cũng góp phần kích thích nhu cầu xem bói của người dân.

Xem bói, xin quẻ đầu năm đã là một thói quen của không ít người. Một yếu tố tác động không kém phần quan trọng là vai trò của các chủ thể như các thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo (đình, đền, chùa), những người trông coi di tích cũng mượn yếu tố tâm linh. Trong đó, các hiện tượng mê tín dị đoan và xem bói như một phần tạo nên sức thu hút du khách của các thiết chế này, đã góp phần quảng bá cho các hành vi xem bói. Đáng chú ý, không ít người có trình độ học vấn, có hiểu biết sâu về khoa học vẫn tin vào những điều mê tín dị đoan. Trước đây, thay vì phải đến nhà các cô đồng, bà cốt xem bói thì giờ đây đã không ít người lại xem bói online để tìm hiểu tiền vận, hậu vận thế nào. Hiện nay, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều tài khoản đăng tải những nội dung về hoạt động mê tín… không ít người tự xưng là cô đồng, cậu đồng, là thầy nhận xem bói online.

anh-to.jpg
Nhiều “thầy bói” xuất hiện trong mùa lễ hội. Ảnh: Đình Huy.

Nhiều người vì quá tin lời phán của thầy bói đã bỏ ra rất nhiều tiền để làm lễ, dâng sao giải hạn…Theo ông, người dân cần lưu ý những điều gì để không bị ảnh hưởng, tác động xấu bởi những lời phán tiêu cực?

- Chúng ta cần nhận thức rõ rằng việc xem bói, xin quẻ và tin vào những lời phán của thầy bói không phải là phương pháp khoa học đáng tin cậy để đưa ra quyết định trong cuộc sống. Dựa vào bói toán có thể tạo ra sự lo lắng và căng thẳng không cần thiết. Thay vì tin vào những lời bói toán, quẻ thẻ để tìm cách ứng phó với tương lai, chúng ta nên chủ động, tích cực hơn đối với sức khỏe, công việc và cuộc sống của mình, không để bị ảnh hưởng quá mức bởi những lời phán vô căn cứ. Suy nghĩ một cách lý trí, đặt niềm tin vào khả năng và nỗ lực của bản thân.

Trước khi tin vào bất kỳ điều gì được nói từ người bói, hãy cân nhắc và tự mình đánh giá tính logic và độ tin cậy của thông điệp đó. Chúng ta cần hiểu rằng bói toán, quẻ thẻ là một hình thức giải trí và tâm linh, không phải là một phương pháp chính thức để dự đoán tương lai hoặc đưa ra quyết định. Vì thế, hãy tin vào bản thân và khả năng giải quyết vấn đề của chính mình. Đừng để những lời tiên tri tiêu cực làm mất lòng tin vào bản thân và tương lai của mình. Hoặc thay vì dựa hoàn toàn vào lời khuyên từ người bói, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ nguồn thông tin đáng tin cậy như gia đình, bạn bè, chuyên gia tâm lý; thay vì lo lắng về những điều có thể xảy ra trong tương lai, hãy tập trung vào hiện tại và tận hưởng mọi khoảnh khắc của cuộc sống.

Thưa ông, đối với những người tổ chức hành nghề xem bói, xem tướng mà có yếu tố tuyên truyền mê tín dị đoan, tác động xấu đến gia đình và xã hội thì cần xử lý như nào?

- Chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục bằng cách cung cấp thông tin cho cộng đồng về tính không chính xác và tiêu cực của việc tin vào bói toán và các hình thức tương tự. Tuyên truyền về sự quan trọng của tư duy logic, lý trí và sự khách quan trong việc ra quyết định trong cuộc sống. Tăng cường nhận thức trong cộng đồng về tác động tiêu cực của việc tin vào mê tín dị đoan đến gia đình và xã hội. Tổ chức các sự kiện, hội thảo hoặc chiến dịch truyền thông để thúc đẩy sự hiểu biết và sự nhận thức về vấn đề này…

Cùng với đó là hoàn thiện văn bản quản lý, theo đó quy định cụ thể hơn nữa để kiểm soát hoạt động của người tổ chức bói toán và đảm bảo rằng họ không thể sử dụng các phương tiện tuyên truyền để lừa đảo hoặc lợi dụng người khác. Tăng cường giám sát và kiểm soát các hoạt động của người tổ chức bói toán để đảm bảo rằng họ không thực hiện các hành vi gian lận, lừa đảo hoặc gây hại cho cộng đồng.

Theo tôi, quan trọng nhất là phải có sự hợp tác từ cả cộng đồng để đối phó với vấn đề này và xây dựng một môi trường sống lành mạnh, không khuyến khích việc tin vào mê tín dị đoan.

Cơ quan chức năng cần làm gì để ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan khoác áo tâm linh, thưa ông?

- Theo tôi, các cơ quan quản lý nhà nước có vai trò rất quan trọng để ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan nói chung. Để làm được điều đó, bên cạnh việc triển khai thật tốt các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này như trong Nghị định 38/2021 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, ở đó, tại điều 14 đã có những quy định xử lý vi phạm trong tổ chức lễ hội.

Ví dụ như phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi và tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội; hay tại Điểm a, Khoản 2 và Khoản 4 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói... và các hình thức tương tự khác để trục lợi; thậm chí hoạt động mê tín dị đoan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm theo Điều 320, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội hành nghề mê tín dị đoan. Ngoài ra, cũng cần đưa ra các quy định và kiểm soát việc quảng cáo và tuyên truyền về các dịch vụ xem bói, xem tướng, đảm bảo rằng các quảng cáo, thông tin này không gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của người dân. Đồng thời thực hiện tốt việc giám sát và kiểm tra định kỳ đối với các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này, đảm bảo rằng họ tuân thủ các quy định pháp lý và không thực hiện các hành vi lừa đảo.

Cùng với đó, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ giáo dục và tư vấn cho cộng đồng về tính không chính xác và tiêu cực của việc tin vào mê tín dị đoan, giúp người dân hiểu rõ hơn về rủi ro và hậu quả của việc này. Tăng cường hợp tác với cộng đồng để nâng cao nhận thức và tạo ra một môi trường sống lành mạnh, không khuyến khích việc tin vào mê tín dị đoan.

Trân trọng cảm ơn ông!

Để bảo đảm tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phục vụ nhân dân, khách du xuân, hành hương theo quy định của pháp luật một cách văn minh, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024, ngày 30/1, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 11 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện những nhiệm vụ nêu trên. Công điện nhấn mạnh không để xảy ra các hoạt động mê tín, dị đoan biến tướng, lệch chuẩn xã hội, trái với thuần phong mỹ tục hoặc lợi dụng hoạt động tâm linh nhằm trục lợi; không đốt đồ mã, đồ vàng mã tràn lan gây tốn kém lãng phí hoặc không đúng nơi quy định tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và các địa điểm diễn ra lễ hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài trừ mê tín 'khoác áo' tâm linh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO