'Bám trụ' lại nhà trọ không để dịch bệnh lây lan

Lan Anh 11/05/2021 06:36

Sáng ngày 10/5, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết có mặt tại Trạm Y tế phường Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội), ghi nhận việc lấy mẫu xét nghiệm cho những bệnh nhân và người nhà đang trọ tại khu vực xung quanh Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều.

Ông Trương Đình Thi (Thanh Hoá) cho biết, ông đưa vợ ra Bệnh viện K điều trị tại khoa Xạ 2. Vợ ông hiện đang được truyền giải độc, theo kế hoạch là thứ 6 (7/5) sẽ kết thúc truyền nhưng đã bị dừng lại.

Về sinh hoạt tại khu nhà trọ, ông Thi cho biết, hai vợ chồng thuê 1 phòng nhỏ, giá 100.000đ/ngày, bao gồm cả điện nước. “Trước khi có dịch thì chúng tôi thường ăn tại các quán cơm, nhưng với tình hình hiện tại, tôi cố gắng dâỵ sớm đi mua chút đồ rồi về tự chế biến. Đồ thực phẩm cũng có phần tăng giá và khó mua hơn do hàng quán đóng cửa theo quy định” - ông Thi cho biết.

Ở góc sân của Trạm Y tế phường, có một cô gái với dáng người nhỏ nhắn đứng nhìn bố chờ đến lượt lấy xét nghiệm. Đó là chị Hoàng Thị Hoài (Tuyên Quang) đưa bố đi điều trị bệnh viện K. Bố chị bị K thực quản, sau khi phẫu thuật, đang bước vào giai đoạn xạ trị và điều trị ngoại trú.

Chị Hoài rất lo cho sức khoẻ của bố bởi bệnh diễn biến nhanh. Hiện, ông phải ăn qua đường ống xông, chỉ ăn được cháo xay, bơm trực tiếp vào dạ dày. Tâm trạng của ông cũng không tốt, ông lo cho gia đình, lo cho sức khoẻ của mình và lo cả phần kinh tế tốn kém. Chính vì vậy, chị Hoài mong muốn, dịch bệnh sớm được kiểm soát để bố con chị an tâm một phần, tập trung vào điều trị bệnh cho ông để sớm được về nhà.

Chị Nguyễn Thị Diệu Thu, người Hậu Giang, lấy chồng và sinh sống tại Hải Dương. Hiện chị đang xạ trị tại Bệnh viện K, chuẩn bị bước vào đợt truyền hoá chất nhưng tạm thời bị ngừng lại. Bác sĩ đã tư vấn cho chị và yêu cầu chị tiếp tục uống thuốc, chờ đến khi được điều trị tiếp. Ngay khi biết tin Bệnh viện K thực hiện phong toả và những bệnh nhân, người nhà được yêu cầu tự cách ly ở nhà trọ, hạn chế ra ngoài, tiếp xúc, hai vợ chồng chị đã kịp mua nồi cơm điện, một số vật dụng cơ bản để tự nấu nướng.

Chị Thu cho biết, hai vợ chồng chị xác định sẽ ở đây lâu dài, chờ hết dịch để điều trị tiếp. Vì hiện tại nếu có về cũng cách ly với gia đình mà về cũng có nhiều nguy cơ làm dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. “Chúng ta ở đâu nên ở nguyên đó mà” - chị Thu nói.

Trò chuyện với chị Lê Thị Oanh (Thanh Hoá) được biết, chị là một trong số ít các bệnh nhân đi một mình đến viện điều trị. Hai con của chị còn khá nhỏ, chồng chị phải ở nhà lo cho các cháu và đi làm nên chị lên đây ở trọ và tự vào viện điều trị. “Tôi nhớ nhà lắm, mong về nhà lắm. Nhưng chúng tôi hiểu, nếu mình về nhà lúc này sẽ có nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tôi sẽ ở lại đây, thực hiện đúng quy định cách ly dù cho mọi sinh hoạt ở đây có phần vất vả hơn” - chị Oanh nói.

Những câu chuyện chúng tôi ghi lại được ở chính những người đang trong hoàn cảnh vô cùng gian nan cho thấy niềm tin đã tạo nên sức mạnh tinh thần, ý chí để giúp họ đứng vững và vượt qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Bám trụ' lại nhà trọ không để dịch bệnh lây lan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO