Xã hội

Bán đặc sản qua mạng xã hội mang lại thu nhập cao

HẠNH NGUYÊN 29/08/2024 17:37

Thời điểm này, bưởi Phúc Trạch (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đang bước vào chính vụ. Mỗi nông dân ở huyện miền núi này đang tích cực livestream, đăng bài trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok… để quảng bá, bán đặc sản do chính tay mình sản xuất đến tận tay người tiêu dùng. Việc ứng dụng công nghệ 4.0, bán hàng qua mạng xã hội có giá trị cao hơn qua tay thương lái từ 30-50%.

duoi.jpg
Bưởi Phúc Trạch được quảng bá trên Facebook.

Những ngày này, vợ chồng anh Phan Văn Chung (38 tuổi, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) tích cực đăng tải các hình ảnh, công khai giá bán bưởi Phúc Trạch lên trang cá nhân Facebook, Zalo. Vườn bưởi hơn 300 gốc của gia đình anh Chung những năm gần đây không phải bán qua tay thương lái mà do hai vợ chồng trực tiếp bán đến tận tay người tiêu dùng.

“Tôi có hệ thống khách hàng thân quen ở khắp các tỉnh, thành từ Bắc đến Nam, mỗi khi đến mùa thu hoạch bưởi, chỉ cần tôi đăng status, khách hàng chỉ cần để lại bình luận đặt hàng, ít giờ sau có bưởi ship đến tận nhà”, anh Chung nói.

Theo người trồng bưởi Phúc Trạch, việc bán hàng trực tiếp qua mạng xã hội không bị thương lái ép giá, người mua nhận được giá trị thực của sản phẩm, nông dân nâng cao thu nhập.

Anh Nguyễn Văn Hòa (chủ vườn bưởi Phúc Trạch ở xã Hương Trạch, huyện Hương Khê) cho biết, thương lái họ trả giá cả vườn bưởi nhà tôi là 15.000-20.000 đồng/quả, trong khi anh Hòa bán trực tiếp qua mạng xã hội thì 25.000-30.000 đồng/quả. Tính ra chênh lệch đến hàng chục nghìn đồng mỗi quả.

Bưởi Phúc Trạch lâu nay là một trong những cây trồng chủ lực, phát triển kinh tế chính của bà con huyện Hương Khê. Toàn huyện hiện có khoảng 2.700 ha trồng bưởi Phúc Trạch, chủ yếu tập trung ở các xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Lộc Yên, Hương Thủy…

Theo ông Nguyễn Huy Thành (xã Hương Thủy), năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên bưởi được mùa cả về năng suất, độ ngọt, trái đều và đẹp hơn so với năm trước. Bên cạnh đó, nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên quả bưởi ngày càng có giá trị kinh tế cao hơn. "Những ngày qua, gia đình tôi đã bán được gần 1.000 quả bưởi thông qua mạng xã hội", ông Thành vui mừng cho biết.

Thương hiệu bưởi Phúc Trạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Phúc Trạch” cho sản phẩm “Quả bưởi” và là một trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đã được EU cam kết bảo hộ từ ngày 1/8/2020. Quy trình sản xuất bưởi Phúc Trạch tuân thủ tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGap, tiêu chuẩn hữu cơ và được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hương Khê cho biết, để người dân tiếp cận được khách hàng, tìm kiếm đầu ra, huyện đã tập huấn cho nông dân ứng dụng chuyển đổi số để bán bưởi Phúc Trạch trên các nền tảng mạng xã hội. Giờ đây, hộ dân nào cũng có thể tự livestream, xây dựng hội, nhóm, kênh bán hàng trực tuyến qua các nền tảng mạng xã hội. Nhờ đó, người trồng bưởi không còn lo lắng về đầu ra.

“Bán hàng trực tuyến giúp người trồng bưởi nâng cao thu nhập từ 30-50%. Người dân chủ yếu bán bưởi Phúc Trạch thông qua Zalo, Facebook, Tiktok chứ không bán trên các sàn thương mại điện tử vì các nền tảng mạng xã hội thông dụng, phổ biến với người dân hơn”, ông Vinh cho hay.

Theo ông Nguyễn Trí Đồng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê, năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên bưởi Phúc Trạch phát triển tốt, được mùa. Ước tính tổng sản lượng bưởi toàn huyện đạt gần 23.000 tấn, với giá trị thu về khoảng 550 - 600 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bán đặc sản qua mạng xã hội mang lại thu nhập cao