Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Bán hàng đa cấp nhắm tới sinh viên

Miên Thảo 06/12/2023 08:02

Thông tin tại hội nghị “Nhận diện các hành vi bán hàng đa cấp bất chính” do Ủy ban Cạnh tranh quốc gia chủ trì tổ chức cho biết, sau một thời gian lắng xuống, tới nay kinh doanh đa cấp trở lại với nhiều diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, giới sinh viên dễ bị dính “bẫy”, dưới danh nghĩa làm thêm.

Vụ hai sinh viên cướp giật tài sản để trả nợ bị Công an Hải Dương khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 3 tháng một lần nữa cho thấy “thế giới sinh viên” cũng bị “xã hội đen” rình rập, lôi kéo. Đáng chú ý, gần đây hình thức kinh doanh đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, sinh viên dễ bị dính “bẫy”. Không ít sinh viên do cần tiền để chi tiêu, lại không hiểu gì về bán hàng đa cấp khi tham gia, đã vướng cảnh nợ nần.

Chia sẻ về hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam, ông Phạm Văn Cao - đại diện Ban quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Bộ Công thương) cho biết, bán hàng đa cấp bất hợp pháp gồm 2 hình thức: trả thưởng theo mô hình đa cấp và có giấy phép bán hàng đa cấp nhưng hoạt động bất chính. Cả hai hình thức này đều có sự khác nhau nhất định về quy mô, cách vận hành, tuy nhiên đều có một số điểm chung như: yêu cầu trả tiền cho việc tuyển dụng, nói quá về cơ hội làm giàu hoặc công dụng sản phẩm, phải đặt cọc tiền khi tham gia.

“Có rất nhiều “bẫy đa cấp” đến từ chính những người thân, bạn bè xung quanh chúng ta. Từ việc mất cảnh giác, nhiều người vội vàng tham gia và hậu quả để lại chính là mất thời gian, tiền bạc, công sức hay thậm chí là nhiều mối quan hệ quý giá” - ông Cao nói.

Trên thực tế, bán hàng đa cấp từ lâu đã không còn xa lạ trong các lĩnh vực kinh doanh, tiếp thị. Riêng đối với sinh viên các trường đại học, cao đẳng, phần nhiều trong túi lúc nào cũng là “đồng tiền cuối cùng”, lúc nào cũng “khát tiền”. Khi tham gia bán hàng đa cấp họ lại rất khó nhận biết trường hợp nào là hợp pháp để tham gia và trường hợp nào là biến tướng cần phòng tránh.

Do bị thúc ép tài chính, nhiều sinh viên khi được mời chào tham gia bán hàng đa cấp đã dễ dãi nghe theo. Họ dễ sa bẫy khi kinh doanh bán hàng đa cấp được quảng cáo rầm rộ trên các mạng xã hội. Khi đã tham gia, họ sẽ vướng vào vòng luẩn quẩn, không thể tập trung vào việc học tập hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa để rèn luyện và phát triển kỹ năng cho bản thân. Kể cả việc tham gia vào các tổ chức bán hàng đa cấp (dù là hợp pháp) thì vẫn mất nhiều thời gian công sức và luôn tồn tại nhiều rủi ro không thể lường trước.

Đáng chú ý, kinh doanh đa cấp biến tướng lại rất gần với lừa đảo trên mạng, mà đối tượng lừa đảo hướng tới là người cao tuổi, trẻ em, sinh viên... Theo cơ quan chức năng, 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.

Tình hình phức tạp, nhưng lâu nay việc hướng dẫn cho sinh viên về vấn đề này còn bị bỏ ngỏ. Nhất là trong lĩnh vực tham gia bán hàng đa cấp. Chính vì thế mà nhiều sinh viên tưởng rằng đây cũng chỉ là công việc làm thêm, mà không hề biết rủi ro cận kề. Khi đã “sập bẫy” thì cũng rất khó thoát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bán hàng đa cấp nhắm tới sinh viên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO