Mặc dù cơ quan chức năng đã có cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng vẫn có không ít nạn nhân sập bẫy bán hàng online khi nghe những lời cam kết bùi tai “hưởng hoa hồng cao ngất ngưởng”. Thế nhưng thực chất, vẫn là những thủ đoạn nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người nhẹ dạ cả tin.
Làm cộng tác viên, hoa hồng cao ngất
Công an TP Hà Nội vừa thông tin, Công an huyện Chương Mỹ đang điều tra, xác minh vụ lừa đảo chiếm đoạt gần 500 triệu đồng với thủ đoạn tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng ảo.
Cụ thể, ngày 22/6, chị C. (30 tuổi, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội) lên mạng xã hội tìm việc làm. Chị được hướng dẫn tải app VINASUN làm cộng tác viên thanh toán các đơn hàng, hưởng tiền hoa hồng chênh lệch 10-20%. Khi thanh toán các đơn hàng với tổng số tiền gần 500 triệu đồng, chị C. được yêu cầu nạp thêm tiền mới nhận được tiền gốc và thưởng, nếu không sẽ bị khóa tài khoản. Biết mình bị lừa, chị C. đến cơ quan công an trình báo sự việc.
Không chỉ riêng chị C., thời gian qua, không ít người dân đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ hình thức tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng ảo tương tự.
Trước đó, từ ngày 18 - 22/4, Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Thái Nguyên đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo của công dân, trong đó có 4 vụ nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 100 triệu đồng sau khi nhận lời làm cộng tác viên bán hàng online. Trong đó, đáng chú ý có trường hợp của chị N.T.N (SN 1983, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên) bị mất số tiền trên 354 triệu đồng sau 15 lượt chuyển khoản làm cộng tác viên bán hàng online.
Công an TP Thái Nguyên cho biết, ngoài các đơn trình báo mà đơn vị tiếp nhận, còn không ít nạn nhân vì số tiền bị lừa không nhiều hoặc lo ngại người nhà biết nên không trình báo.
Tháng 2/2021, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) điều tra vụ việc một người phụ nữ bị lừa đảo chuyển khoản mất hơn 800 triệu đồng từ hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online cho các sàn thương mại điện tử. Theo trình báo, chị H. (38 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) nhận được lời mời quảng cáo làm cộng tác viên bán hàng trên Shopee. Sau khi tham gia công việc, chị H. được hướng dẫn làm nhiệm vụ thanh toán các đơn hàng để được hưởng tiền hoa hồng từ 10% - 20%.
Tin tưởng, chị H. đã thanh toán nhiều đơn hàng với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng nhưng không nhận lại được tiền gốc và phần chiết khấu. Không thể liên lạc với đối tượng kết bạn Zalo đã hướng dẫn công việc, trang mời chào bán hàng cũng biến mất, chị H. mới biết mình bị lừa nên đến cơ quan chức năng để trình báo sự việc.
Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết, chị B.B.H. (29 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết thường xuyên nhận được hàng loạt tin nhắn từ Amazon, Tiki, Shopee, Lazada,… với nội dung cần tuyển cộng tác viên bán hàng, làm việc tại nhà, xử lý đơn hàng trên nền tảng ứng dụng. Những tin nhắn đó ngoài lời mời chào tham gia hệ thống còn thường kèm theo khoản thu nhập từ hàng trăm nghìn đến cả triệu đồng, nhận tiền ngay trong ngày vô cùng hấp dẫn khiến người tiêu dùng choáng ngợp.
"Cuối tin nhắn thường có phương thức liên hệ với nhân viên chăm sóc khách hàng, có thể là điện thoại hoặc Zalo. Khi thử liên hệ, tôi được hướng dẫn mua các đơn hàng để giúp gian hàng trên ứng dụng tăng lượt mua, sau đó sẽ chuyển lại cho chủ gian hàng và hưởng chênh lệch 15%. Mua càng nhiều thì phần hoa hồng càng cao. Tuy nhiên, do đã biết những cảnh báo của cơ quan chức năng từ các phương tiện thông tin đại chúng về tình trạng lừa đảo tương tự như thế này nên tôi chỉ nghe chứ không làm theo” - chị H. chia sẻ.
Chớ “nhẹ dạ cả tin”
Những tin nhắn mời chào làm cộng tác viên, bán hàng online hưởng "hoa hồng" như chị C., anh Y. nhận được là một trong vô số kiểu lừa đảo trực tuyến đang xuất hiện thời gian vừa qua.
Có thể thấy, nạn nhân rơi vào "bẫy" của các đối tượng thường là người nhẹ dạ cả tin, nhất là phụ nữ nuôi con nhỏ, không có việc làm, muốn bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Cụ thể, đối tượng sẽ hướng dẫn nạn nhân thực hiện đặt mua hàng online để tăng tương tác cho các gian hàng, thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu hoa hồng. "Mồi nhử" mà những nhóm này đưa ra thường rất hấp dẫn, đó là tiền hoàn và “hoa hồng” nhận về rất cao ở một số đơn hàng đầu tiên.
Tuy nhiên, khi "con mồi" đã tin tưởng và đặt các đơn hàng có giá trị cao (từ vài triệu đến vài chục triệu đồng) thì lại bị yêu cầu phải làm “nhiệm vụ” liên tục mới được hoàn tiền hàng. Một số nạn nhân khác khi thực hiện theo đủ các giao dịch lại gặp phải tình trạng hệ thống đang bảo trì, tiếp theo sẽ bị chặn đầu mối liên hệ. Và tất nhiên, số tiền hàng mà nạn nhân đã thanh toán các đơn hàng khó lòng trở về với khổ chủ.
Ngoài dụ dỗ làm cộng tác viên bán hàng online hưởng hoa hồng cao, các đối tượng còn phát tán mã độc, lừa đảo qua tin nhắn, mạng xã hội, qua email nhằm chiếm đoạt thông tin người dùng.
Đặc điểm giúp nhận biết hình thức lừa đảo trực tuyến là hầu hết nguồn liên hệ của các thông báo, tin nhắn, cuộc gọi đó thường đến từ những nguồn không xác định rõ ràng, thậm chí cả địa chỉ đăng ký máy chủ từ nước ngoài, sử dụng công nghệ giấu số điện thoại, hiển thị số điện thoại dễ gây nhầm lẫn với các cơ quan chức năng, nhà mạng, ngân hàng hoặc hướng dẫn thực hiện các thao tác liên quan đến sim điện thoại, số tài khoản ngân hàng,…
Để chủ động phòng ngừa tội phạm, Công an TP Hà Nội đã khuyến cáo người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Ngoài ra, khi làm cộng tác viên cho các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.
Trong trường hợp phát hiện bị lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị, người dân cần cảnh giác với những lời mời chào tuyển làm cộng tác viên bán hàng online cho các sàn thương mại điện tử. Theo đó, để tránh không bị lừa đảo dẫn đến mất mát, bị chiếm đoạt tài sản, người dân chỉ nên nhập các thông tin cá nhân của mình vào trang web nào có uy tín, minh bạch, rõ ràng, thiết bị tin tưởng.
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn Luật sư TP Hà Nội:
Có thể xử phạt Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Việc lừa đảo dưới hình thức “bán hàng online, hưởng hoa hồng cao” là thủ đoạn, chiêu trò không mới, đã xuất hiện và được cảnh báo trên mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua.
Hành vi này có thể có thể xử phạt về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 tuỳ theo mức độ.
Trên thực tế, khung hình phạt như vậy chưa đủ sức răn đe. Ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo chiếm đoạt với những thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, số tiền chiếm đoạt từ lớn tới rất lớn với không chỉ một mà của nhiều nạn nhân, ở nhiều nơi khác nhau do tính “không biên giới, không khoảng cách” mà mạng xã hội tạo ra. Thực tế này gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, phòng ngừa, xử lý, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, ổn định xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.
Việc xử lý nghiêm cũng như tăng cường các biện pháp đối với các đối tượng lừa đảo này là điều rất cần thiết. Đặc biệt là các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cơ quan ban ngành và người dân trên tinh thần chỉ thị số: 21/CT-TTg ban hành ngày 25/05/2020 của Thủ tướng chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
TS Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an):
Chủ động phòng ngừa
Để ngăn chặn các hình thức lừa đảo kiểu mời chào tham gia các công việc bán hàng online, việc nhẹ lương cao nhận hoa hồng “khủng”, trước hết cần áp dụng phương châm phòng ngừa chủ động.
Để thực hiện được điều này, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức cảnh giác và bảo vệ chính mình.
Mọi người cần rèn luyện tư duy phản biện, không có công việc gì nhẹ nhàng mà lại nhận được lương cao. Mọi thu nhập đều căn cứ vào cường độ lao động, sức lao động, chất xám và thời gian mình bỏ ra cho công việc. Do đó, cần hết sức tỉnh táo trước những lời mời gọi từ các đối tượng lừa đảo, tránh để tiền mất, tật mang.
Hoàng Chiến(ghi)