Ngày 7/8 tại phiên họp toàn thể, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo tình hình thực hiện pháp luật bình đẳng giới và mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019. Vấn đề cơ cấu để phụ nữ tham gia vào hoạt động chính trị đã nhận được sự quan tâm của các ĐB.
Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện pháp luật bình đẳng giới và mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, có 10 chỉ tiêu tiệm cận đạt, đạt và vượt yêu cầu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Đó là tỷ lệ tạo việc làm mới cho lao động nữ đạt 48% và giữ ổn định trong 6 tháng qua; tỷ lệ biết chữ của nữ trong độ tuổi từ 15-60 là 97,3% trong năm 2018 và 97,37% tính đến tháng 6-2019; tỷ lệ mắc tai biến sản khoa/100.000 ca sinh là 49/100.000; tỷ lệ phá thai là 14,6/100 ca đẻ sống; 100% hệ thống thông tin cơ sở cấp phường đều dành thời lượng phát sóng cho các nội dung liên quan đến bình đẳng giới; 100% đài phát thanh và đài truyền hình ở trung ương và địa phương có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; 100% số nạn nhân bị mua bán trở về thông qua trao trả và được giải cứu, số nạn nhân bị mua bán tự trở về được phát hiện, hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà có 4 chỉ tiêu không đạt nhưng có tiến bộ so với năm 2017. Theo đó, tính đến hết tháng 6/2019, tỷ lệ nữ ĐBQH là 27,2%, có 32,30% đại biểu nữ là người các dân tộc thiểu số. Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo nữ đạt 47%, trong đó Văn phòng Chính phủ lần đầu tiên có Phó chủ nhiệm là nữ. Cả nước có 7/63 nữ bí thư tỉnh ủy, 14/128 nữ phó bí thư, 8/63 chủ tịch HĐND tỉnh, 31 nữ phó chủ tịch HĐND tỉnh, 18 nữ phó chủ tịch UBND tỉnh.
Ngay sau đó, nhiều ĐB đã tỏ ra băn khoăn về cơ cấu nữ tham gia hoạt động chính trị, nhất là đại hội các cấp đang đến gần. Theo ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), bình đẳng giới muốn đi vào chiều sâu phải đi vào những nội dung cụ thể, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia chính trị, trong đó có trách nhiệm của người lãnh đạo các cấp. Do đó cần phải có đoàn kiểm tra, làm việc với các tỉnh về việc chuẩn bị nhân sự cho đại hội các cấp, và HĐND các cấp. Bởi không đúng như cơ cấu, chỉ tiêu đặt ra thì sao họ trúng được?
Cùng chung quan điểm, ĐB Phạm Thị Thu Trang (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) cũng cho rằng, chúng ta cần có những giải pháp mạnh hơn về vấn đề này. Những đoàn ĐBQH không có ĐBQH là nữ vậy đoàn đó có bị kiểm điểm không? Hiện tỷ lệ phụ nữ được bầu vào cấp ủy chỉ có 10% do đó cần giải pháp để phụ nữ tham gia vào bộ máy chính trị tại các cấp. Những nơi thực hiện không nghiêm phải xử lý nghiêm mới đủ sức răn đe.
Nói như lời ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì “quy hoạch đảm bảo cho nữ làm lãnh đạo đang có vấn đề”, và phụ nữ đang “rất thiệt thòi”. Theo ông Phong, đây là vấn đề hàng năm cứ bàn qua, bàn lại nhưng chưa chuyển biến do đó vấn đề bình đằng giới phải được báo cáo trước Quốc hội, để ĐBQH thảo luận thì mới gỡ được vấn đề.
* 12 tỉnh giảm tỷ lệ hút thuốc lá: Cùng ngày, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá. Theo Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Viết Tiến, trong giai đoạn 2017-2019, quỹ đã hỗ trợ 99 đơn vị tại 63 tỉnh, 22 bộ, 4 thành phố du lịch, và 10 bệnh viện. Đó là nỗ lực lớn nhằm hỗ trợ các đơn vị trong toàn quốc thực hiện đồng bộ Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Kết quả năm 2018 đã có 12 tỉnh giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm tỷ lệ phơi nhiễm thụ động với khói thuốc.