Băn khoăn giao dịch bất động sản qua sàn

V.Thắng 13/04/2023 06:30

Ngày 12/4, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023. Nguồn: quochoi.vn

Trình bày tờ trình dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Chính phủ đề xuất áp dụng quy định về việc bất động sản (BĐS) hình thành trong tương lai phải giao dịch qua sàn.

Theo ông Nghị, thực tế quy định các giao dịch nhà đất phải thông qua sàn từng được nêu tại Luật Kinh doanh BĐS 2006, nhưng sau đó được bỏ khi sửa luật vào năm 2014. 8 năm qua việc không bắt buộc giao dịch mua, bán, chuyển nhượng BĐS phải qua sàn đã làm giảm tính minh bạch, công khai thông tin, nhất là với BĐS hình thành trong tương lai. Vẫn theo ông Nghị, Luật Kinh doanh BĐS hiện hành quy định về điều kiện của BĐS hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh không rõ ràng để áp dụng đối với công trình xây dựng (căn hộ du lịch, văn phòng kết họp lưu trú). Mặt khác, không xác định được tất cả các công trình xây dựng hay chỉ một số trường hợp công trình xây dựng cụ thể nào được kinh doanh theo hình thức bán, cho thuê mua công trình xây dựng hình thành trong tương lai.

Luật hiện hành cũng thiếu quy định nhằm mục đích công khai, minh bạch các thông tin của BĐS hình thành trong tương lai đưa vào kinh doanh. Ngoài ra, điều kiện thành lập sàn giao dịch BĐS hiện nay cũng bất cập, dẫn tới khó khăn trong quản lý, cũng như chưa đảm bảo phòng chống rửa tiền, tạo kẽ hở cho các sàn lách luật.

Thẩm tra vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết phải hoàn thiện cơ sở pháp lý cho sàn giao dịch BĐS hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Tuy nhiên đây chỉ là một trong các phương thức để thực hiện giao dịch. Vì vậy đề nghị nghiên cứu quy định cho phép các bên tham gia giao dịch được quyền lựa chọn phương thức giao dịch qua sàn hoặc không qua sàn để bảo đảm lợi ích.

Ông Thanh cũng cho rằng, các quy định tại dự thảo luật chưa làm rõ được tính an toàn pháp lý của giao dịch BĐS thực hiện qua sàn. Chưa quy định rõ ràng về trách nhiệm của sàn giao dịch khi xảy ra tranh chấp, không ràng buộc được trách nhiệm của chủ đầu tư khi không thực hiện đúng cam kết.

Từ đó ông Thanh đề nghị, Chính phủ nghiên cứu bổ sung quy định nội dung về hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, cũng như đánh giá tác động cụ thể hơn quy định về yêu cầu thanh toán hợp đồng kinh doanh BĐS qua tài khoản mở tại ngân hàng, bổ sung quy định xử lý vi phạm để đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, bản chất các sàn giao dịch là nghiêng về việc môi giới, tư vấn, không có ý nghĩa bảo đảm an toàn pháp lý như đối với cơ sở công chứng. Thực tế bên môi giới không chỉ làm môi giới mà vừa môi giới vừa kinh doanh. Cho nên việc quy định chặt chẽ về sàn giao dịch, tổ chức môi giới tư vấn là cần thiết. Và nên rà soát điều kiện thành lập sàn giao dịch, trong đó, cần lưu ý đến việc chủ sàn giao dịch phải có bằng cấp cụ thể được quy định chặt chẽ. “Có ông học vài ngày về đi làm “cò” và rất nhiều hệ luỵ liên quan ông “cò” này” -ông Phương nói.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong kinh doanh BĐS. Nhấn mạnh Nghị quyết 18 của Trung ương năm 2022 tạo cơ chế bảo đảm thị trường BĐS phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rà soát thể chế hoá đúng chủ trương này.

“Đã là thị trường thì phải quản lý hàng hoá, bán cái gì, mua cái gì. Nhà nước đóng vai trò đạo diễn để có hàng hoá chất lượng, còn càng nhiều người mua càng tốt” - Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ và lưu ý phải tạo thuận lợi, minh bạch, công khai để thị trường phát triển, đừng “đẻ” thêm điều kiện, thủ tục, trừ những gì thực sự đặc thù của thị trường, lĩnh vực BĐS.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, mục đích xây dựng luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Bên cạnh đó, huy động các thành phần kinh tế có đủ năng lực tham gia xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt là Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xây dựng và triển khai chiến lược phát triển hạ tầng thông tin, hạ tầng số, quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông cho giai đoạn tới theo định hướng hạ tầng số là thiết yếu, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt, ưu tiên đầu tư phát triển nhanh, đi trước một bước.

Phát biểu khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, tiếp tục quán triệt định hướng việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đạt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng, phải bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, những vấn đề cấp bách đã chín, đã rõ được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng ban hành luật. Những vấn đề tuy cấp bách cần thiết nhưng là vấn đề mới mà chưa đạt đồng thuận cao thì có thể quy định thực hiện thí điểm, trước mắt chưa triển khai xây dựng những dự án luật có nội dung phức tạp và còn có nhiều ý kiến khác nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Băn khoăn giao dịch bất động sản qua sàn