Sau 3 tuần nghỉ hè, nhiều học sinh đã được gia đình định hướng tham gia các khóa học, trải nghiệm mùa hè. Nhiều mức giá khác nhau được đưa ra cho các lịch trình, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ và tỉnh táo lựa chọn thay vì chỉ nghe theo quảng cáo.
Theo tìm hiểu của PV Báo Đại Đoàn Kết, nhiều khóa học trải nghiệm có thời gian tập trung từ 5-12 ngày tùy theo đơn vị tổ chức. Lịch trình sinh hoạt, học tập ở mỗi khóa học cũng khác nhau, hướng đến các mục tiêu khác nhau và mức phí cũng rất đa dạng, từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Chẳng hạn, Trung tâm Dịch vụ Việc làm và Hỗ trợ Thanh thiếu niên Hà Nội (thuộc Thành đoàn Hà Nội) là đơn vị tổ chức chương trình “Học kỳ Quân đội”, “Mùa hè quân ngũ” với thời gian dài, từ năm 2011 đến nay. Không khác nhiều so với mọi năm, năm nay chương trình vẫn được thiết kế với 40% là giáo dục về quân đội, 40% là kỹ năng và 20% là các hoạt động ngoại khóa, xã hội từ thiện… Học sinh được trải nghiệm, rèn luyện và vui chơi, đó là mục tiêu mà Học kỳ quân đội hướng đến. Chi phí tham gia trại hè dao động từ 7-10 ngày với mức phí từ khoảng 6 -10 triệu đồng tại các địa điểm khác nhau tùy phụ huynh lựa chọn.
Tương tự, nhiều khóa trải nghiệm trong nước có cũng có mức giá được nhiều phụ huynh lựa chọn vì phù hợp với điều kiện gia đình. Trong khi đó, một bộ phận phụ huynh sẵn sàng chi hàng trăm triệu đồng để con có được trải nghiệm ở nước ngoài. Chị Phan Hà (quận Hai Bà Trưng Hà Nội) cho biết, đã tham khảo rất kỹ, thậm chí lên kế hoạch tiết kiệm tiền từ mùa hè năm ngoái để năm nay đăng ký cho con gái tham gia trại hè ở Mỹ trong khoảng thời gian gần 3 tuần với giá trọn gói (chưa bao gồm visa) là 185 triệu đồng. “Gia đình định hướng cho con đi du học sau khi tốt nghiệp THPT nên việc tham gia các trại hè chính là bước đệm để con dần làm quen với môi trường cũng như rèn ngoại ngữ, tránh bị sốc văn hóa khi ra nước ngoài sau này” - chị Hà nói.
Tuy nhiên, không phải cứ nộp tiền đăng ký rồi đến ngày, đến giờ đưa con đi tham gia trại hè là khẳng định của nhiều phụ huynh. Bởi nếu chỉ để có người trông con hay đơn giản là con thích, thấy bạn bè xung quanh tham gia cũng muốn cha mẹ đăng ký cho con tham gia rồi sau khi kết thúc khóa học, không có gì thay đổi thì cần xem lại mục tiêu khi tham gia khóa học.
Dù hữu ích nhưng mỗi một khóa học đều không kéo dài mãi nên quan trọng là những gì các em tiếp thu và đọng lại sau khóa học. Trại hè không nên là nơi trông trẻ cho bố mẹ đi làm, dù là giá cao, giá thấp hay miễn phí.
Vừa qua, câu chuyện một phụ huynh phản ánh con bị đánh tại khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) khiến nhiều người băn khoăn bởi việc tổ chức một hoạt động với sự tham gia của vài trăm học sinh cần thiết phải có cơ sở vật chất, đội hướng dẫn đảm bảo… Vì các em vẫn đang ở độ tuổi còn nhỏ, tính tự giác chưa cao và ở nhà nhiều em vẫn được bố mẹ phục vụ, ở điều hòa 24/24h nay đến các khóa học có điều kiện sinh hoạt sơ sài, thiếu thốn hơn chắc chắn sẽ không quen.
PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, tình trạng nở rộ các trại hè theo kiểu khóa tu, học lối sống, kỹ năng sinh tồn mà không có sự kiểm soát về chất lượng, tiêu chuẩn không những không góp phần giáo dục phẩm chất, nhân cách cho học sinh mà còn gây hại, mất an toàn cho các em cả về thể chất và tinh thần.