Sau một thời gian dài chứng kiến sức mua liên tục ở mức thấp, hiện các nhà bán lẻ hiện đại kỳ vọng một mùa mua sắm cuối năm nhộn nhịp và sôi động hơn.
Mở rộng mặt bằng bán lẻ
Theo JLL Việt Nam (đơn vị nghiên cứu thị trường), dự báo mặt bằng bán lẻ tại TPHCM sẽ được lấp đầy vào cuối năm nhờ nhu cầu mạnh mẽ và bền vững đối với trung tâm thương mại. Trong bức tranh tổng thể chung, nhiều đơn vị bày tỏ lạc quan với nền kinh tế trong năm 2025.
Đại diện Savills Việt Nam dự báo, tiêu dùng tại TPHCM sẽ tăng 8,4% vào năm sau. Bán lẻ hiện đại tại thành phố sẽ chiếm 50% thị phần các kênh bán lẻ. Do đó, ngành bán lẻ sẽ có nhiều cơ hội phục hồi, phát triển và mặt bằng bán lẻ tiếp tục được mở rộng.
Ngày 15/11, đại siêu thị Co.opXtra Tạ Quang Bửu tọa lạc tại tầng 2, trung tâm thương mại Central Premium (quận 8, TPHCM) chính thức khai trương. Co.opXtra Tạ Quang Bửu có diện tích khoảng 3.000m2, cung cấp hơn 30.000 mặt hàng nhu yếu chất lượng gồm thực phẩm tươi sống, khu ẩm thực chế biến nấu chín, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, thời trang và đồ gia dụng. Bên cạnh các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao, đại siêu thị siêu thị này còn kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu cao cấp từ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Australia và New Zealand...
Trước đó, trung tuần tháng 10, nhà bán lẻ Saigon Co.op cũng khai trương Co.opXtra tại Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Grand Park (phường Long Bình, TP Thủ Đức). Với tổng diện tích kinh doanh từ 3.500 m2 đến 4.000 m2, siêu thị trên được đầu tư mạnh về cơ cấu ngành hàng, không gian mua sắm, cập nhật xu hướng công nghệ của bán lẻ hiện đại, mang đến trải nghiệm mua sắm, giải trí thú vị cho người dân thành phố.
Liên quan đến việc mở rộng mặt bằng bán lẻ, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH Một thành viên (Satra) có kế hoạch mở trung tâm thương mại thứ 3 tại Quận 6. Đại diện Satra cho hay: “Với diện tích sàn xây dựng gần 30.000m², quy mô 6 tầng nổi và 1 tầng hầm, Trung tâm Thương mại Satra Võ Văn Kiệt hứa hẹn mang đến một không gian mua sắm và giải trí hiện đại, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân Quận 6 và các quận lân cận như quận 8, quận 5, quận 11 và huyện Bình Chánh”. Theo Satra, các ngành hàng chủ lực tại đây bao gồm ẩm thực, giải trí, thời trang, phụ kiện, trang sức, khu vui chơi, siêu thị đa ngành hàng… hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo các nhóm khách hàng trẻ và gia đình đến tham quan, mua sắm.
Không riêng các nhà phân phối Việt đẩy mạng mở rộng hệ thống bán lẻ, doanh nghiệp ngoại cũng tham gia chạy đua trên thị trường. Đơn cử, ngay sau khi siêu thị Aeon Huế khai trương, siêu thị Aeon Tạ Quang Bửu (quận 8) có diện tích gần 7.000m2, quy mô 2 tầng với đủ các ngành hàng, từ thực phẩm, thời trang cho đến đồ nội thất cũng ra mắt người tiêu dùng. Tổng vốn đầu tư đến nay đã lên tới hơn 1,5 tỷ USD, nhà bán lẻ Nhật Bản đã và đang triển khai chiến lược đa dạng hóa các mô hình bán lẻ nhằm phù hợp với sự thay đổi của nhu cầu và hành vi người tiêu dùng Việt Nam.
Tăng nguồn hàng đáp ứng thị trường
Nói về xu hướng tiêu dùng hiện nay, đại diện Ngân hàng UOB cho biết, 70% tỷ lệ người khảo sát ở Việt Nam tin tưởng vào triển vọng kinh tế của đất nước, cao hơn 18 điểm phần trăm so với mức trung bình của khu vực. Ngoài ra, người tiêu dùng Việt Nam cũng lạc quan nhất khu vực về vấn đề tài chính cá nhân. Cụ thể, 90% kỳ vọng sẽ có tình hình tài chính ổn định hoặc khá hơn vào tháng 6 năm 2025, tiếp theo là Indonesia (89%) và Thái Lan (82%). “Người tiêu dùng Việt Nam dẫn đầu khu vực về sự lạc quan đối với tình hình kinh tế của quốc gia. Điều này phản ánh sự thành công của Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định và tăng cường hội nhập khu vực”- ông Paul Kim, Giám đốc Khối Dịch vụ Tài chính cá nhân Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, đồng thời nhấn mạnh trông chờ vào sự khởi sắc của nền kinh tế, hầu hết các hệ thống siêu thị hy vọng sau thời gian “ngủ đông” kéo dài, sức mua hàng hóa trên thị trường sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm.
Để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm nhiều nhà bán lẻ đã lên kế hoạch cụ thể. Dự kiến tổng giá trị hàng hóa thiết yếu dự trữ cho 2 tháng (trước, trong và sau Tết Ất Tỵ 2025) của hệ thống bán lẻ Satra ước tăng từ 15% đến 20% so với Tết Giáp Thìn 2024. “SATRA đã làm việc với các nhà cung cấp về việc đảm bảo giá và nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu khi có nhu cầu về sản phẩm trong từng lĩnh vực và ổn định trước trong và sau Tết. Tổng giá trị hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu dự trữ cho dịp Tết của hệ thống bán lẻ Satra ước tăng từ 15% đến 20% so với Tết Giáp Thìn 2024”, ông Lâm Quốc Thanh - Tổng Giám đốc SATRA cho biết. Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó tổng Giám đốc Saigon Co.op cho hay, đơn đã chuẩn bị hàng tết kỹ và chặt chẽ hơn những năm trước. Hệ thống đã làm việc với các nhà cung cấp nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa, ổn định giá cả thị trường.
Theo Bộ Công thương, trong 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.246,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng ước đạt 4.048,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,2% tổng mức và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Dù con số này không cao như năm 2023, song mức tăng trưởng này cho thấy cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ tăng trưởng doanh thu.