Ngành bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng bằng nhiều con đường của các nhà bán lẻ nước ngoài vào thị trường nội địa. Đây là xu hướng tất yếu của quá trình Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Làm gì để ngành bán lẻ nội địa không bị “hụt hơi” trước xu thế này đang là vấn đề nóng được đặt ra.
Muốn trụ vững, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần phải nhanh chóng đổi mới (Ảnh: Hoàng Long).
Chủ động tìm hướng mới
Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Các siêu thị Hà Nội nhận định: Một vài năm trở lại đây, nhiều DN nước ngoài đã mở rộng các chuỗi siêu thị tại Việt Nam. Đặc biệt sự thâu tóm một số hệ thống siêu thị lớn như Metro, Big C thời gian qua cho thấy, sự xâm lấn của các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng mạnh mẽ, hay nói cách khác, làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) đang diễn ra rất khốc liệt tại thị trường bán lẻ trong nước.
Tính đến thời điểm này, Lotte đã có 11 điểm siêu thị tại Việt Nam, dự kiến trong 10 năm tới, họ sẽ mở tổng số đến 60 điểm ở Việt Nam. Việt Nam hiện cũng có những nhà bán lẻ đầu tư vào các chuỗi siêu thị như Saigon Co.op với 72 siêu thị, Vingroup với khoảng 60 điểm. Các điểm bán lẻ của DN nước ngoài tuy mới chiếm một lượng khiêm tốn là 90 điểm trên tổng số siêu thị cả nước, song doanh số bán ra tại một điểm của họ gấp 3- 4 lần, thậm chí 7-8 lần so với một điểm của các siêu thị nội do quy mô lớn hơn.
Lý giải về nguyên nhân tại sao chỉ trong khoảng thời gian ngắn, thị trường bán lẻ Việt Nam lại xuất hiện nhiều ông lớn doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư, chuyên gia kinh tế GS.TS Kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, với dân số đông, thu nhập của Việt Nam ngày một cải thiện, tốc độ phát triển nhanh thì đó là những yếu tố cho thấy thị trường bán lẻ của Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng.Và đó cũng những điều kiện cơ bản “hút” các nhà đầu tư ngoại. Mặt khác, trong bối cảnh, trong điều kiện, xu thế hội nhập Việt Nam là một trong những thị trường có điều kiện thuận lợi nhất dành cho các nhà đầu tư nước ngoài bởi những cơ chế, chính sách ưu đãi từ nhà nước.
“Hiện nay đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ, Việt Nam bắt đầu mở cửa. Chính những điều kiện đó là thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài vào. Mà các doanh nghiệp nước ngoài vào thì tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, thương hiệu thì các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam còn thua họ xa. Họ phát huy lợi thế, tận dụng các cơ hội thâu tóm một số thị trường bán lẻ trong nước” – chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích.
Trước những lo ngại về sự độc chiếm của các sản phẩm nước ngoài đến từ những doanh nghiệp bán lẻ đang hiện diện ở thị trường nội địa sẽ ảnh hưởng đến các mặt hàng do Việt Nam sản xuất cung ứng, ông Long cho rằng, đó là điều khó xảy ra bởi mặt hàng nào trên thị trường cũng phụ thuộc vào giá cả, chất lượng, cộng với phương thức bán... Nếu gốc gác của hàng Việt Nam giải quyết được vấn đề chất lượng tốt, giá cả hợp lý thì chắc chắn sẽ không sợ gì bị thua trên ngay sân nhà. Không lo bị hàng khác tràn vào.
Ông Long cũng có lời khuyên dành cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hiện nay, nếu không đối đầu trực tiếp, không cạnh tranh nổi thì nên chủ động tìm hướng mới, tìm ngách riêng, một hướng đi khác biệt thì mới tồn tại và mới phát triển được.
“Đừng nghĩ là ta bị lấn sân, thâu tóm”
TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đã khẳng định như vậy với Đại Đoàn kết. Theo TS. Loan, xu hướng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ đang diễn ra khá mạnh mẽ trong thời gian qua. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, đây là xu hướng chung của thế giới, không riêng gì ở Việt Nam. Và tất nhiên, ngành bán lẻ của chúng ta cũng đang đi theo quy luật kinh tế đó. Nhà đầu tư nào mạnh họ mua lại những DN yếu hơn, đó cũng là chuyện bình thường của thương trường.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là chúng ta không nên nghĩ rằng, khi bị nằm trong tay các DN ngoại, chúng ta sẽ bị lấn sân, bị các DN nước ngoài chèn ép các mà chúng ta cần phải nhìn nhiều chiều. Cần nhớ là, xu hướng hội nhập đang ngày một mạnh mẽ, làn sóng mua bán, sáp nhập cũng sẽ mạnh lên theo thời cuộc. Đây chính là cơ hội để các DN Việt Nam phải tìm cách nâng cao chất lượng, hoạt động dịch vụ của mình. Đây là thời điểm các DN Việt Nam không còn cách nào khác buộc phải nâng cao sức cạnh tranh. Song, như chúng ta vẫn biết, vẫn hiểu rất rõ về nội lực của chúng ta hiện nay, nếu các DN Việt chỉ tự trông vào sức mình là rất khó, vì chúng ta không chỉ yếu về vốn mà còn rất lạc hậu về công nghệ, non về kinh nghiệm...
“Bởi vậy, tôi cho rằng, chính làn mua bán, sáp nhập DN sẽ tạo động lực để các DN trong nước có thể lớn mạnh hơn. Chứ không nên nghĩ rằng, chúng ta đang bị “nuốt chửng” bởi các nhà đầu tư ngoại”. - Bà Loan tin tưởng.
Đồng quan điểm với TS.Loan, Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động cũng coi sự “va chạm” chính là cơ hội. Ông Tài nhìn nhận, người Nhật với Aeon, trong thời gian rất ngắn họ đã có thể hiểu khách hàng Việt nhanh hơn các DN Việt Nam, Aeon Bình Dương, Tân Phú – những nơi xa xôi nhưng lúc nào cũng đông khách bởi họ hiểu khách hàng. Nếu các DN nội địa tiếp tục ngủ quên với quan niệm “chúng ta có lợi thế hiểu rõ khách hàng, hiểu rõ thị trường”, đánh đồng nhu cầu khách hàng thay vì sâu sát tìm hiểu từng địa phương sẽ dẫn đến rủi ro DN nước ngoài nắm bắt được nhu cầu thị trường nhanh hơn DN nội.
Tuy nhiên, sự “đổ bộ” mạnh mẽ của các DN nước ngoài tạo ra những thách thức đối với DN bán lẻ trong nước song cũng chính là cơ hội để các DN nội học hỏi về cách quản trị vốn và hệ thống hoạt động, đó là những kinh nghiệm, bài học chỉ có thể đạt được qua quá trình va chạm và hợp tác với các DN lớn.