Thị trường bán lẻ Việt Nam nằm trong danh sách thị trường bán lẻ hấp dẫn hàng đầu thế giới. Đó cũng là lý do vì sao ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ ngoại thâm nhập vào lĩnh vực này. Đây là thách thức song cũng là cơ hội để DN bán lẻ trong nước vươn lên làm chủ “cuộc chơi”.
Hàng Việt đã có mặt nhiều hơn trong hệ thống siêu thị.
Tăng trưởng mạnh mẽ
Hơn 10 năm trước, không ai nghĩ Việt Nam sẽ có ngành công nghiệp bán lẻ mạnh, thì đến nay, diện mạo đã hoàn toàn thay đổi. Ngành bán lẻ Việt Nam đã tăng trưởng 2 con số, cao hơn tăng trưởng GDP từ 1,5 - 2 lần.
Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển khá mạnh trong những năm gần đây khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội có mức tăng trưởng nhanh. Giai đoạn từ 2015 đến 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng so với năm trước từ 10,5-10,9%. Tính riêng trong năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017, đây là mức tăng đột phá và cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Đáng chú ý, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, thị trường bán lẻ Việt Nam đã tăng mạnh với nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là hình thức bán lẻ hiện đại như các siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại rộng lớn. Hiện nay, cả nước có khoảng 800 siêu thị, trung tâm mua sắm và 150 trung tâm thương mại, gần 9.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ trên khắp mọi miền. Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm. Những con số nói trên cho thấy, các DN ngành bán lẻ đang ngày càng tận cơ hội, phát huy lợi thế, tiềm năng của thị trường bán lẻ trong nước để phát triển.
Đáng chú ý, việc Việt Nam ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do cũng mở ra nhiều cơ hội để các DN bán lẻ bứt phá. Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự thâm nhập ồ ạt của các DN bán lẻ ngoại vào thị trường trong nước. Tuy nhiên, các DN bán lẻ nội cũng đang có những bước đi đột phá. Thị trường bán lẻ nổi lên những tên tuổi như Vingroup, Saigon Co.op, Hapro, Thế giới di động… Những tên tuổi này ngày càng khẳng định được thương hiệu và đang mở rộng quy mô phát triển ở nhiều địa phương trên cả nước. Đơn cử, nhà bản lẻ nội Vingroup đang sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam với khoảng 100 siêu thị Vinmart và 1.700 cửa hàng tiện lợi Vinmart+.
Giữ thế chủ động cách nào?
Tuy nhiên, mặc dù có sự phát triển bứt phá trong những năm gần đây, song thị phần bán lẻ hiện đại chỉ mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia là 60% và Singapore lên đến 90%. Đáng chú ý, những kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại… chủ yếu tập trung ở các khu vực thành thị, thị trường nông thôn, ngoại thành đang còn bị bỏ ngỏ. Ở khu vực nông thôn, ngoại thành, vùng sâu vùng xa, người dân vẫn chủ yếu tìm đến các kênh bán lẻ truyền thống như chợ cóc, chợ dân sinh để mua sắm. Điều này cho thấy, còn rất nhiều khoảng trống để các DN bán lẻ trong nước phát triển.
Theo giới chuyên gia, thị trường nông thôn ngoại thành, vùng sâu, vùng xa chính là mảnh đất màu mỡ dành cho các nhà bán lẻ nội. Với thế mạnh là hiểu được tâm lý, thị hiếu mua sắm của người tiêu dùng trong nước, các nhà bán lẻ nội cần tận dụng thế mạnh đó để phát triển tại khu vực này. Song, để các DN trong nước tận dụng được những cơ hội phía trước, cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật và chính sách để tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng cho các DN bán lẻ yên tâm hoạt động, mở rộng kinh doanh, kể cả việc có những biện pháp để có thể bảo vệ các nhà bán lẻ nhỏ lẻ, hàng hóa và thị trường trong nước trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài…
Bên cạnh đó, bản thân mỗi DN cũng cần chủ động nâng sức cạnh tranh mới có thể đủ sức “giữ sân nhà” trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ hiện nay. Cụ thể, theo ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó tổng giám đốc thường trực Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), DN cần có chiến lược bài bản, lâu dài, tăng cường tính liên kết, kết nối từ sản xuất đến phân phối, vì trong bối cảnh hiện nay, không liên kết sẽ rất khó trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường bán lẻ.
Còn theo bà Đặng Thúy Hà- Giám đốc khu vực miền Bắc Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, DN cần nắm bắt được những xu thế tiêu dùng mới của người dân để có những chiến lược phát triển phù hợp. Đơn cử ngày nay người tiêu dùng thích mua sắm tại một nơi có đầy đủ các loại sản phẩm, kể cả sản phẩm tươi sống cũng như sản phẩm qua chế biến. Hoặc phương thức thanh toán nhanh chóng, thuận lợi, thái độ phục vụ nhã nhặn… Đó là những “bí kíp” để các DN có thể thành công trong việc thu hút khách hàng.