Bản lĩnh doanh nhân ngày càng được tôi luyện

T.Hằng (ghi) 13/10/2022 07:01

Các biến động của tình hình kinh tế thế giới có tác động lên hoạt động của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Hơn bao giờ hết, giới doanh nhân Việt phải tự xây dựng được cho mình văn hoá kinh doanh chuyên nghiệp, bản lĩnh doanh nhân phải được tôi luyện, ứng biến nhanh nhạy để bắt kịp diễn biến thị trường cũng là để phát triển mạnh mẽ hơn.

Ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế:

Doanh nhân luôn thể hiện trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái”

Ngày 13/10/1945, khi nước nhà mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi giới Công thương, Người nhấn mạnh: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền độc lập hoàn toàn của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới Công thương và nhiều doanh nhân đã có những nghĩa cử cao đẹp, đóng góp cho “Quỹ Độc lập”, “Tuần lễ Vàng”. Trong những năm tháng chiến tranh và sau khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, giới Công thương cùng đội ngũ doanh nhân đã đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.

Trong giai đoạn vừa qua, đại dịch Covid-19 đã có những tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Cả nước phải gồng mình chống chọi với đại dịch. Rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng cộng đồng DN, doanh nhân luôn thể hiện trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái” để cùng cả nước thực hiện thành công “mục tiêu kép” của Chính phủ.

Thu ngân sách nhà nước thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả khả quan là một minh chứng rõ nét tinh thần khắc phục khó khăn, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ về chính sách miễn, giảm, giãn thuế của Nhà nước để sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh và có những đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách.

Để ghi nhận những đóng góp quan trọng và đồng hành cùng cộng đồng DN, doanh nhân, ngành Thuế cam kết hỗ trợ tối đa, đặc biệt là các chính sách về miễn, giảm, giãn thuế của Nhà nước và tiếp tục thực hiện mục tiêu “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”, đồng thời đẩy nhanh hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế, góp phần vào sự phát triển của cộng đồng DN và sự lớn mạnh của đội ngũ Doanh nhân Việt Nam.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Niềm tin là vàng

Trải qua 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các DN Việt Nam đã vượt qua mạnh mẽ. Minh chứng là 9 tháng qua, GDP và kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước tăng trưởng vô cùng ấn tượng. Kết quả này, bên cạnh sự đồng hành giúp sức từ Chính phủ, các bộ, ngành thì có thể thấy nỗ lực rất lớn cùng sự nhanh nhạy, sáng tạo của các doanh nhân Việt Nam.

Ngoài ra, các doanh nhân cũng đã ứng biến, nhanh chóng khắc phục khi chuỗi cung ứng chưa được phục hồi, như mua lại các DN tại nước ngoài để tạo thị trường, lấy cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, ổn định sản xuất. Các doanh nhân cũng có sự hy sinh, dành nguồn lực không nhỏ để ủng hộ công tác phòng chống dịch, quỹ vắc xin cho đến việc tổ chức "3 tại chỗ", duy trì sản xuất, kinh doanh, việc làm cho người lao động. Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nhân quan tâm câu chuyện xây dựng văn hóa kinh doanh, tập trung vào các chiến lược phát triển dài hạn, phát triển kinh tế xanh.

Với tầm nhìn dài hạn đã được Đảng, Chính phủ đưa ra, đội ngũ doanh nhân Việt Nam cũng phải có sự phát triển tương xứng. Đại hội VII của VCCI đã đặt mục tiêu về xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa doanh nhân, công bố 6 tiêu chuẩn đạo đức doanh nhân… Vì thế, các doanh nhân cần tiếp tục được động viên, thúc đẩy, khuyến khích đi theo con đường phát triển bền vững, lấy đạo đức văn hóa kinh doanh làm gốc, kết hợp khoa học công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh… Mục tiêu các doanh nhân Việt Nam cần hướng tới là đưa Việt Nam trở thành quốc gia trong top 40 về tăng trưởng GDP, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp vươn ra thị trường thế giới, trở thành trụ cột cho các ngành kinh tế quốc gia, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các DN nước ngoài…

Sau đại dịch, cơ hội mở ra rất lớn cho DN Việt Nam. Đó là những cơ hội thị trường mới ở cả trong nước và quốc tế, nên các doanh nhân phải nhanh chóng tìm cơ hội và tạo năng lực cho mình. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, yêu cầu đặt ra là phải thông suốt về tài chính tiền tệ, lưu thông hàng hoá, đặc biệt là nhân lực. Thách thức rất lớn đối với DN hiện nay là có đủ nhân lực để đáp ứng các đơn hàng, nắm bắt được các cơ hội. Chúng ta cũng phải coi đại dịch vừa qua và giai đoạn phục hồi này là cơ hội để cộng đồng DN bật lên thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

Dưới góc nhìn của các doanh nhân, các chính sách ưu đãi không quan trọng bằng cơ hội kinh doanh, bởi các doanh nhân thường nhìn vào lợi ích sau cùng, nếu cơ hội mất đi thì DN sẽ khó phát triển và xây dựng chiến lược kinh doanh. Vì thế, thông điệp cho Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm nay tôi muốn đưa ra là xây dựng niềm tin và truyền cảm hứng. Trong kinh doanh, niềm tin là vàng.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh:

Thực hành đạo đức kinh doanh chuẩn mực

Có thể thấy rằng 2 năm qua kinh tế Việt Nam trải qua nhiều khó khăn. Đầu tiên là dịch bệnh Covid-19 khiến các hoạt động kinh tế - xã hội gần như bị ngưng lại hết. Một phần DN bị rơi rụng vì dịch bệnh, phần còn lại cầm cự.

Thời gian gần đây, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các biến động kinh tế khác lại đến. Đó là xung đột Nga - Ukraine, các DN làm ăn không chân chính bị xử phạt, nhiều DN cũng đã bị tác động. Vậy nhưng, điều mà chúng ta thấy là gì? Đó là tăng trưởng kinh tế đang trở lại, với tốc độ tăng như thời điểm trước dịch bệnh, DN mới vẫn được thành lập, xuất khẩu tăng trưởng. Như vậy trong khó khăn sức sống của DN càng thể hiện rõ, nhiều DN vẫn lớn mạnh.

Khi hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, muốn tồn tại và phát triển bản thân người chủ DN phải là người có kiến thức kinh tế, kinh nghiệm, trải nghiệm. Chúng ta rất mong ngày càng có nhiều doanh nhân, DN sẽ tham gia thực hành đạo đức kinh doanh chuẩn mực để phát triển kinh tế bền vững. DN Việt mà biết kết hợp lại với nhau càng tăng sức mạnh. Chúng ta cũng tin rằng về mặt thể chế Đảng, Nhà nước, Chính phủ ngày càng quan tâm, sẽ có những chính sách, thể chế kịp thời khích lệ các doanh nhân phát triển.

Ông Phan Bá Mạnh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Công nghệ AN VUI:

Hành trình kinh doanh không bao giờ là bằng phẳng

Trong giai đoạn dịch bệnh khách hàng của công ty bị ảnh hưởng nặng nề. Thời điểm giãn cách xã hội xe vận tải hành khách liên tỉnh bị cấm hoạt động. Doanh thu công ty sụt giảm 97%. Ban đầu chúng tôi không nghĩ dịch kéo dài tới như vậy. Và khi đó chúng tôi thực sự “sốc”, tưởng như phải dừng lại. Nhưng chính trong giai đoạn dịch bệnh đó, công ty lại có cơ hội tập trung phát triển nâng cấp sản phẩm, phát triển các phân hệ mới và chuẩn bị nguồn lực để khi dịch kết thúc có thể bung ra thị trường.

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là doanh nhân. Tôi chỉ đơn thuần là người luôn tìm cách để làm sao mang lại giá trị cho bản thân, gia đình và xã hội nhiều hơn mà thôi. Hành trình kinh doanh không bao giờ là bằng phẳng, tiềm ẩn phía sau là thách thức lớn có thể chưa đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bản lĩnh doanh nhân ngày càng được tôi luyện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO