Mặt trận

Bản nghèo nhất xứ Thanh thoát nghèo

Nguyễn Chung 19/04/2025 09:23

Nhiều năm qua, bản Tân Sơn (xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) vẫn còn đói nghèo. Tuy nhiên, chỉ ít năm trở lại đây, cùng với những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, khát vọng vươn lên thoát nghèo của người dân… Tân Sơn nay đã khác.

Khơi dậy nội lực

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Tân Sơn, ông Lương Văn Tư cho biết, Tân Sơn nay khác rồi, khác từ cách nghĩ, cách làm. Bà con dân bản giờ đã đủ ăn, đủ mặc, thậm chí nhiều hộ còn vươn lên làm giàu.

bai chinh
Ông Vi Văn Phục luôn lắng nghe, chia sẻ cùng bà con dân bản. Ảnh: Nguyễn Chung

“Trước đây, kinh tế của người dân bản Tân Sơn chủ yếu dựa vào cây luồng, cho thu nhập thấp. Tuy nhiên, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Cùng với đó là sự phát triển của thương mại, dịch vụ, nhiều lao động ở bản còn tham gia làm việc tại các công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh, đi xuất khẩu lao động, nhờ vậy đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giúp nhiều hộ thoát nghèo. Hiện thu nhập bình quân của bản đạt 32 triệu đồng/người/năm” - ông Tư khái quát.

Cũng theo ông Tư, nhờ có chính sách hỗ trợ vay vốn của Nhà nước, cùng tư tưởng dám nghĩ, dám làm, thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, trong đó phải kể đến mô hình nuôi lợn tiêu biểu của hộ anh Lương Văn Ưng, đã được nhiều hộ dân khác trong xã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, tổng đàn lợn của gia đình Ưng đã có quy mô từ 25 - 30 con, cộng thêm trồng lúa, khai thác lâm sản… mỗi năm các đầu việc trên đã cho gia đình anh thu nhập từ 100 - 130 triệu đồng.

Hay như trường hợp thoát nghèo của gia đình anh Hà Văn Niên – một hộ dân tiêu biểu khác trong bản. Để phát triển kinh tế hộ gia đình, ngoài chăm sóc và mỏ rộng diện tích rừng luồn, anh Niên còn cải tạo chuồng trại để nuôi thêm lợn sinh sản. Nhờ tuân thủ các biện pháp chăn nuôi an toàn như thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại, chú ý kiểm tra sức khỏe đàn lợn, đến nay đàn lợn nuôi của gia đình anh có hơn 20 con, sinh trưởng tốt, dự kiến cho doanh thu trong năm trên 120 triệu đồng.

“Để giúp người dân phát triển sản xuất và chăn nuôi, hàng năm chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật và phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ tiếp cận nguồn vốn vay nhanh, hỗ trợ sinh kế... Qua đó cho thấy, người dân đã thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm, khơi dậy khát vọng thoát nghèo của chính trong mỗi cá nhân, hộ gia đình”- ông Tư nói.

Vai trò của người có uy tín

Câu chuyện thoát nghèo của Tân Sơn, ngoài những yếu tố như đã nêu ở trên, còn một yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng, đó là vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ là những người góp phần tuyên truyền, giúp người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ở Tân Sơn, trường hợp của ông Vi Văn Phục là một ví dụ điển hình.

Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình thoát nghèo, ông Phục còn gương mẫu trong việc thực hiện vận động người thân trong gia đình, dòng họ thay đổi tư duy, nhận thức, tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, ông còn tích cực tuyên truyền, phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể từng bước xóa bỏ hủ tục, cùng nhau xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Bằng kinh nghiệm, sự hiểu biết của mình, ông Phục đã và đang đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ an ninh trật tự ở bản Tân Sơn nói riêng, xã Sơn Điện nói chung.

Nói về hành trình thoát nghèo của của đồng bào ở bản Tân Sơn, ông Phạm Nhật Quang - Chủ tịch UBND xã Sơn Điện cho biết: Tân Sơn là bản đã có sự tiến bộ vượt bậc trong phát triển kinh tế cũng như xây dựng nếp sống mới của xã. Trong nhiều năm qua, bản không có tệ nạn xã hội, tình hình an ninh trật tự luôn duy trì ổn định, 100% học sinh trong độ tuổi đều được đến trường, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng công trình phụ hợp vệ sinh ngày càng cao.

“Từ một bản có số hộ nghèo cao với 57 hộ (năm 2023), Tân Sơn giờ chỉ còn một số ít hộ nghèo và hộ cận nghèo, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng lên... Để có được thành quả đó, là cả sự phấn đấu, nỗ lực, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cũng như sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án đã khơi dậy khát vọng thoát nghèo của người dân nơi đây” - ông Quang chia sẻ thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bản nghèo nhất xứ Thanh thoát nghèo