Cuối năm là thời điểm nông dân ở nhiều địa phương thu hoạch các loại nông sản. Hình thức livestream, hoặc các video giới thiệu trên TikTok để bán hàng được nhiều người áp dụng. Và hình thức này cũng được người tiêu dùng đón nhận, “chốt đơn” nhanh. Tuy nhiên, vấn đề trà trộn nông sản không rõ nguồn gốc, kém chất lượng khiến người tiêu dùng lo ngại…
Xu hướng tất yếu
Hình thức livestream bán hàng trực tiếp đã trở nên phổ biến với nhiều ngành hàng tiêu dùng như: giày dép, túi xách, mỹ phẩm… Sự tiện ích của hình thức này đã lan sang lĩnh vực nông sản.
Thời gian gần đây, ở nhiều địa phương, mỗi khi vào vụ thu hoạch mít, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, hồng giòn, bưởi, cam, quýt… thì lại thấy nhiều người lại livestream bán hàng. Một số nhỏ thì bán theo kiểu “cây nhà lá vườn”, “của nhà trồng được”. Theo đó, số lượng không nhiều, chủ yếu với mong muốn chia sẻ với cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều người trẻ xác định đây là một hướng kinh doanh mới, nên sẵn sàng đầu tư “chuyên sâu”. Trong số này có thể nhắc tới Chảo Thị Yến - một thạc sĩ 9X người dân tộc Dao Tuyển (xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Yến cho biết, từ đợt dịch Covid-19, đã nhận ra tiềm năng bán hàng trên TikTok. Lúc đó không có sản phẩm để bán, trong khi bà con nông dân có hàng bán nhưng chưa biết cách làm video TikTok. Do vậy Yến đã xây dựng kênh bán hàng riêng của mình, đồng thời hướng dẫn cho các nhóm nông dân để họ bước đầu tiếp cận với nền tảng bán hàng số này.
Tương tự, Nguyễn Thị Tường Thảo ở TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cũng thành công với bán hàng nông sản trực tuyến. Thảo sinh ra và lớn lên ở huyện Đơn Dương - thủ phủ rau của tỉnh Lâm Đồng. Cô đã tự mình mày mò nghiên cứu để tạo kênh TikTok "Món lạ vườn nhà", tự quay, dựng và tải video lên với mục đích giới thiệu cho nhiều người biết về những sản phẩm nông sản độc lạ của Đà Lạt. Chỉ sau vài ba lần “đo lường”, Thảo đã có được bí quyết riêng để khiến khách hàng “chốt đơn” qua mạng nhanh chóng.
Thảo cho biết những lần livestream bán nông sản trước đây của cô đều đạt doanh số cao, thông thường vào khoảng 90 - 150 triệu đồng/buổi livestream. Trong đó, phiên phát trực tiếp đạt doanh số kỷ lục của Thảo là 250 triệu đồng với hơn 2 tấn ớt được bán ra. Trung bình mỗi tháng Thảo livestream và quay video khoảng 20 ngày, theo mùa vụ.
Giữ chữ tín với người tiêu dùng
Những tháng cuối năm, cũng là thời điểm bà con ở nhiều vùng miền trên cả nước vào vụ thu hoạch nông sản và các sản phẩm OCOP. Ngoài kênh bán hàng truyền thống, theo các chuyên gia, không nên bỏ lỡ kênh bán hàng trực tuyến hoặc các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, hình thức livestream và quay video trên một số nền tảng mạng xã hội cũng là một xu hướng đang thu hút người tiêu dùng. Ngoài ra, một số người kinh daonh còn thuê TikToker nổi tiếng để bán hàng trực tuyến.
Với kinh nghiệm của mình, Tường Thảo cho rằng, không quá khó để bà con nông dân có thể tự lập những kênh bán hàng trực tuyến. Ngoài ra, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet là bất cứ ai cũng có thể “khởi nghiệp” ngay trên vườn/ruộng của mình. Chính vì vậy, tại TP Đà Lạt và một số địa phương, hiện nhiều bà con đã học được cách tự lập kênh, bán hàng trực tuyến.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay nhiều người tiêu dùng đã quen với việc mua hàng qua mạng quan tâm, lo lắng đó là chất lượng nông sản. “Hôm trước tôi mua qua mạng 10kg cam Cao Phong. Theo quảng cáo thì cam ngọt, tươi ngon nhưng khi nhận hàng thì cam không đúng như quảng cáo. Chua và mẫu mã không đẹp”, chị Thu Phương(Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Đây cũng là tâm lý chung mà nhiều khách hàng đang băn khoăn khi “chốt đơn” qua mạng. Từ góc độ của người tham gia bán hàng trên mạng, anh Bùi Văn Toản (22 tuổi) ở huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) - một người dù chỉ học hết lớp 12 nhưng có kinh nghiệm giới thiệu những đặc sản của quê hương qua livestream, cho rằng sản phẩm chất lượng mới là yếu tố quan trọng nhất để được mọi người ủng hộ.
Đồng quan điểm, chị Lê Na - người đưa cam Vinh lên mạng xã hội từ cách đây khá lâu cũng cho rằng, điều quan trọng là chất lượng sản phẩm. Để xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình, duy trì lượng khách hàng ổn định và ngày càng mở rộng, chất lượng sản phẩm là yếu tố tiên quyết, nhất là với hàng nông sản.
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, nước ta có 4 mùa hoa trái, mùa nào cũng có sản phẩm đặc sản dồi dào. Bán hàng online giải quyết được việc làm cho nhiều người, có thu nhập lớn, khai thác tốt lợi thế nông nghiệp vùng miền. Đặc biệt, nếu gắn với du lịch thì sẽ cực kì hiệu quả, giúp người tiêu dùng kết nối được với nông sản ở các vùng miền khác nhau. Tuy nhiên vị chuyên gia này cũng đặc biệt lưu ý đến vấn đề chất lượng nông sản phải đảm bảo, tránh trà trộn những loại nông sản kém chất lượng.
Tạo uy tín, bán nông sản chất lượng, “đúng như quảng cáo” sẽ tạo niềm tin cho khách hàng. Bởi nông sản là những mặt hàng thiết yếu, người tiêu dùng sau khi “chốt đơn” thì mong sớm nhận được sản phẩm để sử dụng ngay. Do đó, nếu hàng tươi ngon, chất lượng đảm bảo, và “lạ miệng”, thì việc đặt thêm là hoàn toàn có thể. Hoặc đây chính là cơ hội để nâng cao uy tín của chủ kênh bán hàng, khiến cho những lần livestream số người và số đơn chốt sẽ tăng lên.
Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến khâu tương tác với khách hàng, giải quyết các vấn đề phát sinh với khách hàng. Đây là điều còn yếu của nhiều chủ kênh bán hàng trực tuyến.