Bản tin Mặt trận sáng 14/4 của Báo Đại Đoàn Kết gồm một số nội dung chính như sau: Sắp xếp 5 tổ chức chính trị-xã hội, 30 tổ chức hội quần chúng; Báo Giải Phóng: Bản hùng ca của tờ báo chiến sĩ, nhà báo chiến sĩ; Đảm bảo công bằng, minh bạch trong xóa nhà tạm, nhà dột nát; Giám sát, phản biện xã hội ngày càng thực chất; Nét đẹp văn hóa truyền thống của Lào ở vùng biên.
Sắp xếp 5 tổ chức chính trị-xã hội, 30 tổ chức hội quần chúng
Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 10/4 đến ngày 12/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất thông qua một số nội dung cụ thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện và nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Cụ thể: Về tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ: Thống nhất chủ trương sắp xếp 5 tổ chức chính trị-xã hội, 30 tổ chức hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và các hội quần chúng khác về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động. (Xem chi tiết)
Báo Giải Phóng: Bản hùng ca của tờ báo chiến sĩ, nhà báo chiến sĩ
Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời vào ngày 20/12/1960, yêu cầu cấp bách lúc này cần phải có một tờ báo của Mặt trận. Đầu năm 1964, Mặt trận Trung ương đã cử một đoàn cán bộ của Báo Cứu Quốc - tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết ngày nay vào miền Nam làm nòng cốt xây dựng tờ báo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, với tên gọi: Báo Giải Phóng.
Theo nhà báo Kim Toàn, chặng đường lịch sử của tờ báo từ năm 1964 - 1977 đã khẳng định, Báo Giải Phóng - cơ quan ngôn luận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong hoạt động đối ngoại, tuyên truyền đường lối và sự nghiệp kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, tranh thủ sự đoàn kết và ủng hộ quốc tế. Chính vì thế Báo Giải Phóng được phát hành trong vùng giải phóng và cả vùng địch kiểm soát; đến tay cả bạn bè trên thế giới. (Xem chi tiết)
Đảm bảo công bằng, minh bạch trong xóa nhà tạm, nhà dột nát
TP Huế tập trung huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn về nhà ở. Việc tổ chức lựa chọn đối tượng được hỗ trợ được thực hiện một cách minh bạch và công bằng, ưu tiên những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất, với mục tiêu đến cuối tháng 7/2025, địa phương sẽ hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát. (Xem chi tiết)
Giám sát, phản biện xã hội ngày càng thực chất
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lai Châu tập trung nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, chú trọng lựa chọn nội dung, đối tượng, hình thức giám sát phù hợp, coi đây là giải pháp quan trọng góp phần đổi mới hoạt động của Mặt trận, thiết thực trong việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. (Xem chi tiết)
Nét đẹp văn hóa truyền thống của Lào ở vùng biên
Trong ngày 12 và 13/4/2025, tại xã biên giới Krông Na, UBND huyện Buôn Đôn, (tỉnh Đắk Lắk) tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Buôn Đôn và Tết Bunpimay - Lào năm 2025.
Ông Phạm Trung Nghĩa, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết: Tết Bunpimay không chỉ là dịp để cộng đồng người Lào thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống, lòng biết ơn tổ tiên, mà còn là cơ hội để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Lào, vốn đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. (Xem chi tiết)