Bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 12/2 của Bộ Y tế cho biết có 41 ca mắc mới, nhiều nhất trong gần nửa tháng qua. Hôm nay có 11 bệnh nhân khỏi.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.692 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.486 ca nhiễm).
Tình hình điều trị Covid-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 11 ca
Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.614.671 ca
2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 3 ca, trong đó:
Thở ô xy qua mặt nạ: 3 ca
Thở ô xy dòng cao HFNC: 0 ca
Thở máy không xâm lấn: 0 ca
Thở máy xâm lấn: 0 ca
ECMO: 0 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
Ngày 11/02 ghi nhận 0 ca tử vong.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 0 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Tình hình tiêm vaccine Covid-19
Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.211.066 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.821.675 liều: Mũi 1 là 71.082.409 liều; Mũi 2 là 68.723.775 liều; Mũi bổ sung là 14.534.330 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.934.138 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.547.023 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.894.803 liều: Mũi 1 là 9.127.824 liều; Mũi 2 là 8.957.352 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.809.627 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.494.588 liều: Mũi 1 là 10.247.641 liều; Mũi 2 là 8.246.947 liều.
Trẻ nhỏ khát nước liên tục, tiểu nhiều, sụt cân, cha mẹ cảnh giác con mắc đái tháo đường
Theo SKĐS, mới đây, các bác sĩ BV Nội tiết Trung ương đã khám, điều trị cho trường hợp bé gái mới 8 tuổi đã mắc đái tháo đường type 1. Trẻ có dấu hiệu ban đầu rất phổ biến ở người mắc đái tháo đường như khát nước, tiểu nhiều, gầy sút cân...
Trước khi được gia đình đưa đi khám, bé gái 8 tuổi xuất hiện hàng loạt triệu chứng của bệnh đái tháo đường như khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, mệt mỏi, mờ mắt, đái dầm....
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, qua kiểm tra, bên cạnh hàng loạt các dấu hiệu của bệnh đái tháo đường trẻ em nói trên, các bác sĩ phát hiện đường huyết của bệnh nhi tăng cao 26,1 mmol/l, cao gấp nhiều lần người bình thường, kèm theo dấu hiệu mất nước.
Thông tin từ khoa Nội tiết của Bệnh viện, trong vài tháng gần đây, riêng tại khoa đã tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân từ 7-18 tuổi nhập viện với chẩn đoán đái tháo đường type 1 đều ở mức đường huyết rất cao. Tại khoa hiện cũng đang điều trị một trường hợp bé gái 8 tuổi mắc đái tháo đường type 1 được chẩn đoán lần đầu.
Tìm hiểu từ mẹ của cháu thì thời gian gần đây cháu bé có xuất hiện nhiều triệu chứng của bệnh đái tháo đường. Sau khi vào viện và được làm các xét nghiệm chẩn đoán xác định, bé đã được điều trị tích cực, bù dịch, kiểm soát đường huyết bằng insulin, tư vấn và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng.
Sau gần một tuần điều trị hiện tại tình trạng của bé đã cải thiện rất tốt, đường huyết đã ổn định hơn. Dự kiến sẽ ra viện và theo dõi điều trị ngoại trú trong vài ngày tới.
Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp đái tháo đường type 1 ở trẻ em đã được điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
BS. Nguyễn Mạnh Tuấn, khoa Nội tiết cho biết đái tháo đường type 1 (hay còn gọi là tiểu đường tuýp 1) là tình trạng bệnh lý xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin dẫn đến thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng. Chính vì điều này đái tháo đường type 1 thường được gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin.
Nếu không có insulin, glucose trong máu không thể đi vào tế bào và tích tụ dần trong máu dẫn đến tăng đường máu, trong khi các tế bào lại bị “đói năng lượng” do không thể tiếp nhận được glucose. Khi lượng đường trong máu tăng cao kéo dài sẽ gây hại cho cơ thể và gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường.
Bệnh đái tháo đường type 1 thường được chẩn đoán ở trẻ em và người trẻ tuổi. Bệnh có thể khởi phát từ vài tháng tuổi, độ tuổi hay gặp nhất là 10-14 tuổi. Tỷ lệ nam/nữ là tương đương nhau. Đái tháo đường type 1 chiếm khoảng 5-10% trong số người mắc bệnh đái tháo đường.
Nguyên nhân gây ra đái tháo đường tuýp 1 thì đến 95% trường hợp do cơ chế tự miễn và 5% không rõ nguyên nhân. Do hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào có nhiệm vụ sản xuất insulin ở tuyến tụy. Một vài yếu tố nguy cơ như nhiễm Virus Coxsackie, Rubella, Cytomegalo.. hoặc chế độ ăn tiếp xúc sớm với sữa bò cũng có liên quan tới việc khởi phát bệnh. Một số kháng thể kháng tế bào beta của tụy cũng có thể tìm thấy ở phần lớn bệnh nhân đái tháo đường type 1.
Theo BS. Tuấn, trước đây nhiều người nhầm lẫn rằng đái tháo đường type 1 là một bệnh lý di truyền, điều này không đúng. Đái tháo đường type 1 không được xếp vào nhóm bệnh rối loạn di truyền. Tuy nhiên, một người có khả năng mắc bệnh đái tháo đường type 1 cao hơn nếu có người thân trực hệ chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh này.