Bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 13/1 của Bộ Y tế cho biết, có 55 ca mắc Covid-19, giảm nhẹ so với hôm qua; trong ngày có gần 400 bệnh nhân khỏi.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.089 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.480 ca nhiễm).
Tình hình điều trị Covid-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 399 ca
Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.612.049 ca
2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 9 ca, trong đó:
Thở ô xy qua mặt nạ: 8 ca
Thở ô xy dòng cao HFNC: 1 ca
Thở máy không xâm lấn: 0 ca
Thở máy xâm lấn: 0 ca
ECMO: 0 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
Ngày 12/1 ghi nhận 0 ca tử vong.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 0 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Tình hình tiêm vaccine Covid-19
Trong ngày 12/1 có 32.681 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 265.668.329 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.332.137 liều: Mũi 1 là 71.081.407 liều; Mũi 2 là 68.693.292 liều; Mũi bổ sung là 14.499.043 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.717.147 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.341.248 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.872.223 liều: Mũi 1 là 9.127.237 liều; Mũi 2 là 8.957.025 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.787.961 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.463.969 liều: Mũi 1 là 10.245.553 liều; Mũi 2 là 8.218.416 liều.
Thêm hiểu biết mới về bệnh lý hậu Covid-19 ở trẻ em
Theo SKĐS, kết quả nghiên cứu mới đây đăng trên Tạp chí JAMA Network Open, hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) xuất hiện phổ biến hơn so với suy nghĩ trước đây. Bệnh lý nhi khoa này thường xuất hiện từ 2 đến 6 tuần sau khi mắc Covid-19.
Kết quả nghiên cứu mới cho thấy cứ 100 trường hợp nhập viện do Covid-19 thì có 17 ca nhập viện vì MIS-C. Mặc dù bệnh lý này hiếm gặp nhưng nó có thể gây ra rối loạn nghiêm trọng chức năng đa cơ quan và bệnh nhi thường phải nằm điều trị tại khoa hồi sức tích cực.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu gồm 4.107 trường hợp MIS-C, độ tuổi trung bình là 9 tuổi. Dữ liệu được lấy từ số liệu thống kê của các bệnh viện từ năm 2021. Theo nhóm nghiên cứu, các phân tích trước đây về MIS-C chỉ giới hạn ở các trường hợp báo cáo tự nguyện, điều này có thể dẫn đến tình trạng thống kê thiếu số ca MIS-C trên thực tế.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tử vong đối với những trường hợp mắc bệnh nặng nhất (ảnh hưởng tới 6 đến 8 cơ quan trong cơ thể) là 5,8%. Tuy nhiên, việc điều trị kịp thời cũng giúp cải thiện nhanh chóng MIS-C và giúp giảm tỷ lệ tử vong.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, có sự khác biệt về mức độ trầm trọng của MIS-C liên quan tới chủng tộc và sắc tộc của bệnh nhân. Bệnh nhi da đen có nguy cơ bị tình trạng MIS-C nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều cơ quan hơn so với bệnh nhi da trắng.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, đã có ít nhất 9.333 trường hợp MIS-C trên toàn nước Mỹ và 76 ca tử vong do MIS-C.
Theo CDC Mỹ, các triệu chứng của MIS-C bao gồm sốt kéo dài kết hợp với hơn một trong số các triệu chứng sau:
• Đau bụng
• Mắt đỏ ngầu
• Tiêu chảy
• Chóng mặt hoặc choáng váng (dấu hiệu của huyết áp thấp)
• Nổi ban trên da
• Nôn
Theo các chuyên gia, kết quả nghiên cứu đã gợi mở ra hướng mới cho các nghiên cứu sâu hơn liên quan tới MIS-C. Trong đó, câu hỏi cần được lý giải thỏa đáng bao gồm vì sao trẻ em da đen khi bị MIS-C thì có nguy cơ tổn thương nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể hơn so với trẻ em da trắng.
"Việc xác định rõ các yếu tố sinh học hoặc kinh tế xã hội của bệnh nhân nhằm giúp nâng cao hiệu quả điều trị hoặc phòng ngừa cần được quan tâm hơn nữa" – các chuyên gia nhấn mạnh.