Bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 6/2 của Bộ Y tế cho biết, có 11 ca mắc mới Covid-19 tăng 4 ca so với hôm qua; trong ngày có 5 bệnh nhân khỏi, hiện còn 2 ca nặng phải thở oxy qua mặt nạ.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.577 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.485 ca nhiễm).
Tình hình điều trị Covid-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 5 ca
Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.614.591 ca
2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 2 ca, trong đó:
Thở ô xy qua mặt nạ: 2 ca
Thở ô xy dòng cao HFNC: 0 ca
Thở máy không xâm lấn: 0 ca
Thở máy xâm lấn: 0 ca
ECMO: 0 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
Ngày 5/2 ghi nhận 0 ca tử vong.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Tình hình tiêm vaccine Covid-19
Trong ngày 05/02 có 0 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.175.551 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.786.161 liều: Mũi 1 là 71.082.367 liều; Mũi 2 là 68.701.457 liều; Mũi bổ sung là 14.534.330 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.926.900 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.541.107 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.894.802 liều: Mũi 1 là 9.127.824 liều; Mũi 2 là 8.957.315 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.809.663 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.494.588 liều: Mũi 1 là 10.247.641 liều; Mũi 2 là 8.246.947 liều.
Khuyến cáo quan trọng để phòng chống đột quỵ
Theo SKĐS, Ths.BS Lê Vũ Huỳnh, Phó trưởng Khoa Đột quỵ, BV Trung ương Huế cho biết, hàng năm Trung tâm Đột quỵ tiếp nhận điều trị khoảng 2.500-3.000 bệnh nhân, mỗi tháng tiếp nhận khoảng 200-250 bệnh nhân.
Các bệnh nhân nhập viện ở Trung tâm hầu hết nằm trong nhóm tuổi từ 50 tuổi trở lên (trung bình 60-65 tuổi). Bệnh nhân dưới 50 tuổi chiếm khoảng 10-15% và có xu hướng trẻ hóa ở bệnh nhân đột quỵ những năm gần đây. Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ duới 45 tuổi tăng lên hàng năm.
Nhóm bệnh trẻ hóa là xuất huyết não, do tăng huyết áp. Một bộ phận người trẻ bắt đầu tăng huyết áp sớm, nguyên nhân do thay đổi xã hội về mặt lối sống, ăn uống, sinh hoạt. Người trẻ nếu tăng huyết áp thường là tăng huyết áp thầm lặng. Người trẻ cũng thường kiểm soát kém khi bị tăng huyết áp và chủ quan trong theo dõi và điều trị.
Khi có người bị đột quỵ, cần chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện có khả năng điều trị và cấp cứu đột quỵ. Ưu tiên chuyển đến các trung tâm lớn nơi triển khai đầy đủ các phương pháp điều trị toàn diện.
Khi gặp bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ, liên hệ ngay đơn vị vận chuyển cấp cứu 115 hoặc nếu có phương tiện vận chuyển cá nhân phù hợp thì chuyển cấp cứu ngay. Trong lúc chờ đợi nếu bệnh nhân vẫn thở tốt thì không nên áp dụng biện pháp điều trị nào khác.
"Bệnh nhân bị đột quỵ thể tắc mạch nếu được tái thông kịp thời sẽ hồi phục tốt và giảm di chứng. Liệu pháp tái thông bao gồm 2 phương pháp chính là dùng thuốc tiêu sợi huyết và phương pháp can thiệp nội mạch lấy huyết khối. Những trung tâm đột quỵ hoàn thiện là những đơn vị thực hiện được các phương pháp tái thông này", Ths.BS Lê Vũ Huỳnh chia sẻ.