Băng Nam Cực vẫn tan dù thế giới cắt giảm khí thải?

Hà Anh 26/10/2023 07:38

Một nghiên cứu mới cho thấy, cho dù thế giới có cắt giảm lượng khí thải carbon đến mức nào thì một phần quan trọng và khá lớn của Nam Cực vẫn phải đối mặt với tình trạng tan chảy.

Nam Cực đang đối mặt với tình trạng tan chảy không thể tránh khỏi. Ảnh: AP.

Mất kiểm soát

Theo nghiên cứu mới được công bố hôm 23/10 trên tạp chí Nature Climate Change, sự tan chảy nhanh chóng của các thềm băng ở Tây Nam Cực giờ đây có thể là điều không thể tránh khỏi khi hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ làm nước biển dâng trên toàn thế giới.

Thềm băng là những lưỡi băng nhô ra biển ở cuối sông băng. Chúng đóng vai trò trụ đỡ giúp giữ băng trên đất liền, làm chậm dòng chảy của băng ra biển, là lớp phòng thủ quan trọng ngăn nước biển dâng. Khi các thềm băng tan chảy, chúng mỏng đi và mất khả năng trụ đỡ.

Nghiên cứu mới cho thấy, mặc dù quá trình tan chảy hoàn toàn sẽ mất hàng trăm năm, từ từ làm mực nước biển dâng thêm gần 1,8m, nhưng hiện tượng này xảy ra sẽ định hình lại địa điểm và cách thức con người sống trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu sử dụng giả lập máy tính để tính toán sự tan chảy trong tương lai của các thềm băng bảo vệ nhô ra trên biển Amundsen ở Tây Nam Cực và thấy rằng, ngay cả khi thế giới đạt được các mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu, việc này không đủ mạnh để ngăn chặn sự nóng lên của đại dương và dẫn đến sự sụp đổ của thềm băng tây Nam Cực.

Bà Kaitlin Naughten – nhà nghiên cứu mô hình đại dương thuộc Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Có vẻ như chúng ta đã mất kiểm soát đối với tình trạng băng tan ở Tây Nam Cực trong thế kỷ 21”.

Các nghiên cứu trước đây đề cập tính nghiêm trọng của vấn đề nhưng bà Naughten là người đầu tiên sử dụng giả lập máy tính để nghiên cứu hiện tượng băng tan do nước ấm từ bên dưới. Công trình xem xét bốn kịch bản về lượng carbon dioxide mà thế giới bơm vào bầu khí quyển. Nghiên cứu cho thấy, trong các kịch bản, dải băng khó có thể tồn tại vì mức độ nóng lên của đại dương là quá lớn.

Tây Nam Cực hiện là khu vực tác động lớn nhất đến mực nước biển dâng toàn cầu và có lượng băng đủ để nâng mực nước biển thêm trung bình 5,3m. Bà Naughten cho biết, khu vực Tây Nam Cực có sông băng Thwaites, còn được gọi là “sông băng Ngày tận thế”, vì sự sụp đổ của nó có thể làm mực nước biển dâng lên hàng mét, buộc các cộng đồng ven biển và các đảo quốc vùng thấp phải tái thiết đất nước căn cứ vào mực nước biển dâng hoặc từ bỏ những nơi này.

“Mặc dù nghiên cứu tập trung vào sự tan chảy của thềm băng và không trực tiếp định lượng tác động đến mực nước biển dâng, chúng tôi có mọi lý do để dự đoán rằng, mực nước biển dâng sẽ tăng do tốc độ mất băng ở Tây Nam Cực tăng” – bà Naughten khẳng định.

Thận trọng đánh giá

Một số nhà khoa học tỏ ra thận trọng về nghiên cứu này. Ông Tiago Segabinazzi Dotto - nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Hải dương học Quốc gia ở Anh cho rằng, các dữ liệu của nghiên cứu này cần được “xử lý cẩn thận” vì nghiên cứu dựa trên duy nhất một mô hình. Tuy nhiên, kết luận của nó phù hợp với nghiên cứu trước đây.

“Nghiên cứu này cần được các nhà hoạch định chính sách xem xét” - ông Dotto nói.

Bà Twila Moon - Phó Giám đốc khoa học tại Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia (Mỹ) cho rằng, hầu hết mọi người sẽ không thấy gì ngoài sự diệt vong và u ám qua nghiên cứu trên.

Tuy nhiên, ông Ted Scambos - nhà nghiên cứu sông băng tại Đại học Colorado Boulder (Mỹ), người không tham gia nghiên cứu nói trên cho rằng, những phát hiện này là “thẳng thắn”. Theo ông nhóm nghiên cứu dựa trên các kết quả nghiên cứu hiện có vẽ ra một bức tranh đáng báo động về những gì đang xảy ra với lục địa cực Nam của hành tinh. Ông Scambos cho rằng, cách duy nhất để thực sự ngăn chặn tình trạng băng tan nhanh chóng không chỉ là cắt giảm mức độ ô nhiễm làm nóng hành tinh mà còn phải “loại bỏ một số chất đã tích tụ”. Đây sẽ là “một thách thức thực sự”.

“Điều đáng buồn là những tác động từ hiện tượng nước biển dâng cao, đặc biệt là trong thế kỷ tới. Con người sẽ chứng kiến mực nước biển dâng cao đáng kể ở tất cả các thành phố ven biển trên thế giới” - ông Scambos nói.

Bà Naughten và các đồng nghiệp thừa nhận nghiên cứu của họ có những hạn chế bởi việc dự đoán tốc độ tan chảy trong tương lai ở Tây Nam Cực là rất phức tạp và không thể tính toán mọi kết quả có thể xảy ra Tuy nhiên, khi xem xét nhiều kịch bản, các tác giả nghiên cứu tin tưởng rằng, việc tan băng hiện nay là không thể tránh khỏi.

Ba Naughten cho rằng, thềm băng ở Tây Nam Cực tan chảy là một trong những tác động của biến đổi khí hậu và chúng ta sẽ phải thích nghi với điều đó. Theo bà, mặc dù viễn cảnh rất tồi tệ bởi nhân loại không thể từ bỏ việc cắt giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch, những tác động tàn khốc vẫn có thể tránh được ở các khu vực khác của Nam Cực và phần còn lại của thế giới, vì vậy vẫn có lý do để cắt giảm ô nhiễm carbon. Bên cạnh đó, các tác giả nghiên cứu mới chưa chắc chắn các chính sách khí hậu có thể ngăn chặn tình trạng tan băng được hay không và tới mức độ nào.

Bà Naughten bày tỏ: “Tôi không thấy những điều tích cực qua nghiên cứu của mình, nhưng đó là những gì khoa học nói với tôi, vì vậy, tôi phải truyền đạt với thế giới”. Bà dẫn lời nhà khoa học NASA Kate Marvel: “Khi nói đến biến đổi khí hậu, chúng ta cần lòng can đảm chứ không phải hy vọng. Can đảm là quyết tâm làm tốt mà không cần đảm bảo một kết thúc có hậu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Băng Nam Cực vẫn tan dù thế giới cắt giảm khí thải?